Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về chấn chỉnh việc các Bộ, ngành Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn...

Ngày đăng 04/03/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ chấn chỉnh việc các Bộ, ngành Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn; ban hành văn bản hành chính giao địa phương thể chế bằng văn bản QPPL; quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng dẫn đến hiểu khác nhau gây khó khăn thực hiện.

Bộ Tư pháp

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ, Văn phòng Chính và Bộ Tư pháp đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều văn bản đã được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, như địa phương đã phản ánh, vẫn còn chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ban hành văn bản hành chính giao địa phương thể chế bằng văn bản QPPL; quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng dẫn đến hiểu khác nhau gây khó khăn trong thực hiện. Trong thời gian tới, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng bộ trong tổ chức triển khai thực hiện giữa các cơ quan chức năng và khả thi trong thực tế, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương thực hiện các giải pháp sau:

1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh, triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện nghiêm các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng của văn bản, sớm khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết và bảo đảm các nguồn lực cần thiết cho việc triển khai thi hành đồng bộ, kịp thời, hiệu quả luật, pháp lệnh.

2. Chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản nợ ban hành và văn bản quy định chi tiết. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để trình ký ban hành.

3. Các Bộ cần thực hiện nghiêm các giải pháp đã được nêu tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số các giải pháp cụ thể sau:

- Các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác này, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản. Thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản; cương quyết không xem xét khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản.

- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về việc: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”.

4. Bộ Tư pháp tăng cường công tác thẩm định, rà soát, để kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập và chủ động đề xuất biện pháp khắc phục đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có nội dung chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, điều hành hiệu quả hơn công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết để bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và khả thi; ban hành đúng và đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật. Áp dụng nguyên tắc một văn bản quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết.

5. Ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh, triển khai thực hiện Hiến pháp và ban hành văn bản quy định chi tiết; củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật.

Kim Yến