Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cử tri (5 nội dung)

Ngày đăng 25/09/2023

Xem với cở chữ : A- A A+

1. Về hướng dẫn cụ thể các trường hợp Ban hành VBQPPL tại Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL

Cử tri kiến nghị:

Tham mưu hướng dẫn cụ thể các trường hợp Ban hành VBQPPL tại Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL. Vì quy định trên dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất ở địa phương, việc vận dụng áp dụng quy định trên tùy thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng pháp luật. Trong khi quy trình để xây dựng, ban hành văn bản tại các khoản là không giống nhau.

Về quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng VBQPPL và soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL.

Đối với việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL chưa quy định cụ thể việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động thực hiện từ giai đoạn nào, mà chỉ quy định tại thành phần hồ sơ thẩm định theo quy định tại khoản 36 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL:

“2. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

a) Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo nghị quyết;

b) Dự thảo nghị quyết;

c) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này;…”.

Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, hướng dẫn nội dung này để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định văn bản ở địa phương.

Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế cho phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương, chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

1. Thời gian qua, một số địa phương đã có kiến nghị nghị hướng dẫn áp dụng Điều 27 của Luật Ban hành VBQPPL, trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã có Công văn hướng dẫn các địa phương đó như sau:

(i) Về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên (khoản 1 Điều 27): Tại khoản 1 Điều 11 của Luật ban hành VBQPPL quy định: “... Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết...”. Căn cứ quy định nêu trên thì nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên được hiểu là nghị quyết để quy định chi tiết những nội dung được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương (luật; nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ…), tại điều, khoản, điểm của VBQPPL giao quy định chi tiết phải nêu rõ cơ quan được ủy quyền ban hành văn bản là HĐND cấp tỉnh và nội dung giao HĐND cấp tỉnh quy định chi tiết.

(ii) Về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên (khoản 2 Điều 27): Khoản 1 Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương …”. Việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương có thể được bảo đảm bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc ban hành VBQPPLcủa chính quyền địa phương để bảo đảm thi hành. Như vậy, ngoài ban hành nghị quyết để quy định chi tiết nội dung được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định tại khoản 1, HĐND cấp tỉnh còn ban hành nghị quyết quy phạm để quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên tại địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Ban hành VBQPPL.

(iii) Về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương (khoản 3 Điều 27): Căn cứ theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì HĐND cấp tỉnh được ban hành nghị quyết quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh ở địa phương. Các biện pháp này phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và việc ban hành nghị quyết quy định các biện pháp này là nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh cho địa phương đó, trường hợp này là ban hành văn bản thuộc thẩm quyền riêng của địa phương.

(iv) Về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (khoản 4 Điều 27): Để xác định đâu là biện pháp có tính chất đặc thù, cần căn cứ vào các VBQPPL hiện hành của cơ quan nhà nước ở Trung ương để xác định biện pháp đó đã được quy định để áp dụng chung cho cả nước hay chưa; nếu biện pháp đó chưa được quy định và xuất phát từ thực tiễn địa phương cần thiết phải ban hành để giải quyết các vấn đề riêng biệt của địa phương thì đó là biện pháp có tính chất đặc thù. Việc quy định các biện pháp có tính chất đặc thù ở địa phương phải bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; không trái với Hiến pháp và các VBQPPL do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành.

2. Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL thì khoản 1, 2 và 3 của Điều 27 không phải lập đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy trình chính sách; khoản 4 Điều 27 thì bắt buộc phải lập đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy trình chính sách. Theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng VBQPPL và soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL, cơ quan lập đề nghị có trách nhiệm đánh giá tác động của thủ tục hành chính nếu đề nghị xây dựng nghị quyết có liên quan đến thủ tục hành chính.

Đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh tại khoản 2, 3 Điều 27 không phải thực hiện quy trình chính sách và không áp dụng quy định về đánh giá tác động thủ tục hành chính trong việc lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL. Khi quy định thủ tục hành chính tại nghị quyết HĐND cấp tỉnh, địa phương cần bảo đảm thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2017).

Đối với hồ sơ thẩm định nghị quyết tại khoản 2, 3 Điều 27 phải có báo cáo đánh giá tác động của chính sách, như vậy, báo cáo này sẽ được xây dựng trong giai đoạn soạn thảo nghị quyết, cùng thời điểm xây dựng các văn bản khác trong hồ sơ (Tờ trình, dự thảo, báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động chính sách,...).

 

2. Về tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc đánh giá tác động thủ tục      hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo VBQPPL  ở địa phương theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

 

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo VBQPPL ở địa phương theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường tổ chức các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xây dựng, ban hành VBQPPL; kỹ năng xây dựng chính sách, phân tích chính sách; báo cáo đánh giá tác động của chính sách... cho đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương, cán bộ pháp chế sở, ngành để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp. Nội dung tập huấn cần đa dạng, phong phú hơn để phù hợp với nhiệm vụ pháp chế của từng ngành.

Đề nghị Bộ Tư pháp hàng năm lựa chọn các nhiệm vụ, chuyên đề để tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế (trong đó có các chuyên đề dành cho cán bộ pháp chế của cơ quan thuộc Chính phủ)

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

1. Ngày 22/6/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Ban hành VBQPPL. Ngày 18/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Thực hiện các Kế hoạch triển khai thi hành của 02 Luật trên, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tiến hành nhiều hoạt động có liên quan đến việc xây dựng tài liệu tập huấn chuyên sâu; đồng thời tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu không chỉ cho đội ngũ cán bộ pháp chế và người làm công tác xây dựng pháp luật ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương mà còn có cả các đối tượng công chức, viên chức khác.

- Tiếp đó, ngày 10/02/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BTP hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã gửi Thông tư cho các Bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định. Để triển khai Thông tư số 03/2022/TT-BTP, trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn kỹ năng đánh giá tác động TTHC trong lập đề nghị xây dựng VBQPPL và soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại Bộ, ngành, địa phương tại 2 miền Nam - Bắc (ngày 18/3/2022 và 31/3/2022) và cho các đơn vị thuộc Bộ (ngày 16/8/2022).

- Đối với các địa phương có đề nghị hỗ trợ tập huấn, Bộ Tư pháp cũng đều cử báo cáo viên về tập huấn công tác xây dựng VBQPPL đến tập huấn cho các địa phương, như: tp. Hà Nội, Vĩnh phúc, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Dương, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, tp. HCM, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu,...

2. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cũng sẽ chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch, lựa chọn những nội dung nhiệm vụ, chuyên đề tập huấn phù hợp để tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật ở các cơ quan Trung ương và địa phương.

Đồng thời, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các địa phương chủ động tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác xây dựng VBQPPL, Bộ Tư pháp sẽ có hỗ trợ về báo cáo viên, tài liệu tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ phục vụ cho công tác tổ chức.

 

3. Về đánh giá tính khả thi các nội dung dự kiến giao cho địa phương thực hiện

Cử tri kiến nghị:

Nội dung giao cho địa phương ban hành chính sách cần được quy định trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL; đồng thời, xác định cụ thể cơ quan có thẩm quyền ban hành để thuận lợi cho việc áp dụng văn bản ở địa phương.

Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đánh giá tính khả thi các nội dung dự kiến giao cho địa phương thực hiện. Đối với những nội dung giao cho địa phương ban hành văn bản cần quy định rõ là ban hành nghị quyết hay quyết định.

Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quy định đối với các nội dung có liên quan đến TTHC cần quy định rõ, cụ thể để địa phương triển khai thực hiện, không giao cho địa phương quy định về các TTHC trong các văn bản dưới luật, nghị quyết của Quốc hội, tránh trường hợp vi phạm khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL.

Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản với hình thức phù hợp khi trong nội dung có giao cho địa phương ban hành VBQPPL để thực hiện. Đồng thời, đối với những nội dung giao địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết có tính chất chuyên ngành thì cần ban hành văn bản hướng dẫn định hướng để địa phương có cơ sở tham khảo, áp dụng khi ban hành văn bản.

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

1. Về việc xác định hình thức văn bản của địa phương: Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL đã giao thẩm quyền cho địa phương trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể. Trên cơ sở đó, địa phương có nhiệm vụ phải căn cứ vào thẩm quyền của mình được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nội dung giao việc trong các VBQPPL để xác định VBQPPL mình phải ban hành.

2. Về trách nhiệm của Bộ Tư pháp:

- Tiếp thu ý kiến của địa phương, trong quá trình xây dựng Báo cáo tình hình thực hiện việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL gửi Thủ tướng Chính phủ (để thực hiện điểm k mục 1 Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021; mục 1 Công văn số 1556/VPCP-KSTT ngày 12/3/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về kiến nghị tại Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 17/01/2022 của Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình tham mưu xây dựng văn bản QPPL không giao cho địa phương quy định TTHC trong các văn bản QPPL dưới Luật và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành VBQPPL về thẩm quyền quy định TTHC”.

- Trong quá trình tham gia góp ý kiến, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL, ngoài các nội dung phải có ý kiến theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến các ý kiến về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền giao địa phương quy định chi tiết, cũng như đánh giá tính khả thi của các nội dung dự kiến giao đó.

Đối với kiến nghị: "Đồng thời, đối với những nội dung giao địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết có tính chất chuyên ngành thì cần ban hành văn bản hướng dẫn định hướng để địa phương có cơ sở tham khảo, áp dụng khi ban hành văn bản". Bộ Tư pháp cho rằng, việc giao cho từng địa phương ban hành VBQPPL là để địa phương chủ động, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình để ban hành VBQPPL phù hợp. Mỗi địa phương sẽ có những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa....khác nhau. Do đó, nếu ban hành văn bản hướng dẫn mang tính định hướng áp dụng thống nhất từ trên xuống dưới và của tất cả các địa phương thì sẽ không bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng địa phương và cũng không cần thiết phải giao về cho địa phương ban hành VBQPPL nữa.

 

4. Về sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế                

 

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để ổn định tổ chức pháp chế.

Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng: “Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức làm công chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh”, nhằm đảm bảo phù hợp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Từ đó, có hướng dẫn về mô hình pháp chế tại các sở, ban, ngành theo Nghị định mới ban hành.

Đề nghị sớm nghiên cứu và ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, để các Bộ, ngành chủ động trong việc triển khai thực hiện Nghị định, nhất là các nội dung mới liên quan đến công tác pháp chế được quy định tại Nghị định như công tác phổ biến giáo dục pháp luật, bồi thường nhà nước, hợp nhất văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, ... phù hợp với tình hình thực tiễn áp dụng pháp luật.

Đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế cho phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương, chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Bộ Tư pháp ghi nhận đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương về việc đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện nay và Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong đó có kiến nghị về việc sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 9; quy định về mô hình pháp chế tại các Sở, ban, ngành; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế.

Về vấn đề này, ngày 30/12/2022, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 69/TTr-BTP trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Ngày 19/01/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 386/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Bộ Tư pháp tiếp tục thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về một số nội dung của Nghị định. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp, thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ và đang phối hợp với Bộ Tài chính để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành. Nội dung Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP sẽ cơ bản giải quyết được đề xuất, kiến nghị trên của các Bộ, ngành, địa phương.

 

5. Về xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp    ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế                 

 

Cử tri kiến nghị:

Kiến nghị liên quan đến chế độ, chính sách, phụ cấp đối với người làm công tác pháp chế:

Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Bộ Tư pháp cần xây dựng các chính sách ưu đãi để tuyển dụng, bổ sung biên chế, nhân lực cho đội ngũ pháp chế bởi đặc thù của ngành thông tin và truyền thông thì ngoài nghiệp vụ pháp chế còn cần có các kỹ năng chuyên ngành để đáp ứng các yêu cầu của công tác. Đồng thời, cần có chính sách phụ cấp ưu đãi nghề cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.

Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế nói chung và theo dõi thi hành pháp luật nói riêng nhằm đảm bảo thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ- CP.

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế 1, theo đó, dự thảo Nghị định bãi bỏ Điều 11 và sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để quy định về chức danh, tiêu chuẩn hạng, ngạch pháp chế viên; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về chế độ hỗ trợ cho đội ngũ người làm công tác pháp chế.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp, thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ và đang phối hợp với Bộ Tài chính để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành.

Kim Yến