Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn huyện Tri Tôn

Ngày đăng 27/05/2022

Xem với cở chữ : A- A A+

- Đề nghị các ngành chức năng của tỉnh có biệp pháp bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trong mùa dịch tránh việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá. Đặc biệt là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gas,…(Ví dụ như phân đạm giá từ 500.000đ tăng lên 850.000đ, DAP giá từ 700.000 tăng lên 1.300.000đ), trong khi giá các mặt hàng nông sản thấp, rất khó tìm đầu ra như lúa, chanh, mít, xoài… (Ví dụ: Lúa giá từ 5.200đ/ký thì bị tụt giá còn 4.000đ/ký các thương lái tự hạ giá, người sản xuất phải bán giá thấp để kịp trả vốn vay Ngân hàng …). Kiến nghị chính quyền các cấp cần có giải pháp hữu hiệu giúp ổn định giá cả để người dân an tâm sản xuất có lãi ổn định đời sống, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện việc niêm yết giá, tăng giá không đúng quy định đối với các cơ sở mua bán vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (Cử tri đã có kiến nghị trước đây nhưng tình hình giá cả vẫn chưa ổn định và tiếp tục tăng).

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục triển khai, thực hiện việc kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, trong đó lĩnh vực phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật, giống cây trồng; kết quả đã kiểm tra 161 cơ sở; qua kiểm tra, xác minh số cá nhân, tổ chức có liên quan vi phạm: 51 (24 cá nhân, 27 tổ chức), với tổng số tiền xử lý vi phạm là 627.790.000 đồng (tổ chức: 350.200.000 đồng; cá nhân: 277.590.000 đồng), giá trị hàng hóa vi phạm là: 710.356.773 đồng; 02 vụ đã chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh An Giang về kinh doanh phân bón giả giá trị sử dụng, công dụng, gồm: 02 tổ chức; 03 cá nhân. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua kiểm tra chủ yếu là kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng; phân bón, thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phân bón không có quyết định lưu hành; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật.

Phương hướng, nhiệm vụ đến cuối năm 2022: tăng cường công tác nắm bắt thông tin, chủ trì phối hợp ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, chú trọng công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng và việc thực hiện niêm yết giá của cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời thực hiện việc công bố thông tin đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; hàng cấm… theo quy định pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về vật tư nông nghiệp giúp tổ chức, cá nhân nắm rõ, ký kết với cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp uy tín, cung cấp sản phẩm chất lượng góp phần ổn định, nâng cao hiệu quả, tái thiết sản xuất vụ Hè Thu năm 2022 và các vụ sản xuất tiếp theo.

- Đề nghị đầu tư xây dựng thêm hệ thống cống thoát lũ núi trên tuyến đường 955B từ cổng chùa Sà Lôn đến Trạm Bơm (cử tri xã Lương Phi); sớm thi công công trình thoát nước lũ Núi Dài khu vực khóm An Bình từ Ðại đội 3 đến Chùa Sộp Gia. Vì hiện nay vào mùa mưa nước tràn lên mặt đường 955B gây khó khăn cho việc lưu thông và làm hư hỏng mặt đường (Cử tri thị trấn Ba Chúc).

Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Tri Tôn hệ thống thoát lũ núi tuyến đường Tỉnh lộ 955B từ Chùa sà Lôn đến chùa Sộp Gia khoảng 15km, hiện nay Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện thực hiện đầu tư 02 đoạn: (Đoạn 1: từ Ủy ban nhân dân xã Lương Phi đến ranh Ba Chúc, chiều dài 2km; Đoạn 2: từ Chùa Sộp Gia đến Trường Trung học Cơ Sở Thị Trấn Ba Chúc, chiều dài 2km) từ nguồn vốn hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và vốn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP do cấp huyện quản lý) đã hoàn thành 4km. Đoạn còn lại chưa bố trí vốn. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước dọc tuyến đường Tỉnh lộ 955B để thu gom và thoát lũ núi là hết sức cần thiết. UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải khảo sát làm việc với UBND huyện Tri Tôn và các đơn vị liên quan, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết.

- Đường tỉnh lộ 945 đã được giải phóng mặt bằng để đầu tư nâng cấp nhưng hiện nay hư hỏng đi lại khó khăn, cử tri mong muốn sớm thi công để thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của bà con nông dân (Cử tri xã Tà Đảnh).

Dự án Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (ĐT.945) đoạn từ điểm giao với cầu Mặc Cần Dưng đến cuối tuyến (giáp ranh với huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang) thuộc địa bàn huyện Tri Tôn (xã Tà Đảnh và thị trấn Cô Tô), hiện nay đang triển khai thực hiện.

- Đề nghị tỉnh bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho xã xây dựng Nông thôn mới nâng cao.

Đối với nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 hiện nay Trung ương chưa phân bổ, khi Trung ương phân bổ sẽ xây dựng phương án, cân đối để hỗ trợ cho các xã của huyện Tri Tôn thực hiện các nội dung tuyên truyền vận động, xây dựng các mô hình điểm về nông thôn mới, đặc biệt là kinh phí thực hiện phát triển sản xuất gắn với công nghệ cao. Và đối với nguồn vốn đầu tư phát triển Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 hiện nay Trung ương chưa phân bổ, khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh sẽ giao các cơ quan chuyên môn tham mưu phân bổ cho các địa phương theo quy định.

Nguồn: Văn bản số 309 /BC-UBND, ngày 19/5/2022