Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ một phần và sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật

Ngày đăng 04/03/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương như: Hiện nay, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) mới chỉ quy định thể thức, kỹ thuật trình bày đối với văn bản sửa đổi, bổ sung (mục 3 Chương V) và mẫu trình bày văn bản chỉ có nội dung bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật (các mẫu từ mẫu số 38 đến mẫu số 43 Phụ lục I), chưa có quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày, mẫu trình bày đối với trường hợp 9 văn bản có nội dung bãi bỏ một phần đồng thời sửa đổi, bổ sung văn bản mà trong đó phần nội dung bị bãi bỏ làm ảnh hưởng đến nội dung của văn bản bị bãi bỏ một phần nên phải thực hiện sửa đổi, bổ sung.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Mục II và Mục III của Phụ lục I (Các mẫu văn bản QPPL) ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã quy định Mẫu văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung một số điều (Mục 2, từ Mẫu số 28 đến Mẫu số 37) và Mẫu văn bản QPPL bãi bỏ văn bản QPPL (Mục III, từ Mẫu số 38 đến Mẫu số 43). Theo đó:

- Nội dung Mẫu các văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung một số điều gồm Điều 1 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản QPPL và Điều 2 - Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của văn bản QPPL.

- Nội dung Mẫu văn bản QPPL bãi bỏ văn bản QPPL gồm Điều 1 - Bãi bỏ toàn bộ một số văn bản QPPL và Điều 2 - Bãi bỏ một phần một số văn bản QPPL.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung một số điều và bãi bỏ một phần văn bản QPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể áp dụng theo Mẫu tương ứng tại Mục 2 (từ Mẫu số 28 đến Mẫu số 37) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

Hiện nay, thực hiện kết luận của Chính phủ tại Thông báo số 128/TB-VPCP ngày 29/7/2023 về kết luận của Thường trực Chính phủ và Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 06/10/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2023, Bộ Tư pháp đang chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định có khiếm khuyết của 02 Nghị định nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản QPPL và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thời gian qua, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

Kim Yến