Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh tại huyện Thoại Sơn

Ngày đăng 27/02/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 21/02/2024, UBND tỉnh có Văn bản số 148/BC-UBND Giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nội dung giải trình như sau:

1. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai các biện pháp đảm bảo đồng thời việc cung ứng nguồn cát phục vụ thực hiện các công trình, dự án giao thông trên địa bàn tỉnh và nhu cầu xây dựng của người dân vì hiện nay nguồn cát phục vụ xây dựng đang khan hiếm và giá cả tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu xây dựng của người dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 11 khu mỏ mới đang lập các thủ tục để khai thác theo cơ chế đặc thù để cung cấp các dự án cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ, với khối lượng khoảng 16,6 triệu m3; 01 khu nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao với khối lượng được phép nạo vét khoảng 3,4 triệu m3; 05 khu mỏ đang tạm dừng hoạt động và 03 khu vực nạo vét cũng đang tạm dừng để tiến hành đo đạc, khảo sát, tính toán lại trữ lượng và xem xét, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có). Như vậy, tổng khối lượng cát của tỉnh dự kiến từ nay đến 2025 chỉ khai thác được khoảng 20 triệu m3.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, giai đoạn từ nay đến 2025 tỉnh phải cung cấp cát cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với tổng khối lượng khoảng 20,8 triệu m3. Hiện đã bố trí được khoảng 16,6 triệu m3, vẫn còn thiếu là 4,2 triệu m3.

Về nhu cầu nguồn cát cho các công trình, dự án trong tỉnh, giai đoạn từ nay đến 2025, cần khoảng 7,7 triệu m3. Hiện đã được phân bổ với tổng khối lượng 1,5 triệu m3, khối lượng còn thiếu 6,2 triệu m3. Về nguồn cát phục vụ công trình dân sinh của tỉnh, nhu cầu xây dựng của người dân, hiện nay người dân mua cát nhập khẩu từ Campuchia. Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao và việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông trọng điểm... trên địa bàn tỉnh và khu vực ĐBSCL cần khối lượng cát san lấp là rất lớn. Khó khăn hiện nay là nguồn khoáng sản cát sông ngày càng khan hiếm nhưng chưa có vật liệu để thay thế hoặc chia sẻ để phục vụ san lấp cho các công trình giao thông, cao tốc trọng điểm; chưa có phương pháp xác định chính xác sản lượng từng khu mỏ, để tính toán khối lượng đã khai thác, trữ lượng còn lại của khu mỏ (hiện nay chỉ thực hiện thông qua đo vẽ hiện trạng).

Để bổ sung nguồn cát phục vụ công trình giao thông, cao tốc trọng điểm và nhu cầu xây dựng của người dân, cũng như để quản lý tốt hoạt động khai thác cát sông trong thời gian tới: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương, nghiên cứu thử nghiệm nguồn cát biển; xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế (cát nghiền từ đá, tro xỉ...) để cung ứng cho các dự án cao tốc và các công trình dân dụng. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị UBND tỉnh các giải pháp về khảo sát, đánh giá, xem xét 06 khu mỏ đã dừng hoạt động nếu đủ điều kiện về trữ lượng, đánh giá về mức độ ảnh hưởng sạt lở đường bờ nếu đảm bảo sẽ đưa vào thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác; đề xuất triển khai 01 dự án nạo vét mới có thu hồi khoáng sản. Đồng thời, rà soát khu vực chưa thăm dò nằm trong quy hoạch để đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tổng trữ lượng cát dự kiến bổ sung trong thời gian tới ước khoảng 14,2 triệu m3, để phục vụ cho các dự án trên địa bàn tỉnh và nhu cầu xây dựng của người dân.

2. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện xúc tiến, mời gọi đầu tư để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiến hành đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Trong năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 27 hồ sơ dự án đầu tư đăng ký mới. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 05 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 209 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư với hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 01 dự án với tổng vốn đầu tư 15.252 tỷ đồng. Hiện đang xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 02 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 268 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay toàn tỉnh hiện có 39 dự án còn hiệu lực (trong đó có 10 dự án thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế quản lý) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 305,9 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 176 triệu USD (chiếm 57,53% tổng vốn đầu tư đăng ký), tạo việc làm cho 16.800 lao động.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1369/QĐ-UBND ngày 15/11/2023. Đây là tài liệu rất quan trọng, đồng thời là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành triển khai lập, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành cấp thấp hơn đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh để làm cơ sở nghiên cứu đề xuất các dự án, công trình trọng điểm, ưu tiên mời gọi đầu tư.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn chỉnh Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2024 đề xuất UBND tỉnh. Theo đó, tập trung thu hút đầu tư vào 06 lĩnh vực trọng tâm: (1) Hạ tầng giao thông; (2) Cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; (3) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (4) Công nghiệp, hạ tầng Khu, Cụm Công nghiệp; (5) Thương mại, dịch vụ, du lịch; (6) Văn hóa, xã hội và môi trường. Định hướng chung trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết lao động tại địa phương.

3. Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã được phát động, từng bước triển khai sẽ mang lại những lợi ích, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng sớm thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ người nông dân trực tiếp sản xuất theo nội dung của đề án nhằm đảm bảo hiệu quả trên thực tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân và ngành nông nghiệp.

Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tỉnh An Giang đã ban hành và triển khai các chính sách như sau: Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 về Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang; Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND; Quyết định 30/2019/QĐ-UBND ngày 22/7/2019 về việc Ban hành Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND; Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2881/QĐ-UBND ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU và các kế hoạch thực hiện hàng năm; Kế hoạch 309/KH-UBND ngày 24/4/2023 về thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang năm 2023. Ghi nhận ý kiến cử tri, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.

+ Cử tri đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn An Giang phối hợp cùng các cơ quan chức năng sớm đầu tư xây dựng mới hệ thống nước sạch tuyến Kênh Trục tại ấp Vĩnh Thắng nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Đề nghị đầu tư công trình cấp nước 02 (hai) bờ Đông Tây kênh Trục thuộc 2 xã Định thành và Vĩnh khánh từ Trạm cấp nước ấp Vĩnh Thắng xã Vĩnh Khánh, phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt cho 51 hộ dân là cần thiết nhất là trong tình hình hạn hán thiếu nước như hiện nay. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn còn khó khăn chưa cân đối được để đầu tư cho công trình này. Ghi nhận ý kiến cử tri, giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các cơ quan liên quan, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Nguồn: Báo cáo số 148/BC-UBND ngày 21/02/2024 của UBND tỉnh