Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Công an trả lời kiến nghị cử tri về đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao

Ngày đăng 03/10/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: “Hiện nay, tội phạm công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận biết, tiến hành lừa đảo và xâm hại đến quyền riêng tư của người dân, đặc biệt là người dân tại nông thôn, vùng có điều kiện phát triển hạn chế, người lớn tuổi,...Cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong đấu tranh phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng này, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để người dân chủ động nâng cao cảnh giác, đối phó với loại hình tội phạm này”.

Ngày 26/9/2023, Bộ Công an có Văn bản số 3457/BCA-V01 về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, nổi lên là:(1) Tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ Deepfake1 để thực hiện hành vi lừa đảo;(2) Tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng với số tiền lớn; (3) Mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng để phục vụ các mục đích trái pháp luật; sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc sử dụng phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, lôi kéo đánh bạc; (4) Hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh, vay ngang hàng trên các nền tảng di động và qua mạng;(5) Hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân; (6) Hoạt động của số đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để thiết lập, điều hành các trang mạng, đường dây tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình trạng trên, Bộ Công an đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh như sau:

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 và Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; thường xuyên thông báo các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, không gian mạng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn đến các thuê bao di động cảnh báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(2) Chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả; tổ chức tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đánh bạc và tổ chức đánh bạc...

(3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xây dựng các cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, bộ ngành, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong cung cấp thông tin, thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; tăng cường phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn mọi sơ hở, điều kiện làm phát sinh tội phạm. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, điều chỉnh các quy định, quản lý chặt chẽ đối với những loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ, phát sinh tội phạm, như: tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng, sử dụng sim thẻ điện thoại; siết chặt quản lý việc mở thẻ, sử dụng thẻ ngân hàng, thanh toán qua biên giới; quản lý chặt chẽ các cuộc gọi quốc tế chiều về Việt Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cuộc gọi giả mạo... Đặc biệt, tăng cường ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, “làm sạch” tài khoản thuê bao di động (xóa bỏ tình trạng “sim rác”); phối hợp ngành Ngân hàng xác thực tài khoản cá nhân góp phần loại bỏ các tài khoản “ảo”; triển khai các giải pháp ứng dụng chấm điểm để mở rộng cho vay tín chấp tiêu dùng góp phần phòng ngừa tội phạm.

(4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng, đặc biệt là phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có yếu tố nước ngoài. Chú trọng phối họp chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Đồng thời, Bộ Công an đề nghị các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện một số nội dung sau để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng:(1) Đồ cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. (2) Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. (3) Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. (4) Không nhấp vào đường link hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.(5) Nếu nhận được tin nhắn vay, mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền từ tài khoản của người thân (tin nhắn qua các ứng dụng OTT) thì cần xác nhận lại thông tin. (6) Kiểm tra kỹ thông tin của website khi thực hiện giao dịch trực tuyến, website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức “https”). (7) Tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân; không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. (8) Trường họp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Nguồn: Văn bản số 3457/BCA-V01, ngày 26/9/2023 của Bộ Công an