Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở

Ngày đăng 02/04/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở: Sửa đổi khoản 1 điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở “Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ...”. Nên bỏ quy định “trong đó có hòa giải viên là nữ” vì quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong công tác kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở. Sửa đổi quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng không quy định về việc hòa giải đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự và hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà chỉ nên quy định hòa giải đối với mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ các hành vi quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP cho phù hợp với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Sửa đổi quy định thanh toán hỗ trợ tại khoản 1 Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP cho phù hợp với việc thanh toán thực tế trong công tác hòa giải.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Ngày 10/4/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 527/QĐ-BTP về Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tổng hợp thông tin, số liệu xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật.

5.1. Đối với đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở về việc bỏ quy định trong Tổ hòa giải phải “có hòa giải viên là nữ”: Đề xuất này không phù hợp với yêu cần thực hiện bình đẳng giới. Hơn nữa, theo phản ánh của hòa giải viên, phần lớn các mâu thuẫn, tranh chấp do các hòa giải viên ở cơ sở tiếp nhận hòa giải chủ yếu thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bên cạnh đó, trong trường hợp các tranh chấp, mẫu thuẫn trong các vụ việc hòa giải ở cơ sở có phụ nữ thì việc trong tổ hòa giải có hòa giải viên nữ để có sự đồng cảm, chia sẻ, tìm hiểu về các tình tiết, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn từ đó thực hiện hòa giải “thấu tình đạt lý” là rất cần thiết.

5.2. Đối với đề xuất sửa đổi quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng không quy định về việc hòa giải đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự và hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà chỉ nên quy định hòa giải đối với mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ các hành vi quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.

Đối với đề xuất nêu trên, hiện nay Nghị định số 15/2014/NĐ-CP đã quy định theo hướng như vậy, theo đó:

(i) Phạm vi hòa giải ở cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 là “Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính”.

(ii) Tại khoản 1 Điều 5 đã quy định “Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây…” trong đó có điểm đ, e khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

 Tuy nhiên, tại điểm đ, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP có quy định hòa giải đối với trường hợp vi phạm pháp luật hình sự nhưng không bị khởi tố vụ án, người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc vụ án bị đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án... Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp ý kiến đề nghị bổ sung hòa giải đối với mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ các hành vi vi phạm pháp luật này khi tham mưu Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung Nghị định, nếu thấy cần thiết.

5.3. Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP cho phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở (những trường hợp được hòa giải ở cơ sở). Còn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự. Quá trình theo dõi, quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp chưa phát hiện bất cập, mâu thuẫn giữa Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

5.4. Đối với đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP:

- Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định điều kiện được hưởng thù lao vụ, việc của hòa giải viên là vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc. Vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Theo đó, hòa giải viên chỉ được hưởng thù lao hòa giải sau khi đã tiến hành hòa giải và việc hòa giải đã kết thúc (đối với cả 02 trường hợp hòa giải thành và không thành). Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan.

- Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên gồm những giấy tờ cơ bản sau: (1) Giấy đề nghị thanh toán; (2) Xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua Tổ hòa giải. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao, Tổ hòa giải thực hiện trả thù lao cho hòa giải viên.

Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt, kiểm tra của Bộ Tư pháp cho thấy, trên thực tế, để được thanh toán các khoản hỗ trợ cho hòa giải viên ở cơ sở, bộ phận kế toán tại một số địa phương thường yêu cầu các giấy tờ khác không được quy định tại Điều 15 (như Biên bản hòa giải thành, Quyết định công nhận hòa giải viên…). Điều này gây khó khăn, cản trở hòa giải viên thực hiện quyền đã được quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở. Do đó, đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng quy định tại Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.

Kim Yến