Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh tại huyện Chợ Mới

Ngày đăng 27/02/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 21/02/2024, UBND tỉnh có Văn bản số 148/BC-UBND Giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nội dung giải trình như sau:

1. Đề nghị cơ quan chức năng khảo sát, gia cố, khắc phục các đoạn đường trên tuyến Tỉnh lộ 946 và đường bờ Đông kênh Trà Thôn bị sạt lở, xuống cấp gây mất an toàn giao thông và làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đến hiện trường khảo sát và có phương án xử lý tình trạng sạt lở tuyến Đường tỉnh 946 trong Quí I/2024. Đối với tuyến đường bờ Đông kênh Trà Thôn do UBND huyện Chợ Mới quản lý, giao UBND huyện Chợ Mới sớm tổ chức khắc phục theo kiến nghị của cử tri.

2. Cử tri đề nghị cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực đất đai cho người dân, trường hợp hồ sơ chưa hoàn thành theo thời hạn thì cần thông báo để người dân được biết vì vừa qua tồn tại tình trạng hồ sơ đến ngày hẹn trả kết quả nhưng chưa được giải quyết xong và người dân cũng không được thông báo, phải liên hệ nhiều lần gây khó khăn, tốn kém cho người dân.

Trong năm 2023, toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết hơn 232.263 hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai. Riêng địa bàn huyện Chợ Mới là một trong những địa phương có số lượng hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thuộc nhóm cao nhất nhì trong tỉnh, với tổng số hồ sơ phải thực hiện là 28.368 hồ sơ (chiếm 12,2%) tổng số hồ sơ cả tỉnh; kết quả, đã thực hiện xong 27.046 hồ sơ. Trong đó, đúng hạn 21.179 hồ sơ, trễ hạn 5.876 hồ sơ (chiếm 21,7% số hồ sơ thực hiện xong). Tiến độ thực hiện từng hồ sơ được cập nhật trên hệ thống https://dichvucong.angiang.gov.vn/dichvucong/tracuu..., riêng đối với hồ sơ có vướng mắc, đa số được thông tin trực tiếp qua điện thoại, một số trường hợp hồ sơ trễ hạn cán bộ phụ trách chưa kịp thời thông tin với người tham gia thủ tục hành chính hoặc thông tin qua người được ủy quyền. Nguyên nhân, số lượng hồ sơ giao dịch nhiều nhưng nguồn nhân lực còn thiếu[1]; cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác như: kiểm tra hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đo đạc lập bản đồ địa chính, đo đạc phục vụ ngành Tòa án, Thi hành án, cung cấp thông tin theo yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước hoặc phục vụ công tác phòng chống tham nhũng của các ngành… Ngoài ra, nhiều hồ sơ bị trễ hạn tại các ngành cùng liên thông thủ tục hành chính.

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra thường xuyên và yêu cầu chấn chỉnh hoạt động giải quyết thủ tục hành chính tại các chi nhánh. Đặc biệt, yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai cử nhiều đợt nhân sự hỗ trợ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Chợ Mới xử lý công việc chuyên môn và tuyển dụng thêm cho chi nhánh 09 hợp đồng lao động và 03 hợp đồng thời vụ đã góp phần giảm được lượng hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn. Trong thời gian tới, để tăng cường công tác cải các hành chính, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các giải pháp: (1) Tuyển dụng viên chức, đảm bảo số lượng viên chức tối thiểu tại các chi nhánh theo quy định; (2) Xây dựng kế hoạch luân chuyển lãnh đạo các chi nhánh và chuyển đổi vị trí việc làm theo quy định; bố trí đủ lực lượng cán bộ quản lý của các chi nhánh; đồng thời có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo những đơn vị có lượng hồ sơ trễ tăng cao; (3) Sửa đổi quy trình nội bộ theo tinh thần giảm các bước thực hiện nhưng vẫn giám sát tốt quá trình thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ và số hóa dữ liệu, hồ sơ để giảm công lao động và thời gian thực hiện công việc; (5) Tham mưu tháo gỡ những vướng mắc trong chuyên môn triệt để hơn và đề xuất sửa đổi Quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các đơn vị có liên quan trong hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh An Giang; (6) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, thực hiện đúng các quy định về giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có cơ chế xin lỗi và thông báo kịp thời đến người dân tình trạng hồ sơ đang thực hiện.

3. Theo quy định hiện hành, việc mua sắm tài sản tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có ngành giáo dục đều phải thực hiện đăng ký đầu năm và mua sắm tập trung. Tuy nhiên, việc đấu thầu mua sắm tập trung tài sản để sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu của từng đơn vị, đồng thời một số tài sản được mua sắm tập trung chưa hết thời gian bảo hành nhưng bị hỏng, xuống cấp, gây tốn kém, lãng phí. Vì vậy, cử tri kiến nghị cơ quan xem xét, đánh giá hiệu quả của công tác này, đồng thời, nghiên cứu và có giải pháp tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Về mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung được căn cứ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ. Việc triển khai mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu và phù hợp với thực tiễn của địa phương tại Quyết định số 59/2021/QĐ-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh Quy định mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần giảm đầu mối, chi phí trung gian trong thực hiện mua sắm tài sản, tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngân sách nhà nước.

Theo quy trình thực hiện mua sắm tập trung tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi đơn vị mua sắm tập trung trước ngày 31/01 hàng năm (đối với tài sản lĩnh vực giáo dục và đào tạo là sách giáo khoa, sách phục vụ giảng dạy, sách trang bị thư viện; trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập cho các cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được trang bị đồng loạt, đồng bộ mới từ dự toán kinh phí do UBND tỉnh giao thì Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện mua sắm tập trung). Do đó, trong trường hợp việc sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu của từng đơn vị thì cần liên hệ đơn vị đầu mối đăng ký để rà soát, tổng hợp đảm bảo đầy đủ theo tiêu chuẩn, định mức, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để không bị thiếu sót.

Đối với các tài sản được mua sắm tập trung chưa hết thời gian bảo hành nhưng bị hỏng sẽ được nhà thầu trúng thầu cung cấp tài sản có trách nhiệm bảo hành, bảo trì đối với tài sản đã cung cấp. Nội dung công việc bảo hành, thời hạn bảo hành, chi phí liên quan và trách nhiệm của các bên (đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu trúng thầu) được thể hiện trong thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản.

Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ngày 19/01/2024 (có hiệu lực từ ngày 02/02/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 59/2021/QĐ-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh; qua đó khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mua sắm tập trung đối với danh mục mua sắm tài sản được giao mua sắm tập trung và đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung tại Quyết định số 59/2021/QĐ-UBND.

4. Đề nghị UBND tỉnh sớm phân bổ kinh phí để tiến hành khảo sát và thi công nạo vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng nhằm phục vụ hoạt động tưới tiêu, sản xuất của người dân.

Trong năm 2022 và 2023, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm được giao là 32.921 triệu đồng, UBND tỉnh đã hỗ trợ có mục tiêu cho huyện Chợ Mới 24.500 triệu đồng.

Năm 2024, huyện Chợ Mới được phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là 18.566 triệu đồng; hiện nay Sở Tài chính cũng đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho huyện. Việc thi công nạo vét các tuyến kênh nội đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, UBND huyện Chợ Mới ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí hàng năm được giao để thực hiện thi công nạo vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng nhằm phục vụ hoạt động tưới tiêu, sản xuất của người dân.

+ Cử tri đánh giá cao UBND tỉnh, UBND huyện và các cơ quan chức năng đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất các sản phẩm, đảm bảo đạt chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP. Cử tri đề nghị tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn huyện tham gia, phát triển, nâng chất nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm và kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện công tác đánh giá, phân hạng và công nhận được 120 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên của 83 chủ thể kinh tế (07 HTX, 21 Doanh nghiệp, 55 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh). Trong tổng số 120 sản phẩm có: 103 sản phẩm còn thời hạn công nhận; 02 sản phẩm ngưng hoạt động; 15 sản phẩm hết hạn công nhận 36 tháng đang hoàn chỉnh hồ sơ để đánh giá, phân hạng lại theo quy định). Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên đã được lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác.. Riêng huyện Chợ Mới có 8 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên gồm 02 sản phẩm 4 sao (Bánh hạnh nhân và trà túi lọc Kim Ngân Hoa). Tỉnh An Giang đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến, các sản phẩm đạt chứng nhận các sao có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm…và hầu hết đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các thị trường trong và ngoài tỉnh, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với các sản phẩm OCOP được chú trọng và được triển khai thường xuyên.

Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

5. Cử tri đề nghị ngành chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, phát hiện, triệt phá, xử lý nghiêm tình trạng trộm cắp tài sản phát sinh trong thời gian qua nhưng chưa được triệt phá, xử lý triệt để gây bất an, lo lắng trong Nhân dân để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thời gian qua, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Chợ Mới nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng phạm tội tiếp tục lợi dụng sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong việc bảo quản tài sản, trông giữ hàng hóa để thực hiện hành vi phạm tội. Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, diễn biến hoạt động của đối tượng, thành lập các tổ công tác tuần tra tăng cường phòng, chống tội phạm hoạt động trộm cắp tài sản[2]. Riêng địa bàn huyện Chợ Mới, năm 2023 đã xảy ra 40 vụ trộm cắp tài sản (chiếm tỷ lệ 31,2% trong cơ cấu tội phạm trên địa bàn huyện); đã điều tra, làm rõ 24/40 vụ (đạt tỷ lệ 60%), liên quan đến 38 đối tượng; các trường hợp còn lại đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Thời gian tới, để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hoạt động trộm cắp tài sản, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an huyện Chợ Mới phối hợp với các phòng nghiệp vụ thực hiện tốt một số nội dung công tác sau: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trong việc quản lý tài sản, hạn chế các nguyên nhân, điều kiện mà đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. (2) Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, khép kín địa bàn, nhất là tại các tuyến, địa bàn, khu vực phức tạp về an ninh trật tự để phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng; (3) Làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ di biến động của các loại đối tượng, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản, số đối tượng nghiện ma túy, đối tượng tụ tập ăn chơi không có nghề nghiệp ổn định…; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời nhận diện đối tượng và đề ra kế hoạch đấu tranh, xử lý hiệu quả đối với tội phạm trộm cắp tài sản.

6. Chủ trương không sử dụng tiền mặt trong giao dịch, thanh toán một số dịch vụ cơ bản là đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai không sử dụng tiền mặt trong một số dịch vụ như thu tiền điện, nước, mạng internet cần phải có lộ trình và phù hợp với từng địa phương, đối tượng khác nhau, đặc biệt là người dân không sử dụng điện thoại thông minh, không có tài khoản ngân hàng, di chuyển khó khăn hoặc địa phương không có điểm thu hộ. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh, triển khai chủ trương không sử dụng tiền mặt, thu tiền điện, nước, mạng internet bằng hình thức phù hợp với thực tế.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh liên kết, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện và các công ty trung gian thanh toán, gồm: VNPT, Viettel, ví điện tử Momo, các điểm bưu điện xã, cửa hàng bách hóa, cung cấp mã QR code... Để tạo môi trường thuận lợi thanh toán các dịch vụ, thực hiện các chính sách thu hộ thanh toán viện phí, học phí, tiền điện, nước, mua sắm... dễ dàng thuận tiện. Trang bị thêm 18 máy ATM, tổng số 272 máy; tăng 99 máy POS, tổng cộng có 1340 điểm thanh toán. Hoạt động thanh toán trên địa bàn tỉnh năm 2023 tiếp tục phát triển mạnh, thông suốt và an toàn, luôn đảm bảo giao dịch thanh toán của người dân được thuận tiện, an toàn và hiệu quả, chất lượng phục vụ tốt. Do đó, người dân có thể thanh toán tiền điện, nước trực tiếp tại các điểm giao dịch của ngân hàng trên địa bàn hoặc ở những điểm thu hộ như bưu điện xã, cửa hàng và các tiệm tạp hóa có ký hợp đồng thu hộ với các công ty trung gian thanh toán hoặc ngân hàng.

7. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp giải quyết tình trạng cúp điện, ngắt điện thường xuyên trong thời gian qua trên địa bàn huyện Chợ Mới do công tác xử lý lưới điện. Cụ thể, lịch cúp điện, ngắt điện, tạm ngừng cung cấp điện không được phổ biến rộng rãi đến người dân, đồng thời, thời gian cúp điện diễn ra với tần suất thường xuyên, kéo dài lâu gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Về lịch ngừng, giảm mức cung cấp điện, Công ty Điện lực An Giang, Điện lực Chợ Mới đã thực hiện đúng các quy định theo Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện. Theo đó, ban hành lịch thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện bằng hình thức đã được hai bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, lịch thông báo được Đài Truyền thanh huyện Chợ Mới thông báo trên sóng FM tần số 101,5 MHz phát sóng trên địa bàn huyện trước ngày ngừng cung cấp điện ít nhất 05 ngày và phát sóng 03 ngày liên tiếp để người dân biết. Đồng thời, hàng năm, Sở Công Thương tổ chức thanh tra luân phiên việc thực hiện các quy định theo Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện tại các Điện lực, trong đó lần thanh tra gần nhất tại Điện lực Chợ Mới vào tháng 10/2020.

Tuy nhiên, trong năm 2023 có xảy ra tình trạng ngừng, giảm mức cung cấp điện diễn ra với tần suất thường xuyên, kéo dài lâu. Nguyên nhân là, bước vào cao điểm nắng nóng mùa khô từ tháng 3 - 4/2023, kết hợp với phụ tải khu vực xã Hòa Bình, Hòa An, Hội An vào vụ mùa cao điểm xay xát, chế biến lúa gạo (khu vực này nhận điện từ phía Đồng Tháp), nên xảy ra tình trạng quá tải lưới điện cục bộ, Công ty Điện lực An Giang đã thực hiện chuyển tải lưới điện một phần khu vực trên về nhận điện từ trạm 110kV Chợ Mới, đồng thời triển khai các chương trình điều chỉnh phụ tải, chương trình tiết kiệm điện. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng quá tải lưới điện, đơn vị Điều độ lưới điện đã buộc phải thực hiện cắt điện khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Cụ thể, Điều độ Đồng Tháp đã cắt khẩn cấp 05 lần tuyến 477 Thạnh Hưng do quá tải lưới điện 22kV, Điều độ An Giang đã cắt khẩn cấp 15 lần luân phiên các phân đoạn/ phát tuyến do quá tải lưới điện 22kV và quá tải trạm 110kV Chợ Mới. Việc cắt điện khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho lưới điện và tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, vì vậy lịch thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện không nằm trong kế hoạch. Trước tình hình trên, Công ty Điện lực An Giang đã có văn bản số 1100/PCAG-ĐĐ ngày 11/4/2023 báo cáo Sở Công Thương về việc ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do quá tải lưới điện 22kV và TBA 110kV Chợ Mới và báo cáo chi tiết tình hình cắt điện khẩn cấp do quá tải, giải pháp cấp điện ngắn hạn, giải pháp cấp điện dài hạn.

Hiện nay, Công ty Điện lực An Giang đã khắc phục tình trạng trên, đảm bảo cung cấp điện, hạn chế số lần cắt điện, cũng như thời gian cắt điện, trừ trường hợp sự cố lưới điện bất khả kháng. Phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong thời gian tới.

 

[1] hiện chi nhánh có 31 người, đã phân công tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 06 người, còn 25 người

[2] Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh đã xảy ra 780 vụ trộm cắp tài sản; đã điều tra, làm rõ 287 vụ, liên quan 350 đối tượng, các vụ còn lại đang tiếp tục điều tra, xác minh.

Nguồn: Báo cáo số 148/BC-UBND ngày 21/02/2024 của UBND tỉnh