Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Ngày đăng 25/06/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Lực lượng lao động có trình độ cao có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nền công nghiệp 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh chất lượng nguồn nhân lực chung còn thấp thì thực trạng người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp rất cao (cuối năm 2017 có trên 215,3 ngàn người) nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tình hình này đã kéo dài nhiều năm chưa khắc phục hiệu quả.

Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vì sao tồn tại thực trạng này kéo dài, giải pháp của Bộ trong thời gian tới để tháo gỡ hiệu quả tình hình này.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời tại công văn số 2661/LĐTBXH-VP ngày 04/6/2018 như sau:

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động số 16, quý IV năm 2017, số lao động thất nghiệp trình độ đại học là 215,3 ngàn người. Từ năm 2015 đến nay, bản tin cập nhật thị trường lao động hàng quý đều công bố có khoảng 200 ngàn lao động có trình độ đại học thất nghiệp, trong khi đó hàng năm có từ 700 – 800 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường. Điều đó cho thấy thị trường lao động đã và vẫn có nhu cầu sử dụng số lượng lao động có trình độ đại học trở lên.

Tuy nhiên, thị trường lao động luôn có số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp do nguyên nhân sau:

- Công tác dự báo cung - cầu lao động chưa được đầu tư đúng mức nên chất lượng dự báo hạn chế chưa phục vụ tốt cho công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên;

- Cơ cấu đào tạo chưa hợp lý (đào tạo trình độ đại học nhiều hơn cao đẳng, trung cấp; ngà nghề đào tạo tập trung nhiều vào kinh doanh, kế toán, chưa có sự phân luồng đào tạo giữa các ngành, nghề) dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành nghề nhiều. Chất lượng đào tạo thấp, chưa gắn hoặc chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động;

- Chất lượng tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên còn hạn chế;

- Một bộ phận thanh niên, sinh viên chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm, thiếu kỹ năng làm việc, tìm việc.

Để giải quyết tình trạng này, cần có thời gian, sự tham gia của các ngành, các cấp. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang tập trung thực hiện những giải pháp sau:

- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng và đào tạo kỹ năng, nghề mới cho người lao động để thích ứng với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chú trọng đào tạo nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, gắn lý thuyết với thực hành. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề; tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; xã hội hóa công tác dạy nghề của doanh nghiệp;…

- Đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề làm định hướng cho người lao động; lấy nhu cầu nhân lực của nền kinh tế quốc dân làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực;

- Nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm;…

- Triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; hỗ trợ đưa một bộ phận lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường tốt với thu nhập, trình độ cao và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động này sau khi về nước./.

Kim Yến