Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Ngày đăng 23/01/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Theo quy định tại khoản 5, Điều 9, Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” thì tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo ưu tú ” là “Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy. Tuy nhiên, theo thực tế tại địa phương, nếu giáo viên có năng lực sẽ được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý sớm, nên chưa đủ thời gian 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy, dẫn đến việc không đạt tiêu chuẩn để được phong tặng danh hiệu cao quý này, mặc dù các tiêu chí khác của cá nhân và của tập thể đều đảm bảo. Cử tri đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định trên theo hướng giảm thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy đối với những trường hợp được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý sớm như trên để được xem xét phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú ”.

Ngày 16/01/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Văn bản số 222/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến. Nội dung trả lời như sau:

Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013 quy định: Đối với tiêu chuẩn thời gian xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy. Đối với tiêu chuẩn thời gian xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Việc quy định tiêu chuẩn thời gian nêu trên tiếp tục được quy định tại Điều 64 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024). Do vậy, Chính phủ và Bộ GDĐT không có thẩm quyền giảm thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy đối với các đối tượng, trong đó có đối tượng cán bộ quản lý giáo dục được bổ nhiệm sớm.

Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” chưa phân định rõ cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nên việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho nhóm đối tượng này không phù hợp thực tiễn. Thực tế, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải thực hiện giảng dạy trực tiếp theo quy định về chế độ làm việc, tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên tại các nhà trường theo quy định của Điều 66 Luật Giáo dục. Đối với viên chức được bổ nhiệm chức vụ quản lý hoặc kiêm nhiệm các công việc khác nhưng đều có mã số và chức danh nghề nghiệp là giáo viên, giảng viên, hưởng lương như giáo viên, giảng viên, cùng được hưởng các phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp; tuy nhiên, tiêu chuẩn xét tặng thì để cùng nhóm đối tượng cán bộ quản lý giáo dục là công chức thì chưa phù hợp. Thực hiện Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3 (trong đó có Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022), Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (thay thế Nghị định số 27/2015/NĐ-CP), trong đó chuyển đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy theo quy định của chế độ làm việc sang cùng nhóm đối tượng là giáo viên, giảng viên. Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” đã trình Chính phủ.

Nguồn: Văn bản số 222/BGDĐT-VP ngày 16/01/2024 của Bộ GDĐT