Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng Quy chế phối hợp cụ thể về công tác hòa giải ở cơ sở

Ngày đăng 02/04/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng Quy chế phối hợp cụ thể về công tác hòa giải ở cơ sở để các ngành, địa phương có căn cứ triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 30 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và khoản 4 Điều 17 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015[1].

Để chi tiết, cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong công tác hòa giải ở cơ sở, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Nghị quyết quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan tư pháp các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, việc ban hành Chương trình phối hợp mới giữa Bộ Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tăng cường công tác hòa giải cơ sở là chưa cần thiết.

Trên cơ sở quy định tại Nghị quyết liên tịch số nêu trên, UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 

[1]Điều 30 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

2. Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.

Điều 17 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong  tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật với các nội dung sau đây:

1. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

2. Phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước ở khu dân cư;

3. Chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng;

4. Tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở”.

Kim Yến