Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về việc đánh giá tính khả thi, hiệu quả, sự cần thiết của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm

Ngày đăng 18/10/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: “Đề nghị nghiên cứu, đánh giá về tính khả thi, hiệu quả, sự cần thiết của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Theo đó, hiện nay việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm đòi hỏi nhiều chi phí trong khi đó tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT đều dao động ở mức cao, có khi đạt trên 98% và việc thi tốt nghiệp THPT chỉ có 4 môn so với chương trình học”.

Ngày 29/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Văn bản số 5437/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) được đánh giá là khả thi, hiệu quả và cần thiết, bởi những lý do sau đây:

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (Kỳ thi) đã được luật hóa:

1) Khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 quy định “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.

2) Kết quả của Kỳ thi rất quan trọng đối với thực tiễn: Giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức Kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, nên kết quả của Kỳ thi được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau (đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả của Kỳ thi để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ).

3) Việc tổ chức Kỳ thi là cần thiết đối với công tác quản lý giáo dục: Để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền. Việc phân hóa từ kết quả thi tốt nghiệp THPT rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và phát triển. Thêm nữa, từ đặc điểm văn hóa trọng thi cử của người Việt Nam, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ giảm động lực học tập tích cực của người học, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp THPT không học (không thi, không học).

Do vậy, việc học sinh phải tham gia kỳ thi cuối cùng khi kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông, một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau như đã nói ở trên là cần thiết, ngay cả khi đã thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Đồng thời, với sự rà soát, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng tổ chức Kỳ thi hàng năm của Bộ GDĐT và UBND các tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương, Kỳ thi đã được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm tối đa.

Thực hiện Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, Bộ GDĐT đã xây dựng phương án và triển khai tổ chức thành công các kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2020 đến 2023, đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022, 2023; nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng phù hợp với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh THPT của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc phân cấp, phân quyền tổ chức thi từ năm 2025 cũng sẽ được thực hiện rõ nét hơn. Trong đó, Bộ GDĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ GDĐT.

Nguồn: Văn bản số 5437/BGDĐT-VP, ngày 29/9/2023 của Bộ GDĐT