Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Tổng Thư ký Quốc hội trả lời kiến nghị cử tri về việc tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật đảm bảo công bằng, nghiêm minh

Ngày đăng 31/08/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: “Đề nghị tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo công bằng, nghiêm minh, không để tình trạng lợi dụng kẽ hở trong luật để trục lợi, phục vụ cho lợi ích nhóm và lợi ích bản thân”.

Ngày 25/8/2023, Tổng Thư ký Quốc hội có Văn bản số 2694/TTKQH-GS về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Nội dugn trả lời kiến nghị như sau:

Trong những năm vừa qua, công tác giám sát tình hình thực thi pháp luật là hoạt động thường xuyên, liên tục của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, cùng với việc thường xuyên tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tiến hành chất vấn trên nhiều lĩnh vực, từ đó phát hiện và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cũng như có những kiến nghị cụ thể để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có sự chấn chỉnh trong thực tiễn thực thi pháp luật ở Trung ương cũng như tại địa phương, giúp luật đi sâu vào cuộc sống của người dân.

Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội thường xuyên tiến hành giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành... Các báo cáo đều được tiến hành xem xét với nhiều yêu cầu đổi mới, theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể; đồng thời, đánh giá, kiến nghị các giải pháp trọng tâm, xác định rõ trách nhiệm và đề xuất để có các quyết sách cụ thể, sát thực trong nghị quyết của Quốc hội.

Trong giám sát chuyên đề, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát các chuyên đề về: công tác quy hoạch; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phòng, chống dịch COVID-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát triển năng lượng... Kết thúc hoạt động giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về giám sát chuyên đề; qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản và đang trong quá trình tổ chức thực hiện với tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn.

Trong giám sát văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để làm cơ sở đánh giá về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung và tác động của nội dung này đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Trong hoạt động chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn về những vấn đề bức xúc, còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong thực thi pháp luật, được cử tri, Nhân dân quan tâm, trên các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư, y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, thương binh và xã hội (kỳ họp thứ 2); tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải (kỳ họp thứ 3); xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra (kỳ họp thứ 4); giao thông vận tải, lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, dân tộc (kỳ họp thứ 5); công thương, tài nguyên và môi trường (phiên họp thứ 9), văn hóa, thể thao và du lịch, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội (phiên họp thứ 14); tòa án, kiểm sát (phiên họp thứ 21)... Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong đó có nhóm vấn đề liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Thông qua các hoạt động giám sát nêu trên, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và những người đứng đầu các cơ quan liên quan đã được nâng lên, công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật trên các lĩnh vực đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong việc triển khai, thi hành luật, nghị quyết, pháp lệnh, vẫn tồn tại một số tồn tại, hạn chế nhất định, nhất là tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết dẫn đến một số trường hợp luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành, nhưng còn có quy định chưa được áp dụng do phải chờ văn bản quy định chi tiết; văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, thiếu tính khả thi, gây phản ứng trong dư luận xã hội. Đây là vấn đề làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật, pháp lệnh, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân...

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu để tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát thực thi pháp luật, trong đó chú trọng các vấn đề mà cử tri kiến nghị ở trên.

Nguồn: Văn bản số 2694/TTKQH-GS, ngày 25/8/2023 của TTKQH