Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật

Ngày đăng 08/03/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn các trường hợp sau đây: Trước đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành một số văn bản dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật nhưng không chứa quy phạm pháp luật như các quyết định thành lập các bệnh viện đa khoa các huyện thuộc Sở Y tế thì khi thực hiện hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan ở địa phương có đưa các văn bản trên vào danh mục văn bản để thực hiện hệ thống hoá hay không? Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật nhưng không chứa quy phạm pháp luật thì sẽ ban hành văn bản dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính?

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 164 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 38 Điều 1 Nghị định số 54/2016/NĐ-CP)[1] quy định, “văn bản QPPL phải được định kỳ hệ thống hóa”.

Đồng thời, khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020[2]) thì văn bản QPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

Trong khi đó, hiện nay pháp luật chưa có quy định việc xử lý riêng biệt đối với văn bản có hình thức, ban hành hành theo thẩm quyền và trình tự thủ tục của văn bản QPPL nhưng không chứa QPPL. Trường hợp, các văn bản đã ban hành bằng hình thức văn bản QPPL nhưng nội dung không chứa QPPL thì thông qua rà soát, cơ quan đã ban hành văn bản QPPL có thể tiến hành xử lý bằng hình thức bãi bỏ các văn bản nêu trên. Đối với các nội dung mà cơ quan ban hành văn bản thấy rằng vẫn cần phải quy định thì sau khi bãi bỏ xong sẽ ban hành văn bản mới là văn bản hành chính để điều chỉnh.

 

[1] Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

...

38. Sửa đổi, bổ sung Điều 164 như sau:

“Điều 164. Định kỳ hệ thống hóa văn bản

Văn bản quy phạm pháp luật phải được định kỳ hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa 05 năm một lần. Thời điểm ấn định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa để công bố (sau đây gọi là thời điểm hệ thống hóa) là ngày 31 tháng 12 của năm thứ năm tính từ thời điểm hệ thống hóa kỳ trước.”.

[2] Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

“Điều 12. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định.”

Kim Yến