Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh giải trình kiến nghị cử tri về xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng cần công khai để người dân được biết

Ngày đăng 05/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên thị trường. Bên cạnh đó, khi xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng thì cần công khai rộng rãi thông tin công ty, doanh nghiệp đã sản xuất, kinh doanh để người dân được biết.

Ngày 04/6/2024, UBND tỉnh có Báo cáo số 554/BC-UBND về giải trình các ý kiến, kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV. Nội dung giải trình như sau:

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp, sự nỗ lực thanh, kiểm tra của ngành nông nghiệp, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng từng bước được đẩy lùi, trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, doanh nghiệp chân chính và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, tình trạng phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; từ đầu năm 2024 đến nay, đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; qua đó phát hiện và xử lý 21 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền phạt là 447.059.500 đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện phân bón, thuốc BVTV; đồng thời, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng sản phẩm, hàng hóa vi phạm; thu hồi hàng hóa và buộc loại bỏ các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật trên nhãn hàng hóa vi phạm; nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua kiểm tra là: kinh doanh phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phân bón không ghi thông tin bắt buộc trên nhãn hàng hóa; phân bón có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật; thuốc BVTV giả mạo nhãn hàng hóa; phân bón giả giá trị sử dụng công dụng; Hướng dẫn sử dụng không đúng nội dung trên nhãn thuốc BVTV.

Để nâng cao hiệu quả công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giúp người nông dân an tâm sản xuất, thu nhập ổn định; trong thời gian thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Luật Trồng trọt năm 2018; Nghị định 84/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính Phủ quy định về quản lý phân bón; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 và các văn bản có liên quan. Tiếp tục triển khai thực hiện việc kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp năm theo Quyết định số 2062/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2024; Quyết định số 1981/QĐ-UBND ngày 06/12/20213 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2024. Tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc sản xuất, buôn bán các loại phân bón, thuốc BVTV; chú trọng kiểm tra đột xuất từ nguồn tin của người dân, dư luận xã hội kiến nghị, phản ảnh; phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389, cơ quan công an, quản lý thị trường trong kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, buôn bán phân bón trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến để giúp người dân tiếp cận, nâng cao nhận thức hiểu biết về quy định pháp luật trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV; cảnh báo, nhận diện các phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV trái phép, không đảm bảo chất lượng; chỉ ra các dấu hiệu nhận biết phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả để người dân phòng tránh, đồng thời khuyến khích người dân báo tin đến cơ quan chức năng khi phát hiện các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác tiếp nhận và xử lý thông tin theo quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an tỉnh để xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp vi phạm; tiếp tục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở chính quyền các cấp và một số nơi công cộng để mọi người dân khi phát hiện sẽ báo tin đến ngành chức năng xử lý kịp thời theo quy định.

Tại khoản 1, Điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Nguồn: Báo cáo số 554/BC-UBND ngày 04/6/2024 của UBND tỉnh