Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri về chính sách phát triển nông nghiệp

Ngày đăng 22/08/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 24/7/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 5528/BNN-CBTTNS về trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri đã gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV như sau:

Cử tri kiến nghị về chính sách phát triển nông nghiệp, cần quan tâm đến công tác quy hoạch, xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản sau thu hoạch ở những vùng nguyên liệu để tạo giá trị tăng thêm, đồng thời tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau:

Những năm tháng gần đây, tình trạng sản xuất dư thừa nông sản mà không có nơi tiêu thụ hoặc tiêu thụ không hết nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống người nông dân đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương quan tâm giải quyết, bước đầu tạo được sự chuyển biến nhất định. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại là:

- Thời gian vừa qua (trước khi có Luật Quy hoạch 2017), công tác quy hoạch và hướng dẫn người dân sản xuất theo quy hoạch chưa phát huy hiệu quả, quy hoạch chỉ mang tính mở, định hướng. Ở một số địa phương, sản xuất nông nghiệp phần lớn ở quy mô hộ nhỏ lẻ, đất đai manh mún, liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên người dân dễ dàng chuyển đổi loại cây trồng, vật nuôi theo “phong trào”, kết quả là việc sản phẩm nông sản xuất ra không có nơi tiêu thụ.

- Trong công tác chế biến và bảo quản nông sản thì tổn thất sau thu hoạch còn cao, đầu ra sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp nên giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất chưa cao cũng như khả năng bảo quản để điều tiết tiêu thụ thiếu chủ động, dẫn tới giá cả sản phẩm không ổn định.

- Công tác tháo dỡ rào cản và mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do các nước đang có xu hướng bảo hộ sản xuất ngày một tăng; ở trong nước, mức sản xuất đã vượt cao hơn so với khả năng tiêu thụ.

Để khắc phục nhũng tồn tại nêu trên và giải quyết những vấn đề của cử tri tỉnh An Giang kiến nghị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai một số giải pháp cơ bản sau:

-  Triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 cua Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 (Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ), theo đó Bộ đã tiến hành rà soát các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu để điều chỉnh, bổ sung hoặc lập mới phù hợp với lợi thế, tiềm năng của các địa phương, thích ứng với biến đổi khi hậu và nhu cầu thị trường. Từ năm 2014 đến 2017, Bộ đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và lập mới 07 quy hoạch ngành, lĩnh vực và 18 quy hoạch sản phẩm phục vụ cơ cấu lại ngành. Đồng thời, Bộ đã tập trung rà soát, tổ chức lại các chuỗi sản xuất từ nuôi, trồng, chế biến đến tiêu thụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất, sản phẩm chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch mới được ban hành (Luật số: 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017), theo đó Bộ đang tiến hành rà soát các quy hoạch đã được han hành trước đây không còn phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và chuyển đổi thành các đề án phát triển các lĩnh vực, ngành hàng nông sản; phối hợp với các Bộ, Ban ngành và địa phương để xây dựng, phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được phân công theo quy định của Luật Quy hoạch.

- Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, liên kết chuỗi sản xuất – chế biến - tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khác từ trung ương đến địa phương đang tập trung triển khai, thực hiện một số cơ chế, chính sách chủ yếu có liên quan như sau:

+ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 cua Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

+ Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

+ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

+ Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia và Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông sản tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm và chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

- Ngoài ra. Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó tiếp tục và duy trì thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng, phát triển thị trường mới. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ rào cản tại các thị trường trọng điểm như MỸ, EU, ASEAN và Trung Quốc; theo dõi, phân tích, dự báo thị trường và chuyển tải hàng tháng xuống địa phương (Sở Nông nghiệp và PTNT, Đoàn ĐBQH ); tổ chức xúc tiến thương mại, định hướng sản xuất nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp./.

Nguyễn Linh