Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương quản lý, có biện pháp đẩy đuổi các đối tượng ăn xin tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ngày đăng 28/10/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Vì có một số đối tượng thực hiện hoạt động chăn dắt người già và em nhỏ hành nghề, vừa làm ảnh hưởng đến trật tự, vừa làm ảnh hưởng cảnh quan tại các khu du lịch.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời tại văn bản số: 2309/SLĐTBXH-VP ngày 18/10/2019

Để giải quyết đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 về việc phê duyệt Đề án tập trung đối tượng lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020.

Sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 1384/LĐTBXH-BTXH ngày 19 tháng 7 năm 2017 về việc hướng dẫn tập trung đối tượng lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh An Giang, tháng 8/2019 tiếp tục có công văn nhắc nhở Phòng Lao động, Thương binh – Xã hội huyện, thị, thành tham mưu UBND cùng cấp có kế hoạch tập trung đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn không để ảnh hưởng các điểm du lịch, điểm tâm linh và khu vực nội ô trong các lễ Quốc Khánh 02/9, ngày rằm tháng 7 và 10 âm lịch…. Đến nay, các địa phương đều có văn bản, kế hoạch thực hiện. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, đạt được kết quả như sau:

Hiện nay, toàn tỉnh có 10/11 huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định thành lập Tổ công tác thu gom đối tượng lang xin ăn cấp huyện (thành phố Long Xuyên không ban hành quyết định thành lập do công tác này đã được thực hiện từ trước khi có Đề án); công tác phối hợp thực hiện đề án chặt chẽ và đồng bộ giữ các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể cùng với sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các tổ chức xã hội và gia đình đã quản lý tốt đối tượng lang thang ăn xin; công tác tuyên truyền về phòng chống và ngăn ngừa người lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, thực hiện đến khóm ấp.

Toàn tỉnh tổ chức 304 lượt thu gom, tập trung 756 đối tượng lang thang xin ăn. Sau khi phân loại có: 185 đối tượng là người lang thang xin ăn còn người thân, còn nơi cư trú ổn định Tổ công tác thu gom đối tượng lang thang xin ăn cấp huyện bàn giao cho địa phương, gia đình quản lý, giáo dục cam kết không để đối tượng tái lang thang xin ăn; bàn giao cho Công an huyện xử lý 02 trường hợp giả dạng nhà sư đi khất thực; có 567 đối tượng được đề nghị quản lý tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Châu Đốc.

Tuy nhiên, qua tổ chức thực hiện, vẫn gặp một số khó khăn như sau:

- Trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều cơ sở thờ tự được Nhà nước công nhận, hàng năm có rất nhiều hoạt động cúng bái, lễ, hội… có nhiều khách thập phương đến viếng thăm. Một số đối tượng lợi dụng những ngày lễ, hội này để xin ăn, có đối tượng lang thang, xin ăn từ ngoài tỉnh đến, cho nên việc chủ động nắm tình hình, diễn biến của đối tượng gặp nhiều khó khăn.

- Các bến phà trên địa bàn tỉnh có nhiều người tập trung mua bán (trong nhà chờ và trên phà) trong đó có nhiều đối tượng giả dạng bán vé số để xin ăn gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng.

- Đối tượng lang thang xin ăn là người tâm thần không có nơi cư trú ổn định được tập trung vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh không được ngành y tế cấp phát thuốc điều trị bệnh (lý do ngành y tế chỉ cấp phát thuốc điều trị bệnh tâm thần cho những người có địa chỉ rõ ràng);

- Theo quy định, thời gian tập trung đối tượng không quá 03 tháng, thời gian này không đủ để dạy nghề và tư vấn giới thiệu việc làm.

- Một số trường hợp người xin ăn không có nghề nghiệp ổn định, không có ruộng đất hoặc họ không muốn lao động… xem việc xin ăn là nghề dễ kiếm tiền để nuôi sống bản thân, gia đình họ và trở thành thói quen gây khó khăn trong việc vận động chuyển đổi nghề để ổn định cuộc sống cho nhóm đối tượng này.

- Người hành hương ngoài tỉnh luôn có tinh thần hướng thiện và giúp đỡ những người nghèo khó và họ sẵn sàng bố thí tiền, đồ ăn khi gặp người ăn xin trên đường phố cũng gây khó khăn trong công tác quản lý.

- Kinh phí hoạt động của các Tổ công tác thu gom đối tượng lang thang xin ăn cấp huyện do ngân sách huyện bố trí không đủ để thực hiện trong năm, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Đề án; chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách cấp huyện…

Tiếp thu ý kiến cử tri và đại biểu, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác phối hợp để giải quyết khó khăn và thực hiện hiệu quả Đề án này.

Kim Yến