Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Giám đốc Sở LĐTBXH trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về kết quả thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh

Ngày đăng 02/12/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Kết quả thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang, thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp khắc phục.

Ngày 01/12/2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo số 3025/BC-SLĐTBXH về việc trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm 2021 HĐND tỉnh như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Việc triển khai thực hiện

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 19/7/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP trên địa bàn tỉnh An Giang (gọi là Quyết định số 1856/QĐ-UBND). Theo đó, UBND tỉnh đã cụ thể rõ về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ cũng như nguyên tắc hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện để các ngành, các địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện.

Từ khi Quyết định số 1856/QĐ-UBND được ban hành, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về nội dung chính sách hỗ trợ. Sở LĐ-TBXH cũng đã chủ động công khai thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc đối với chính sách nhằm kịp thời hỗ trợ người dân và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Để kịp thời hỗ trợ chính sách cho người lao động, Sở LĐ-TBXH thường xuyên có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền triển khai Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh, khẩn trương chỉ đạo thực hiện ngay việc rà soát, lập danh sách; tiến hành thẩm định, phê duyệt danh sách người lao động “đúng đối tượng và đủ điều kiện hỗ trợ”; đôn đốc các địa phương nhanh chóng tổ chức việc cấp phát kinh phí đến người lao động đủ điều kiện được hỗ trợ (ngay sau khi UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí), đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh trùng lắp với những đối tượng đã được nhận hỗ trợ... Đồng thời, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 1275/UBND-KGVX ngày 04/11/2021 đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp

- Để đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ người lao động kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định theo Quyết định số 1856/QĐ-UBND, trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, Sở LĐ-TBXH đã ban hành Kế hoạch số 1938/KH-SLĐTBXH ngày 10/8/2021 về việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định số 1308/QĐ-SLĐTBXH ngày 23/8/2021 về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; văn bản số 2590/SLĐTBXH–LĐVL ngày 18/10/2021 đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương tham gia kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện tại các địa phương, đơn vị không để phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhằm giúp địa phương xác định kết quả triển khai thực hiện chính sách, quá trình rà soát, lập danh sách và thẩm định các điều kiện hỗ trợ người lao động tại các địa phương, Sở LĐ-TBXH đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình trực tiếp từ người lao động (đã trực tiếp thu thập thông tin 1.103 người tại 48 khóm, ấp của 17 xã, phường, thị trấn).  Kết quả nhận thấy hầu hết các địa phương đã làm tốt công tác rà soát, thẩm định đối tượng, điều kiện hỗ trợ đúng theo quy định. Một số huyện cũng chủ động tiến hành thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách tại các xã, phường, thị trấn tại địa bàn quản lý.

- Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-LĐTBXH ngày 21/10/2021 về thành lập các Đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, qua đó Đoàn kiểm tra do Đồng chí Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH làm trưởng đoàn cùng các thành viên là đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam... đến kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ tại tỉnh An Giang.

Qua kiểm tra, nắm tình hình thực tế và làm việc với UBND tỉnh và các ngành liên quan, Đoàn kiểm tra đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ các sở ngành; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, An Giang có nhiều cách làm hay, tuyên truyền đưa thông tin các nội dung chính sách hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp. Tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người lao động; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ người dân kịp thời, đúng đối tượng, quy định, công khai, minh bạch. Đồng thời, Đoàn kiểm tra đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai chính sách và kịp thời thực hiện hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp theo đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu đời sống của người lao động, san sẽ một phần khó khăn cho người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

3. Kết quả thực hiện

Tính đến hết ngày 30/11/2021, trên cơ sở rà soát, thẩm định phê duyệt danh sách của các địa phương. Sở LĐ-TBXH đã tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ 209.589 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 314.383.500.000 đồng (trong đó có 14.709 người bán lẻ xổ số lưu động được hỗ trợ 22.063.500.000 đồng từ nguồn kinh phí của Công ty TNHH một thành viên Xổ số Kiến thiết An Giang). Hiện nay, các địa phương đã và đang khẩn trương tiến hành hỗ trợ chính sách cho người lao động (đã chi 181.214/209.589 người, đạt tỷ lệ 86,46%).

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Mặt được

- Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-UBND; công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đồng bộ, đầy đủ, công khai để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.

- Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai hỗ trợ cho người lao động được thực hiện từng bước, tránh tập trung đông người. UBND tỉnh đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh cùng với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, vận động nguồn lực xã hội hóa, cùng với cộng đồng tương trợ, giúp đỡ nhau thực hiện nhiều giải pháp chăm lo, hỗ trợ người dân trên địa bàn về lương thực, thực phẩm cần thiết cho đời sống để trong mọi hoàn cảnh không để bất cứ người dân nào “bị bỏ lại phía sau”.

- Cùng với tinh thần chủ động, tích cực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã nổ lực triển khai, thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-UBND mang lại kết quả cao. Đặc biệt là sự nhiệt huyết của các cán bộ Phòng Lao động-TBXH các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ tại các xã, phường, khóm, ấp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp, căng thẳng, không kể ngày nghỉ hay ngoài giờ làm việc đã cố gắng hoàn thành sớm nhất việc rà soát thông tin, lập danh sách, hỗ trợ kịp thời đến người lao động, hạn chế thấp nhất các sai sót trong quá trình thực hiện.

2. Khó khăn, hạn chế

- Sở LĐ-TBXH thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chính sách trên địa bàn. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn phát sinh, các địa phương thường xuyên tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nên công tác triển khai thực hiện chính sách đôi lúc chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.

- Theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ: “căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ... để ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác”. Do đó, mỗi tỉnh, thành phố đều có chính sách hỗ trợ riêng đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, vì vậy có sự không đồng nhất về đối tượng, mức hỗ trợ; dẫn đến người dân không hiểu rõ nên phát sinh nhiều thắc mắc khi có sự so sánh về đối tượng, điều kiện và chính sách hỗ trợ giữa các tỉnh.

- Quyết định số 1856/QĐ-UBND chỉ hỗ trợ người lao động tự do làm việc trong một số nhóm ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể; không thể hỗ trợ hết người lao động tự do trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, Sở LĐ-TBXH nhận được rất nhiều phản ảnh, dư luận và ý kiến đề xuất từ các cơ quan, đơn vị, cử tri các địa phương và người lao động đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung các công việc, đối tượng chưa được hỗ trợ vào Quyết định số 1856/QĐ-UBND để giảm bớt một phần khó khăn cho người dân và mở rộng sự bao phủ của chính sách. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này Tỉnh đã phải cố gắng cân đối nguồn kinh phí rất lớn (dự kiến trên 350 tỷ đồng) để hỗ trợ người lao động trong khi ngân sách tỉnh đang rất khó khăn, tập trung cho việc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

III. GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Theo Quyết định 1856/QĐ-UBND, thời gian triển khai hỗ trợ đến hết ngày 31/12/2021, vì vậy Sở LĐ-TBXH đề xuất một số giải pháp sau:

- Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người lao động đảm bảo đúng thời gian theo yêu cầu. Thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định.

- Đề nghị Sở Tài chính quan tâm, hỗ trợ các địa phương cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng tham gia giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ, đảm bảo việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách.

- Sở LĐ-TBXH tiếp tục nắm bắt tình hình đời sống của người dân, người lao động; tiếp thu, ghi nhận các phản ảnh, kiến nghị, đề xuất của người dân, địa phương, các cơ quan, đơn vị để tổng hợp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Kim Yến