Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh giải trình kiến nghị cử tri về xem xét áp dụng hình thức chi tiền bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện của từng đối tượng nhận bảo trợ

Ngày đăng 05/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: Hiện nay, việc chi tiền bảo trợ xã hội áp dụng hình thức không dùng tiền mặt và sử dụng thẻ ATM, không được phép nhận thay gây khó khăn cho những đối tượng nhận bảo trợ xã hội thuộc trường hợp lớn tuổi, người bệnh, khó khăn trong di chuyển,… Cử tri đề nghị xem xét áp dụng chi tiền bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện của từng đối tượng nhận bảo trợ xã hội cụ thể, được nhận tiền theo như hình thức trước đây và cấp phát tại bưu điện địa phương.

Ngày 04/6/2024, UBND tỉnh có Báo cáo số 554/BC-UBND về giải trình các ý kiến, kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV. Nội dung giải trình như sau:

Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 360/KH-UBND ngày 15/05/2023 về việc triển khai thí điểm thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên (gọi tắt Kế hoạch số 360/KH-UBND).

Theo Kế hoạch số 360/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh, hình thức thực hiện như sau: Chọn Bưu điện tỉnh làm đơn vị dịch vụ thực hiện thí điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên.

Hệ thống Bưu điện tỉnh chịu trách nhiệm liên kết đơn vị dịch vụ hoặc ngân hàng thương mại mở tài khoản nhận trợ cấp cho đối tượng thụ hưởng (không làm phát sinh chi phí mở và duy trì tài khoản nhận trợ cấp của đối tượng); đảm bảo mạng lưới chi trả tới cấp xã.

Đối với các trường hợp đặc biệt như: Người cao tuổi sức khỏe yếu, người khuyết tật không thể đi lại, không sử dụng được điện thoại, không đi đến được các điểm chi trả của Bưu cục (hoặc Bưu điện văn hóa xã), không có người ủy quyền và trường hợp đặc biệt khác…, đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả tiền mặt tới địa chỉ của đối tượng hoặc thông qua người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 01/7/2023.”

Trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương gặp những khó khăn như: đối tượng bảo trợ xã hội đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản (thẻ ATM) thấp; đối tượng được ủy quyền nhận tiền trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội thì không có tên trong danh sách chi trả do phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý cho nên không thể thực hiện chuyển tiền qua Bưu điện cấp huyện thực hiện chi trả; việc quản lý tài khoản nhận trợ cấp, cũng như quản lý mật khẩu, tiếp nhận thông tin từ tin nhắn của ngân hàng... đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất là nhóm đối tượng là trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi. Do đó, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tại Công văn số 1532/VPUBND-KGVX ngày 01/4/2024, trong đó “giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp trong thời gian tới đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương”. Ngày 15/4/2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị dịch vụ chi trả (Bưu điện tỉnh), UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá thực hiện Kế hoạch số 360/KH-UBND và sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất UBND tỉnh.

Nguồn: Báo cáo số 554/BC-UBND ngày 04/6/2024 của UBND tỉnh