Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời kết quả thực hiện chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ngày đăng 23/05/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 18/5/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có báo báo cáo số 1391/BC-SGDĐT về kết quả thực hiện chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, như sau:

Nội dung thứ nhất: Đề nghị cho biết định mức thu đối với các cơ sở giáo dục tiểu học bán trú trên địa bàn tỉnh hiện nay:

Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình UBND tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh An Giang, dự kiến thông qua vào kỳ họp giữa năm 2022  HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026; với định mức cụ thể như sau:

 

a) Đối với dịch vụ bán trú            

         Đơn vị tính: đồng/học sinh/ngày

Địa bàn

Mức thu tối đa

Tiền ăn

Tiền điện, nước sinh hoạt, nước uống

Tiền phục vụ bán trú (trả lương nhân viên hợp đồng, tiền hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trực tiếp tham gia các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh)

Tại các xã thuộc huyện, thị xã, thành phố;

25.000

3.000

18.000

Tại các thị trấn thuộc huyện;

30.000

3.000

20.000

Tại các phường thuộc thị xã, thành phố;

35.000

4.000

21.000

 

b) Đối với dịch vụ giáo dục tiểu học ngoài học phí.

Đơn vị tính: đồng/học sinh/tiết

STT

Tên dịch vụ

Mức thu tối đa

1

Dạy Tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2

5.000

2

Dạy Tin học tự chọn lớp 1, lớp 2

6.000

3

Các câu lạc bộ năng khiếu

10.000

 

Nội dung thứ 2: Kết quả, chất lượng dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh từ tháng 09 năm 2021 đến nay, thuận lợi khó khăn và đề xuất giải pháp khắc phục. Phương án của ngành giáo dục đối với việc học trực tiếp.

 

Năm học 2021-2022 diễn ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh các cấp học phải học trực tuyến trong suốt hơn một học kỳ, giáo viên phải chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp trên lớp sang dạy học trực tuyến, việc học sinh và giáo viên phải làm quen với dạy và học trực tuyến đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

 

Thuận lợi: Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Ngay từ đầu năm học, ngành GDĐT tỉnh An Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để các CSGD  triển khai kế hoạch năm học. Phần lớn cha mẹ học sinh đồng tình với chủ trương trong dạy học linh hoạt trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, chia sẻ với những khó khăn của Ngành trong dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Thời gian qua, Ngành GDĐT đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các địa phương trình UBND tỉnh xem xét quyết định việc học sinh trở lại trường học bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp trong từng thời điểm với phương châm cẩn trọng, thí điểm từng bước để rút kinh nghiệm mở rộng, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch, đồng thời tận dụng tối đa thời gian vàng để học sinh trở lại trường, thực hiện đạt mục tiêu chất lượng giáo dục của năm học.

 

Khó khăn: Học sinh vẫn còn thiếu thiết bị học trực tuyến với số lượng rất lớn, do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình học sinh còn gặp rất nhiều khó khăn, không đủ điều kiện, khả năng để trang bị thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu như: máy tính, máy tính bảng, tivi... dẫn đến một số lượng học sinh không có cơ hội được học tập khi Ngành giáo dục chuyển trạng thái hoạt động trong tình hình dịch bệnh COVID -19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa quen, còn cứng nhắc trong cách thức tổ chức quản lý và tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến.

 

Các Giải pháp khắc phục: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho tất cả cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên. Tổ chức nhiều buổi họp giao ban trực tuyến để chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên, yêu cầu các đơn vị cố gắng phát huy tối đa hiệu quả dạy học trong điều kiện khó khăn, học sinh không thể đến trường . Tổ chức thực hiện giảm tải nội dung dạy học cho tất cả các môn học theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Thống nhất khung ma trận cho công tác kiểm tra đánh giá. Đồng thời, xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu dùng chung tạo thành  ngân hàng video bài giảng phù hợp với điều kiện của các CSGD, giới thiệu các nguồn, kênh thông tin, tài liệu để hỗ trợ hoạt động dạy và học trong điều kiện phòng, chống dịch.

 

Phát động phong trào “Sóng và Máy tính cho em” được sự hưởng ứng của các ngành, các cấp, mạnh thường quân nên đã trang bị được một phần thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia học trực tuyến.

 

Phương án của ngành giáo dục đối với việc học trực tiếp

 

Sau thời gian học trực tuyến, các cấp học cơ bản hoàn thành chương trình học kỳ I nhưng một số học sinh vẫn còn hụt hẫng kiến thức. Do đó, sau khi học sinh được trở lại học trực tiếp cần phải có nhiều giải pháp phù hợp, cụ thể như sau:

 

Hiệu trưởng các trường tổ chức phân hóa học sinh, chú trọng các học sinh học không thường xuyên, học sinh bị mất căn bản khi học trực tuyến, biên chế thành lớp riêng có kế hoạch phụ đạo bổ sung kiến thức sau đó kiểm tra đánh giá bổ sung.

 

Thường xuyên theo dõi và có các biện pháp giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo dõi, hỗ trợ giúp đỡ những học sinh có nguy cơ bỏ học, học yếu để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

 

Giáo viên vừa dạy học kiến thức mới vừa ôn lại các kiến thức cũ khi học trực tuyến.

 

Tăng cường phụ đạo các học sinh yếu kém qua kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ. Tập trung kiểm soát chất lượng, các nội dung dạy học, ôn tập đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023./.

NGUYỄN NGUYỄN