Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm hoặc việc làm không phù hợp với chuyên ngành đào tạo

Ngày đăng 10/10/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: “Hiện nay, tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm hoặc việc làm không phù hợp với chuyên ngành đào tạo dẫn đến lãng phí nguồn lực mà gia đình, nhà trường và xã hội đã đầu tư cho các em trong quá trình học tập, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Kiến nghị nghiên cứu tổng thể, chi tiết thực trạng vấn đề và có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này”.

Ngày 29/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Văn bản số 5391/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

Theo báo cáo mới nhất tại Bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp công khai, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong giai đoạn 2020-2022 dao động trong khoảng từ 2,3 - 3,98%, tương đương với khoảng từ 1.056.700 đến 1.714.800 người thất nghiệp, trong đó các tỉ lệ thất nghiệp cao tập trung vào năm 2021 do tình hình dịch COVID-19.

Theo khuyến cáo của Tổ chức lao động quốc tế ILO, không có một quốc gia nào có thể đạt tỉ lệ thất nghiệp là 0%, nếu tỉ lệ thất nghiệp của một quốc gia đạt dưới 5% được coi là bình thường, thậm chí đó còn là động lực đề thúc đẩy thị trường lao động và đào tạo trong việc luôn vận động và thay đổi để hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo và các lĩnh vực liên quan.

Trên thực tế, ngành đào tạo trong nhà trường không trùng với ngành nghề của thị trường lao động, tốt nghiệp đại học ở một ngành nghề đào tạo có thể làm việc ở nhiều vị trí việc làm khác nhau mà vẫn phát huy được chuyên môn được đào tạo. Việc đánh giá nghề nghiệp có liên quan đến ngành nghề được đào tạo cần phải chú ý đến nội dung này để có thể đánh giá được toàn diện và chính xác. Điều quan trọng nhất là người học sau khi được đào tạo ở bậc giáo dục đại học đáp ứng tốt các yêu cầu của công việc mà mình lựa chọn bằng năng lực cá nhân và kiến thức được đào tạo, đem lại giá trị cho gia đình, xã hội và đóng góp vào sự phát triển của đất nước nói chung.

Để chất lượng giáo dục đại học ngày càng tiệm cận với nhu cầu sử dụng lao động thì cần phải nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ giảng viên, trang bị đủ về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản trị đại học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 09/12/2008 quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có nêu mục đích của công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm là tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với đơn vị sử dụng lao động. Các Thông tư do Bộ GDĐT ban hành quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đều quy định vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết của việc doanh nghiệp tham gia đồng hành, phối hợp với cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo để chương trình đào tạo ngày càng được thiết kế phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng thực hiện nhiều đề án, dự án liên quan đến nội dung này như Đề án 69 về nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019- 2025, Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019-2030. Các dự án, đề án đang triển khai đều hướng tới mục đích đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để người học đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động, có thể tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

Bộ GDĐT đã hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hằng năm khảo sát và báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi được công nhận tốt nghiệp, đồng thời giao nhiệm vụ cho Trung tâm Đào tạo và cung ứng nhân lực tiến hành tổng hợp và phân tích báo cáo của các trường, thống kê số sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình, xu hướng việc làm của xã hội. Trong quy định về việc xác định chỉ tiêu đào tạo hàng năm, số lượng chỉ tiêu đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu xã hội và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, đồng thời, tỉ lệ sinh viên có việc làm ở năm liền kề cũng là một tiêu chí quan trọng để xác định chỉ tiêu đào tạo (nếu tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp thấp hơn 80% thì cơ sở đào tạo không được xác định chỉ tiêu cao hơn năm trước liền kề).

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đang xây dựng đề án về kết nối cơ sở dữ liệu giáo dục đại học với cơ sở dữ liệu bảo hiểm nhằm xây dựng hệ thống thông tin việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành, lĩnh vực của các cơ sở đào tạo, xu hướng nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, trên cơ sở đó sẽ có thông tin phục vụ hoạch định chính sách phát triển giáo dục đại học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.

Để giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cần sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng và các thành phần kinh tế xã hội khác như doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế. Bộ GDĐT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của các cấp, các bộ, ngành và của toàn xã hội để giải quyết tốt vấn đề việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Nguồn: Văn bản số 5391/BGDĐT-VP, ngày 29/9/2023 của Bộ GDĐT