Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cử tri

Ngày đăng 19/02/2024

Xem với cở chữ : A- A A+

1. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương khi các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hoặc ban hành Thông tư mà trong văn bản có giao cho địa phương quy định chi tiết thì cung cấp nội dung được giao trong văn bản đã ban hành cho Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp tổng hợp cung cấp cho Sở Tư pháp 63 tỉnh, thành phố   

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương khi các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hoặc ban hành Thông tư mà trong văn bản có giao cho địa phương quy định chi tiết thì cung cấp nội dung được giao trong văn bản đã ban hành cho Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp tổng hợp cung cấp cho Sở Tư pháp 63 tỉnh, thành phố. Có như vậy, Sở Tư pháp sẽ tập hợp, theo dõi và giúp UBND tỉnh đôn đốc Sở, ngành liên quan tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản được kịp thời.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã được giải quyết tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Cụ thể như sau:

Điều 29a của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định về cơ chế hỗ trợ và kiểm soát việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 20 và Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật năm 2015. Theo quy định tại Điều này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành Thông tư hoặc chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, Quyết định mà nội dung của các văn bản này có quy định giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ khác hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết có trách nhiệm:

Một là, thông báo bằng văn bản cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh về các nội dung mà các cơ quan này được giao quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ký ban hành;

Hai là, theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết;

Ba là, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Về phía cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết, bên cạnh việc phải bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và thời hạn ban hành văn bản quy định chi tiết, các cơ quan này còn có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành Thông tư về những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết để xử lý theo thẩm quyền hoặc để các cơ quan này tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

2. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đánh giá tính khả thi các nội dung dự kiến giao cho địa phương thực hiện    

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đánh giá tính khả thi các nội dung dự kiến giao cho địa phương thực hiện. Đối với những nội dung giao cho địa phương ban hành văn bản cần quy định rõ là ban hành nghị quyết hay quyết định.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) khi lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật các cơ quan chủ trì soạn thảo đều phải tiến hành đánh giá tác động của chính sách, trong đó có đánh giá tác động, tính khả thi của các quy định giao cho địa phương thực hiện.

Bộ Tư pháp với vai trò cơ quan thẩm định, thông qua hoạt động này nhiều lần Bộ Tư pháp cũng đã yêu cầu các cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn tính khả thi đối với các điều khoản điểm có nội dung giao cho HĐND, UBND các địa phương quy định chi tiết.

Việc xác định các nội dung giao quy định chi tiết ban hành dưới hình thức nghị quyết hay quyết định phụ thuộc vào nội dung được giao, căn cứ thẩm quyền của HĐND, UBND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật chuyên ngành. Nếu nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND thì ban hành dưới hình thức nghị quyết; nếu nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thì ban hành dưới hình thức quyết định. Mặt khác Điều 29a của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành Thông tư hoặc chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, Quyết định mà nội dung của các văn bản này có quy định giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ khác hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh về các nội dung mà các cơ quan này được giao quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ký ban hành.

 

3. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế, cán bộ làm công tác xây dựng văn bản tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh     

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế, cán bộ làm công tác xây dựng văn bản tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; biên soạn và cung cấp tài liệu kịp thời để địa phương có cơ sở hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác pháp chế, hằng năm, Bộ Tư pháp đều tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế tại hai miền Bắc, Nam và nhiều hội nghị tập huấn chuyên sâu về các nghiệp vụ công tác pháp chế như xây dựng văn bản QPPL, đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật cho các Bộ, ngành, địa phương…

Trong các hội nghị tập huấn nêu trên, đối tượng tập huấn cũng được mở rộng hơn, không chỉ chú trọng vào các tổ chức pháp chế, người làm công tác xây dựng pháp luật, mà còn có cả các đối tượng công chức, viên chức khác của các Bộ, ngành, địa phương. Các hội nghị, các lớp tập huấn nghiệp vụ pháp chế cũng không còn đơn thuần qua các bài giảng một chiều, mà có sự tương tác, trao đổi giữa giảng viên và học viên về những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trên thực tế.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế tại Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, hàng năm, Bộ Tư pháp (Trường Đại học Luật Hà Nội) đều tổ chức tuyển sinh cử nhân Luật văn bằng 2 dành cho đối tượng làm công tác pháp chế.

Trong thời gian tới, tiếp thu kiến nghị của địa phương và các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục duy trì và thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và gắn với yêu cầu, nhiệm vụ công tác pháp chế.

 

4. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ

    Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Từ đó, có hướng dẫn về tình hình pháp chế tại các Sở, ban, ngành theo quy định tại Nghị định mới ban hành.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, ngày 30/12/2022, Bộ Tư pháp có Tờ trình số 69/TTr-BTP trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

- Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định: bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế: Sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức pháp chế theo hướng chỉ quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của tổ chức pháp chế, đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên; đồng thời, bổ sung 01 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Về tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế: Dự thảo Nghị định tiếp tục kế thừa quy định về tổ chức bộ máy pháp chế, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh doanh nghiệp nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập.

- Về ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp và chế độ hỗ trợ dành cho pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp: Dự thảo đã bổ sung quy định về về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp.

- Về chế độ hỗ trợ đối với công chức làm công tác pháp chế: Dự thảo Nghị định bổ sung quy định công chức làm công tác pháp chế trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ công tác pháp chế được hưởng chế độ hỗ trợ theo ngày. Chế độ hỗ trợ này được thực hiện cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp theo nghề theo chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Ngoài ra dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức pháp chế để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Ngày 19/01/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 386/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc: “Bộ Tư pháp khẩn trương thống nhất với Bộ Nội vụ về nội dung dự thảo Nghị định, trong đó chú ý các quy định về: tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; hạng, ngạch pháp chế viên; chế độ phụ cấp đối với pháp chế viên”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trao đổi, thống nhất một số nội dung của dự thảo Nghị định. Trên cơ sở Tờ trình số 69/TTr-BTP và ý kiến trao đổi, thống nhất với hai bộ nêu trên, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định và các tài liệu kèm theo. Ngày 16/11/2023, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 76/TTr-BTP trình Chính phủ đối với dự thảo Nghị định này. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Công văn số 9613/VPCP-TCCV ngày 08/12/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

 

5. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về quy định đối với các nội dung có liên quan đến TTHC cần quy định rõ, cụ thể để địa phương triển khai thực hiện

     

Cử tri kiến nghị:

Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quy định đối với các nội dung có liên quan đến TTHC cần quy định rõ, cụ thể để địa phương triển khai thực hiện, không giao cho địa phương quy định về các TTHC trong các văn bản dưới Luật, Nghị quyết của Quốc hội, tránh trường hợp vi phạm khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Tiếp thu ý kiến của địa phương, trong quá trình xây dựng Báo cáo tình hình thực hiện việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL gửi Thủ tướng Chính phủ (để thực hiện điểm k mục 1 Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021; mục 1 Công văn số 1556/VPCP-KSTT ngày 12/3/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về kiến nghị tại Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 17/01/2022 của Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình tham mưu xây dựng văn bản QPPL không giao cho địa phương quy định thủ tục hành chính trong các văn bản QPPL dưới Luật và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính”.

6. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về khi ban hành văn bản phải có sự thống nhất giữa các Bộ chuyên ngành với nhau

     

Cử tri kiến nghị:

Hiện nay vẫn còn tình trạng một số Nghị định, Thông tư quy định về cùng nội dung nhưng mâu thuẫn, không có sự thống nhất, thậm chí không phù hợp với quy định của Luật gây khó khăn cho quá trình áp dụng trên thực tế. Đề nghị khi ban hành văn bản phải có sự thống nhất giữa các Bộ chuyên ngành với nhau (Ví dụ như quy định về thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở trong Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định sô 120/2020/NĐ-CP).

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Luật Ban hành văn bản QPPL có nhiều quy định/cơ chế để văn bản QPPL được ban hành bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật như: bổ sung quy trình xây dựng, đánh giá tác động của chính sách trước khi soạn thảo; thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức lấy ý kiến, phản biện xã hội đối với đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL; thẩm định, thẩm tra văn bản QPPL… Trong đó, Luật Ban hành văn bản QPPL và nghị định quy định chi tiết thi hành đã bổ sung nhiều quy định để bảo đảm có sự trao đổi, thống nhất ý kiến giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các cơ quan tổ chức có liên quan trước khi trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành. Chẳng hạn như: khoản 1 Điều 57 Luật Ban hành văn bản QPPL quy định “Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan…”; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định cơ quan lập đề nghị có trách nhiệm “Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan để lấy ý kiến” (khoản 3 Điều 10)… Đối với dự thảo nghị định, theo quy định tại Điều 94 Luật Ban hành văn bản QPPL thì “Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về những vấn đề lớn thuộc nội dung của dự thảo Nghị định thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo của cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan để thảo luận trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định….”.

Các quy định nêu trên góp phần bảo đảm sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Tuy nhiên, thực tiễn qua công tác theo dõi, kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp thấy rằng vẫn còn tình trạng văn bản QPPL sau khi ban hành có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng nêu trên, các cơ quan, tổ chức chủ trì lập đề nghị, soạn thảo, ban hành văn bản QPPL cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây: (i) Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình lập đề nghị, soạn thảo, ban hành văn bản QPPL; (ii) Tổ chức hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập theo đúng quy định, bảo đảm sự tham gia của các bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu của quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL; (iii) Thực hiện nghiêm việc đăng tải đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL để lấy ý kiến; tăng cường các phương pháp lấy ý kiến thực chất, hiệu quả, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường truyền thông chính sách ngay trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL; (iv) Bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận, doanh nghiệp, hiệp hội và Nhân dân tham gia có chất lượng vào quy trình lập đề nghị xây dựng và soạn thảo, ban hành văn bản QPPL; (v) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là giữa cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội…

Về phía Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định thông qua hình thức hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đồng thời, tập trung thời gian, nguồn nhân lực bảo đảm bám sát quá trình xây dựng, ban hành các văn bản được phân công, thực hiện theo dõi ngay từ giai đoạn soạn thảo đến khi văn bản được thông qua, ký ban hành, trong đó, chú trọng kiểm soát đầu vào của hoạt động thẩm định và theo dõi sát việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, thông qua dự án, dự thảo văn bản QPPL.

 

7. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản QPPL  

     

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản QPPL, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định còn có vướng mắc trong quá trình thực hiện như: việc xác định nghị quyết đặc thù quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL; việc quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL còn qua nhiều khâu, nhiều bước, mất khá nhiều thời gian...

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Triển khai Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, ngày 27/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2528/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH, dự kiến trong năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình ban hành Luật thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và năm 2020.

Trong quá trình xây dựng, trình ban hành Luật thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 06/10/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2023, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.Tại dự thảo Nghị định đã bổ sung khái niệm “Biện pháp có tính chất đặc thù” như sau: Biện pháp có tính chất đặc thù là biện pháp riêng biệt để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tiềm năng, lợi thế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, không trái Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”.

Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trong đó có quy định khái niệm “Biện pháp có tính chất đặc thù”.

 

8. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng văn bản QPPL   

   

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Bộ, ngành Trung ương tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng văn bản QPPL, đặc biệt là thời gian tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản QPPL; tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản QPPL để tránh tình trạng một số Luật đã được ban hành nhưng Nghị định và Thông tư hướng dẫn chưa ban hành kịp thời gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tuy nhiên, đúng như địa phương đã nêu, vẫn còn tình trạng Luật đã được ban hành nhưng Nghị định và Thông tư hướng dẫn chưa kịp ban hành đồng thời gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngoài việc tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, Bộ Tư pháp đã đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai những giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, trong quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết

- Trong giai đoạn lập đề nghị, cơ quan lập đề nghị cần dự báo và chỉ rõ nội dung chính sách sẽ ủy quyền, trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trong việc triển khai luật, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Trong giai đoạn soạn thảo, cần đồng thời chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để trình kèm theo khi trình dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đối với những dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết mà nội dung dự kiến giao quy định chi tiết có liên quan đến nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ thì phải chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và lấy ý kiến của các cơ quan này. Nội dung giao quy định chi tiết cần phải được nêu rõ trong Tờ trình và dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

- Trong quá trình thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra xác định rõ nội dung giao quy định chi tiết và thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết để đảm bảo đủ thời gian xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong đó lưu ý phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ (không phải là cơ quan chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết) về dự kiến nội dung giao quy định chi tiết, tránh trường hợp luật đã thông qua các Bộ mới biết nhiệm vụ xây dựng văn bản quy định chi tiết.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao xây dựng trình hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết cần tập trung các nguồn lực để tổ chức soạn thảo văn bản quy định chi tiết đúng thời hạn trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết để tìm cách tháo gỡ, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc đó. Những nội dung lớn, phức tạp cần chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ phụ trách; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ về những nội dung có liên quan trong văn bản quy định chi tiết.

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định, ý kiến đối tượng chịu sự tác động. Bên cạnh đó, quan tâm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo sự phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, đảm bảo tính khả thi của các quy định trong văn bản.

Thứ ba, trong quá trình thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản, khi báo cáo tại cuộc họp thẩm định của Bộ Tư pháp phải báo cáo rõ về việc dự kiến các nội dung ủy quyền, giao quy định chi tiết, chủ thể được giao và thời điểm có hiệu lực của nội dung quy định chi tiết.

- Bộ Tư pháp, tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tập trung nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng thẩm định. Nội dung ý kiến thẩm định cần thể hiện rõ ý kiến về phạm vi, nội dung, chủ thể được giao quy định chi tiết, thời điểm có hiệu lực của nội dung giao quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi.

Thứ tư, trong giai đoạn trình, báo cáo Chính phủ

Văn phòng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ việc trình, lấy phiếu ý kiến thành viên Chính phủ đối với các văn bản QPPL đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình chỉnh lý, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đảm bảo thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết.

 

 

9. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn địa phương đối với quy định "có tính chất đặc thù"     

     

Cử tri kiến nghị:

Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP chưa có điều, khoản hướng dẫn rõ "Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" (khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015), dẫn đến địa phương rất lúng túng trong việc xác định giữa khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 nêu trên và khoản 3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 "Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương" để xác định trình tự, thủ tục xây dựng văn bản cho phù hợp.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Thời gian qua, một số địa phương đã có Công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị hướng dẫn áp dụng Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó, Bộ đã có Công văn hướng dẫn các địa phương. Trong đó, đối với khoản 3 và 4 được hướng dẫn như sau:

1. Về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương (khoản 3 Điều 27)

Việc HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh ở địa phương là trường hợp ban hành văn bản thuộc thẩm quyền riêng của địa phương, được phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Căn cứ theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì HĐND cấp tỉnh được ban hành nghị quyết quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh ở địa phương. Các biện pháp này phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và việc ban hành nghị quyết quy định các biện pháp này là nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh cho địa phương đó.

Nghị quyết tại khoản 3 được ban hành theo thẩm quyền riêng, độc lập của HĐND cấp tỉnh nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (khoản 4 Điều 27)

Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) không định nghĩa “biện pháp có tính chất đặc thù”. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy biện pháp có tính chất đặc thù” là biện pháp để giải quyết những vấn đề riêng biệt của địa phương phát sinh từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế hoặc hạn chế, khắc phục những điểm bất lợi của địa phương đó. Để xác định đâu là biện pháp có tính chất đặc thù, cần căn cứ vào các văn bản QPPL hiện hành của cơ quan nhà nước ở Trung ương để xác định biện pháp đó đã được quy định để áp dụng chung cho cả nước hay chưa; nếu biện pháp đó chưa được quy định và xuất phát từ thực tiễn địa phương cần thiết phải ban hành để giải quyết các vấn đề riêng biệt của địa phương thì đó là biện pháp có tính chất đặc thù. Việc quy định các biện pháp có tính chất đặc thù ở địa phương phải bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; không trái với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành.

Một điểm cần chú ý là: Việc xây dựng văn bản theo Khoản 4, Điều 27 bắt buộc phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách.

Ngoài ra, thực hiện kết luận của Chính phủ tại Thông báo số 128/TB-VPCP ngày 29/7/2023 về kết luận của Thường trực Chính phủ và Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 06/10/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2023, hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2023).

 

10. Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về hướng dẫn cụ thể tiêu chí "đủ điều kiện trình/ không đủ điều kiện trình" tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP     

     

Cử tri kiến nghị:

Theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và theo hướng dẫn của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) thì đối với dự thảo văn bản QPPL sau khi được Sở Tư pháp thẩm định sẽ kết luận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện trình. Tuy nhiên, Luật chưa có giải thích cụ thể như thế nào là đủ điều kiện, trường hợp nào không đủ điều kiện. Điều này gây khó khăn cho Sở Tư pháp trong việc "Kết luận đủ điều kiện hay không đủ kiện" trong Báo cáo thẩm định. Kiến nghị Bộ Tư pháp đề xuất nội dung hướng dẫn cụ thể tiêu chí "đủ điều kiện trình/ không đủ điều kiện trình" tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Thẩm định là một khâu bắt buộc trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức, kỹ thuật soạn thảo đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung, trình tự, thủ tục do luật định nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và những yêu cầu khác về chất lượng dự án, dự thảo theo quy định của pháp luật.

Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã có các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, trong quá trình thẩm định dự thảo văn bản QPPL, Quý Sở cần căn cứ vào các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gửi thẩm định để kết luận đủ điều kiện hay không đủ kiện trình.

Về kiến nghị đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể tiêu chí “đủ điều kiện trình/ không đủ điều kiện trình” tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và nghị định số 154/2020/NĐ-CP: Bộ Tư pháp xin ghi nhận và sẽ nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

Kim Yến