Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri về việc có chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng

Ngày đăng 25/09/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: "Đề nghị tiếp tục có các giải pháp cấp bách để cải thiện thị trường lao động, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong bối cảnh tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để khuyến khích người lao động làm việc, cống hiến." "Cử tri kiến nghị: Hiện nay, đa số các công ty trong các khu công nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, vì đơn hàng bị cắt giảm, do đó các công ty áp dụng giải pháp cắt giảm giờ làm của công nhân, người lao động, không áp dụng tăng ca, điều này làm giảm thu nhập của công nhân, người lao động, đời sống gặp khó khăn. Đề nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp giúp giảm khó khăn cho công nhân, người lao động".

Ngày 31/8/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 3581/LĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế các nước là thị trường chính của Việt Nam có dấu hiệu suy thoái, nhu cầu giảm mạnh, chi phí nguyên vật liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm tăng lên[1]. Tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, giảm giờ làm diễn ra mang tính chất cục bộ, tại một số ngành (dệt may, da giầy, chế biến gỗ,...) và ở một số địa phương nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh việc cắt giảm lao động thì nhờ sự tăng trưởng trong một số ngành kinh tế nên thị trường vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động[2].

Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: (i) Theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo, có phương án hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết; (ii) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về lao động, bảo hiểm xã hội từ trung ương đến địa phương để bố trí nhân lực, hướng dẫn và tổ chức chi trả kịp thời các chế độ chính sách cho người lao động và đảm bảo đúng đối tượng; (iii) Chỉ đạo tổ chức dịch vụ việc làm, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, trong đó đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số trong giao dịch việc làm để tạo thuận lợi cho việc kết nối cung - cầu lao động, tiết kiệm chi phí; (iv) Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định; (v) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí bổ sung nguồn vốn và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá thực trạng lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm; rà soát các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm cơ sở đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong tình hình mới. Tiếp thu ý kiến của cử tri, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động sẽ được tính toán kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm, cách thức triển khai thực hiện, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

 

[1]  Theo thống kê nhanh cùa 52 địa phương, số lao động thôi việc, mất việc làm, tăng nhẹ trong 4 tháng đầu năm 2023, có 509.903 lao động bị cắt giảm việc làm (băng 3,4% tông sô lao dộng đang làm việc trong doanh nghiệp), trong đó 279.409 người thôi việc, mất việc làm, 195.039 người giảm giờ làm.

[2] Nhu cầu tuyển lao động là 481,2 nghìn người, cao hơn khoảng 200 nghìn người so với sô lao động thôi việc, mât việc cùng thời gian.

Nguồn: Văn bản số 3581/LĐTBXH-VP, ngày 31/8/2023 của Bộ LĐTBXH