Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cử tri (5 nội dung tiếp theo)

Ngày đăng 10/10/2023

Xem với cở chữ : A- A A+

1. Về mở rộng đối tượng là cán bộ pháp chế được tập huấn về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm tra, rà soát VBQPPL cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL ở địa phương. Khi Bộ tổ chức tập huấn về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản cần mở rộng đến các đối tượng là cán bộ pháp chế các Sở, ngành cấp tỉnh; công chức của Phòng Tư pháp cấp huyện

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Về nội dung kiến nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm tra, rà soát VBQPPL cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL ở địa phương, đề nghị địa phương nghiên cứu nội dung Bộ Tư pháp đã trả lời kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch nêu trên.

Khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm tại các địa phương liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong thời gian qua,  Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL) đều mời cán bộ pháp chế các Sở, ngành cấp tỉnh tham dự; trong đó có một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm có mở rộng đến đối tượng là công chức của Phòng Tư pháp cấp huyện.

Đối với đối tượng là công chức của Phòng Tư pháp cấp huyện tham gia các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản do Bộ Tư pháp tổ chức, đề nghị Sở Tư pháp các địa phương căn cứ vào nội dung, tính chất các hội nghị tập huấn của Bộ Tư pháp để chủ động tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để cử công chức của Phòng Tư pháp cấp huyện tham gia cho phù hợp.

 

 

2. Về hướng dẫn cách trình bày tên văn bản hợp nhất và ghi chú nội dung văn bản 3 sửa đổi văn bản 2.

 

 

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn đối với những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện công tác hợp nhất văn bản QPPL không được quy định trong Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL (theo Công văn số 1370/BNV-PC ngày 30/3/2023 của Bộ Nội vụ). Cụ thể là:Văn bản được sửa đổi, bổ sung (văn bản 1), văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản 1 (văn bản 2), Văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản 2 (văn bản 3).

Đề nghị hướng dẫn cách trình bày tên văn bản hợp nhất và ghi chú nội dung văn bản 3 sửa đổi văn bản 2.

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

- Trình bày tên văn bản hợp nhất:

Theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL, tên văn bản hợp nhất là tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung. Văn bản được sửa đổi, bổ sung có thể được sửa đổi, bổ sung nhiều lần bằng nhiều văn bản khác nhau, nhưng tên của văn bản được ban hành lần đầu tiên chính là tên của văn bản hợp nhất. Trường hợp trên, tên văn bản hợp nhất là tên Văn bản 1.

Trình bày tên văn bản hợp nhất như sau: Tên văn bản hợp nhất là tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung. Tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và tên văn bản sửa đổi, bổ sung được liệt kê ngay sau tên văn bản hợp nhất. Kèm theo tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung phải ghi rõ số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành, tên cơ quan ban hành và ngày có hiệu lực của từng văn bản.

Tuy nhiên, trường hợp trong văn bản sửa đổi, bổ sung có nội dung sửa đổi, bổ sung tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung (nội dung sửa đổi, bổ sung này có thể là sửa đổi toàn bộ tên gọi hoặc sửa đổi một từ, cụm từ trong tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung) thì tên văn bản hợp nhất phải thể hiện nội dung sửa đổi tên gọi của văn bản được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự áp dụng thống nhất pháp luật (ngay từ tên gọi của văn bản), đồng thời, ngay sau từ cuối cùng của văn bản hợp nhất (trong trường hợp sửa đổi toàn bộ tên của văn bản) hoặc ngay sau từ, cụm từ được sửa đổi (trong trường hợp chỉ sửa đổi từ/cụm từ), cần thể hiện ký hiệu chú thích, nội dung chú thích nêu rõ nội dung sửa đổi, bổ sung tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung được quy định ở đâu, có hiệu lực từ ngày tháng năm nào.

Mẫu trình bày tên văn bản hợp nhất như sau:

TÊN VĂN BẢN ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG (Văn bản 1)

... (Tên, số, ký hiệu của văn bản được sửa đổi, bổ sung) ngày… tháng… năm... (thông qua/ký ban hành) của... (tên cơ quan ban hành), có hiệu lực kể từ ngày… tháng… năm…, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. ... (Tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất) ngày… tháng… năm... (thông qua/ký ban hành) của... (tên cơ quan ban hành), có hiệu lực kể từ ngày… tháng… năm…;

2. ... (Tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung lần thứ hai) ngày… tháng… năm...(thông qua/ký ban hành) của... (tên cơ quan ban hành), có hiệu lực kể từ ngày… tháng… năm…;

- Hợp nhất nội dung được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và thực hiện chú thích, ghi chú:

Trường hợp nội dung được sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì cách thể hiện về ghi chú thích và việc trình bày nội dung hợp nhất chưa được Pháp lệnh quy định cụ thể. Nhưng về nguyên tắc, các nội dung sửa đổi, nội dung được sửa đổi, nội dung bổ sung được thực hiện hợp nhất như bình thường. Bên cạnh đó, để bảo đảm thống nhất và đáp ứng được tinh thần của Pháp lệnh hợp nhất, các Bộ, ngành thực hiện chút thích và ghi chú đầy đủ tại phần/chương/mục/tiểu mục/điều khoản/điểm/nội dung được sửa đổi, bổ sung các thông tin phần/chương/mục/ tiểu mục/điều/khoản/điểm/nội dung của các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Ví dụ:

 

1 Điều/khoản/điểm này được sửa đổi/bổ sung/ sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều/khoản/điểm… của… (tên số, ký hiệu văn bản sửa đổi bổ sung thứ nhất), có hiệu lực kể từ ngày… tháng… năm… và Điều/khoản/điểm… của… (tên số, ký hiệu văn bản sửa đổi bổ sung thứ 2), có hiệu lực kể từ ngày… tháng… năm… và Điều/khoản/điểm… của… (tên số, ký hiệu văn bản sửa đổi bổ sung thứ…), có hiệu lực kể từ ngày …tháng… năm…

 

3. Về hướng dẫn ghi chú nội dung ở khoản a Điều 1 và khoản c Điều 2.

 

 

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn đối với những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện công tác hợp nhất văn bản QPPL không được quy định trong Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL (theo Công văn số 1370/BNV-PC ngày 30/3/2023 của Bộ Nội vụ). Cụ thể là: Văn bản được sửa đổi, bổ sung (văn bản 1), văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản 1 (văn bản 2).

- Ví dụ: nội dung văn bản 2 có quy định: chuyển khoản a Điều 1 vào khoản c Điều 2 (tại văn bản 1) như sau:

Đề nghị hướng dẫn ghi chú nội dung ở khoản a Điều 1 và khoản c Điều 2.

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Trường hợp này thực hiện ghi chú áp dụng tương tự theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản QPPL và trình bày như sau:

+) Trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại vị trí nội dung được chuyển đổi đi và vị trí nội dung được chuyển đổi đến.

+) Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định việc chuyển đổi vị trí nội dung đó, cụ thể như sau:

Ghi chú đối với chú thích tại vị trí nội dung được chuyển đổi đi như sau:

Khoản này được chuyển sang khoản c Điều 2 của Văn bản 1 theo quy định tại Điều/khoản/điểm… của… (tên số, ký hiệu văn bản 2), có hiệu lực kể từ ngày… tháng… năm…

Ghi chú đối với chú thích tại vị trí nội dung được chuyển đổi đến như sau:

Khoản này được chuyển từ khoản a Điều 1 của Văn bản 1 theo quy định tại Điều/khoản/điểm… của… (tên số, ký hiệu văn bản 2), có hiệu lực kể từ ngày… tháng… năm…

 

4. Về tham mưu hoàn thiện các quy định về kiểm tra rà soát, hệ thống hóa VBQPPL

 

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu hoàn thiện các quy định về kiểm tra rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; tiếp tục nghiên cứu tổ chức đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn theo hướng chuyên sâu về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cho cán bộ pháp chế các Bộ, ngành.

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Luật Ban hành VBQPPL số 80/2015/QH13 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đánh dấu một bước đổi mới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng VBQPPL. Sau thời gian thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn phát sinh một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới, ngày 18/6/2020, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL số 63/2020/QH14. Sau khi Luật được thông qua, ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác này ở Bộ, ngành và địa phương.

Trường hợp Quý cơ quan còn thấy có vướng mắc về thể chế trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), đề nghị tổng hợp cụ thể nội dung vướng mắc, cần hoàn thiện gửi về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung thể chế hiện hành về kiểm tra, rà soát, hệ thống VBQPPL trong trường hợp cần thiết.

Để nâng cao hơn hiệu quả của công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản, thời gian tới, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL) tiếp tục tăng cường và đổi mới hơn nữa công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ nói trên theo hướng:

- Xây dựng nội dung tập huấn phù hợp dựa trên kết quả khảo sát về nhu cầu của từng đối tượng được tập huấn;

- Nội dung tập huấn tập trung vào tháo gỡ khó khăn về chuyên môn, bồi dưỡng những kỹ năng còn yếu của từng đối tượng được tập huấn;

- Tăng cường hơn nữa các ví dụ minh họa để bài giảng trực quan sinh động, thực tiễn, dễ tiếp cận;

- Hạn chế việc trao đổi một chiều của giảng viên, thay vào đó là tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và học viên; phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học viên. Trong quá trình tập huấn, các học viên tập trung trao đổi và thảo luận về xây dựng, ban hành văn bản, nghiệp vụ kiểm tra văn bản, những kinh nghiệm hay cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện việc kiểm tra và rà soát văn bản tại cơ quan/đơn vị mình.

 

5. Về hướng dẫn cụ thể công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật                      

 

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp hàng năm, có văn bản hướng dẫn cụ thể công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để tổ chức thi hành pháp luật được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước.

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Bộ Tư pháp ghi nhận kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là lĩnh vực hoạt động có phạm vi rộng và phức tạp, liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện của nhiều ngành, nhiều cấp. Do đó, hằng năm, trên cơ sở Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và thông tin phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp đều có Công văn hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước. Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 404/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 9/02/2023 hướng dẫn thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2023.

Kim Yến