Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh tại huyện An Phú

Ngày đăng 27/02/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 21/02/2024, UBND tỉnh có Văn bản số 148/BC-UBND Giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nội dung giải trình như sau:

1. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng xem xét, đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường giao thông từ phần cuối ấp Thạnh Phú đến ngã ba Cây Dơi, tiếp giáp với Quốc lộ 91C đã bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng để đảm bảo hoạt động lưu thông của người dân và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đường giao thông nông thôn xã Khánh An (đường Bãi Khánh An) từ ngã ba Cây Dơi (tiếp giáp QL.91C) đến ranh Quốc Thái (tiếp giáp QL.91C) có chiều dài tuyến đường: 5,5 km, chiều rộng mặt đường: 3,5 – 4,5m, chiều rộng lề đường: 0,5 – 1m, kết cấu mặt đường láng nhựa bị bong chóc cục bộ rãi rác trên tuyến, Lề đường đất bị xói lở tại những vị trí không có dân cư. Đường giao thông nông thôn xã Khánh An là đường xã có tiêu chuẩn kỹ thuật là đường loại A, có quy mô mặt đường 3,5m, nền đường 6,5m. Như vậy so với tiêu chuẩn, mặt đường hiện trạng của tuyến đường đã đạt theo đường loại A, nền đường không đạt. Ghi nhận ý kiến cử tri, trước mắt huyện An Phú thực hiện duy tu, dặm vá mặt đường đã xuống cấp và đắp đất lề đường, taluy đường bị xói lở. Đồng thời, giao UBND huyện An Phú phối hợp Sở Giao thông vận tải các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.

+ Cử tri đề nghị cơ quan chức năng xem xét, mở lại 02 bến đò truyền thống giữa xã Khánh An và xã Prek Chrey, Campuchia để tạo điều kiện giao thương giữa địa phương hai nước và thuận lợi cho việc qua lại học tập của học sinh khu vực biên giới. 

Việc tổ chức mở lại hoạt động 02 bến đò truyền thống giữa xã Khánh An (Việt Nam) và xã Prek Chrey (Campuchia) để tạo điều kiện giao thương giữa địa phương hai nước và thuận lợi cho việc qua lại học tập của học sinh khu vực biên giới là cần thiết. Tuy nhiên, do đây là khu vực biên giới liên quan đến quốc phòng, an ninh; giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và các cơ quan liên quan báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

+ Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, một số hộ gia đình chính sách tại địa phương được cơ quan chức năng khảo sát để tiến hành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên, từ thời điểm khảo sát đến nay khoảng 02-03 năm nhưng các hộ gia đình chưa được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết việc hỗ trợ để các hộ gia đình chính sách, người có công được thụ hưởng chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 và Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 27/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã được tổng kết thực hiện từ năm 2020.

Tại Điều 99, Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới nhà ở đối với người có công và thân nhân liệt sĩ; quy định, nhà ở mà hộ gia đình hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở) với các mức độ như sau: Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở; Nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở; nguồn vốn thực hiện: ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ.

Việc tổ chức kiểm tra, khảo sát hiện trạng nhà ở của người có công và thân nhân liệt sĩ do địa phương thực hiện thường xuyên hoặc định kỳ, nhằm đánh giá mức độ hư hỏng về nhà ở để báo cáo cấp thẩm quyền hoặc có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Năm 2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 758/VPUBND-KGVX ngày 18/2/2022 về việc rà soát, báo cáo nhu cầu hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng theo đề nghị tại Công văn số 420/BXD-QLN ngày 15/02/2022 của Bộ Xây dựng; tuy nhiên, hiện nay chưa có chủ trương tiếp tục hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Do đó, khi có chủ trương từ trung ương, UBND tỉnh sẽ giao cơ quan chuyên môn tham mưu đề xuất triển khai thực hiện.

2. Cử tri đánh giá cao Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong xây dựng, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, thời lượng quảng cáo trong các chương trình truyền hình của Đài là khá dài và nhiều, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi thông tin của khán thính giả. Cử tri đề nghị giảm thời lượng quảng cáo trong các chương trình truyền hình của Đài.

Nguồn thu quảng cáo là một trong những nguồn kinh phí trọng yếu để đảm bảo hoạt động của Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang. Tuy nhiên, 4 năm qua nguồn thu bị sụt giảm liên tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Đài, nên đa dạng hóa các hình thức quảng cáo là yêu cầu bức thiết nhằm tăng nguồn thu, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như hoạt động của Đài. Ghi nhận ý kiến cử tri, Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang sẽ nghiên cứu, sắp xếp thời lượng quảng cáo thích hợp và đúng quy định pháp luật, phục vụ ngày một tốt hơn.

Nguồn: Báo cáo số 148/BC-UBND ngày 21/02/2024 của UBND tỉnh