Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh tại huyện Châu Phú

Ngày đăng 27/02/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 21/02/2024, UBND tỉnh có Văn bản số 148/BC-UBND Giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nội dung giải trình như sau:

1. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra và lắp đặt biển hiệu giao thông tại các tuyến đường có điểm giao nhau nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông và để người dân được thuận tiện trong lưu thông.

Ghi nhận ‎ý kiến của cử tri, giao Sở Giao thông vận tải rà soát các tuyến Đường tỉnh đi qua trên địa bàn, có phương án triển khai thực hiện; giao UBND huyện Châu Phú rà soát, có kế hoạch thực hiện các tuyến đường do địa phương quản lý.

2. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng rà soát, sớm có phương án, biện pháp giải quyết, tăng cường đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục tại cấp giáo dục tiểu học và trung học cơ sở phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, số lượng giáo viên giảng dạy các môn học tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Châu Phú còn thiếu so với yêu cầu. Trong thời gian qua, UBND huyện Châu Phú đã hai lần ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong năm 2024, sau khi Đề án vị trí việc làm được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện Châu Phú sẽ tiếp tục ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo và trình cấp thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

3. Theo quy định của Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Ban hành Quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh An Giang thì đối tượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp là đối tượng được chi hỗ trợ về tài liệu học tập. Tuy nhiên, trên thực tế chế độ chi hỗ trợ tài liệu học tập đối với cán bộ không chuyên trách không được thực hiện. Cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi của đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Trên cơ sở bám sát quy định, hướng dẫn tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 Quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh An Giang. Theo đó, cơ quan, đơn vị quản lý những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp được cử đi đào tạo, được sử dụng kinh phí của đơn vị để chi hỗ trợ tiền tài liệu theo quy định.

4. Cử tri tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng trao đổi, làm việc với Tập đoàn Lộc Trời trong việc ký kết hợp đồng cung cấp và bao tiêu tiêu thụ lúa cho nông dân, theo đó việc ký kết hợp đồng giữa Tập đoàn Lộc Trời với nông dân cần thông qua chính quyền địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi của người nông dân.

Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp giữa Công ty Cổ phần Tập Đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập Đoàn Lộc Trời) và các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể; đặc biệt trước mỗi vụ sản xuất thì Sở Nông nghiệp và PTNT đều chủ trì và phối hợp Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng UBND cấp huyện tổ chức các đoàn phối hợp cùng Tập Đoàn Lộc Trời gặp gỡ, thảo luận giữa các bên về việc ký kết hợp đồng giữa Tập Đoàn Lộc Trời với nông dân, hợp tác xã. Kết quả trong năm 2023 các hợp tác xã và nông dân thực hiện diện tích liên kết, tiêu thụ với Tập đoàn Lộc Trời 71.319 ha.

Để thực hiện hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất năm 2024 giữa Tập Đoàn Lộc Trời với nông dân, hợp tác xã; Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-SNNPTNT ngày 23/10/2023 về Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt vụ Đông Xuân 2023-2024 và Công văn 2564/SNNPTNT-CCTTBVTV ngày 09/11/2023 về việc triển khai chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trên địa bàn tỉnh An Giang vụ Đông Xuân 2023-2024. Theo đó, đã tổ chức 60 cuộc làm việc gồm có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố cùng UBND các xã, phường, thị trấn để thông tin, trao đổi, giải đáp các nội dung trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa, nếp giữa Công ty TNHH DVNN Lộc Trời (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) và các nông dân, hợp tác xã.

Đối với yêu cầu của cử tri về việc “ký kết hợp đồng giữa Tập đoàn Lộc Trời với nông dân cần thông qua chính quyền địa phương” thì sự tham gia của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn là đóng vai trò trung gian trong việc đàm phán hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên khi tham gia thực hiện hợp đồng. Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa được ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân hoặc hợp tác xã sẽ được thực hiện theo các quy định của Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Nếu các bên tham gia ký kết hợp đồng có nhu cầu chứng thực hợp đồng thì thực hiện theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Qua ý kiến của cử tri, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của bà con nông dân và cùng chính quyền địa phương tiếp tục tham gia hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và Tập đoàn Lộc Trời trong việc ký kết hợp đồng cung cấp và tiêu thụ lúa để đảm bảo xây dựng liên kết ổn định lâu dài, tạo niềm tin, tạo mối liên kết ngày càng bền vững giữa bà con nông dân và Tập Đoàn Lộc Trời.

5. Đề nghị cơ quan chức năng rà soát việc thực hiện các quy định về chế độ bảo hiểm y tế đối với đối tượng là người tham gia phục vụ kháng chiến đã giải ngũ nhằm đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống cho người có công với cách mạng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: 290/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2005; 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007; 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008; 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011; 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010; 170/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2008; 40/2011/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011; 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015, quy định chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc một lần, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Trường hợp người tham gia phục vụ kháng chiến đã hưởng trợ cấp theo các quy định nêu trên nhưng chưa được cấp bảo hiểm y tế, đề nghị liên hệ với UBND cấp xã nơi đăng ký cư trú (kèm quyết định đã hưởng chế độ) để được nơi đây hướng dẫn, giải quyết chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.

6. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, số lượng tham gia lực lượng này chưa đảm bảo vì đối tượng tham gia lực lượng này chỉ thu nhận công an xã bán chuyên trách đã giải quyết chế độ, chính sách. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng xem xét, thực hiện thu nhận các đối tượng khác đủ điều kiện vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để bổ sung nguồn nhân lực.

Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác” và Điều 12 Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định: “Đối với xã, thị trấn đã tổ chức Công an chính quy, những trường hợp Công an xã bán chuyên trách được Ủy ban nhân dân các cấp đồng ý tiếp tục sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định về số lượng, mức phụ cấp đối với Công an xã bán chuyên trách khi tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở từ ngân sách nhà nước”. UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 36/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 quy định số lượng, mức phụ cấp đối với Công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, đối tượng áp dụng là: “Công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang”, đảm bảo đúng quy định Trung ương.

Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực ngày 01/7/2024 và do Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này”. Như vậy, trong thời gian tới số lượng người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được đảm bảo theo quy định Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nguồn: Báo cáo số 148/BC-UBND ngày 21/02/2024 của UBND tỉnh