Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về cải cách chương trình dạy và học

Ngày đăng 14/10/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị: “Nước ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng hiện nay trong giáo dục có rất nhiều bất cập ảnh hưởng đến học sinh như giá sách giáo khoa cao, có quá nhiều loại sách cho học sinh, thay đổi sách giáo khoa liên tục, chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút nhân tài, cải cách giáo dục chưa phù hợp... do đó đề nghị có sự thống nhất về cải cách chương trình dạy và học, sách giáo khoa, có sự đầu tư phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, sách giáo khoa phải đảm bảo mang tính lâu dài, tránh thay đổi thường xuyên, đồng thời đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa bình ổn giá nhằm ổn định giá sách giáo khoa, tăng cường quản lý giá sách”

Ngày 10/10/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Văn bản số 5196/BGDĐT-KHTC về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

1. Về giá sách giáo khoa (SGK)

Theo quy định của Luật Giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK thuộc danh mục hàng hóa thực hiện kê khai giá. Theo đó, nhà xuất bản và các doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính (là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá).

Trong thời gian vừa qua, Bộ GDĐT đã phối hợp Bộ Tài chính để rà soát phương án kê khai giá SGK mới. Sau nhiều lần thực hiện rà soát, phương án kê khai giá SGK mới của các nhà xuất bản gửi Bộ Tài chính đã giảm so với lần đầu theo giá bìa từng cuốn, nhưng vẫn cao hơn so với bộ sách cũ, do một số nguyên nhân khách quan như: (1) Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 nên các nhà xuất bản phải tính các chi phí biên soạn, biên tập bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu... vào giá SGK, trong khi bộ sách cũ không bao gồm các chi phí này do được ngân sách nhà nước hỗ trợ; (2) Với cơ chế một chương trình nhiều bộ sách như hiện nay, các nhà xuất bản phải hạch toán các khoản chi phí thông thường trong hoạt động của doanh nghiệp khi phát hành sách, như chi phí quảng bá giới thiệu sách ra thị trường vào giá thành sách.

Trong khi đó, bộ SGK cũ chỉ có một bộ duy nhất nên không phát sinh khoản chi phí này. Đồng thời, hiện nay có nhiều bộ sách nên sản lượng xuất bản mỗi bộ giảm đi làm chi phí giá thành đơn vị tăng lên, điều đó cũng góp phần tăng giá bán.

Bộ GDĐT đã thực hiện các giải pháp để tăng cường bình ổn giá SGK, đảm bảo an sinh xã hội như sau:

- Ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK (Thông tư 33).

- Ban hành văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí để giảm giá SGK; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cung cấp SGK cho các học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội; học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; học sinh hộ nghèo, cận nghèo để các em học sinh có đủ SGK đến trường. Ngoài ra, đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) là doanh nghiệp Nhà nước do Bộ GDĐT quản lý, Bộ GDĐT đã chỉ đạo NXBGDVN nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối để giảm chi phí phát hành; đẩy mạnh tái cơ cẩu NXBGDVN theo hướng tinh gọn bộ máy, nhân sự, tiết giảm tối đa các bộ phận trung gian, bộ phận quản lý để giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán SGK.

- Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã có Công văn số 3910/BGDDT-KTTTC ngày 17/8/2022 gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó thống nhất với dự thảo Luật Giá sửa đổi về nội dung bổ sung SGK vào danh mục do Nhà nước định giá theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, Bộ GDĐT đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ về phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua SGK đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn dùng.

2. Về giải pháp sử dụng SGK lâu dài

SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, được triển khai từ năm học 2002-2003 và ổn định đến nay và tiếp tục được sử dụng đến năm học 2024-2025 (đối với các lớp tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006). Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88), Bộ GDĐT đang chỉ đạo tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt và các địa phương tổ chức lựa chọn, sử dụng SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội (triển khai đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 và theo lộ trình triển khai các lớp tiếp theo). Như vậy, SGK được sử dụng lâu dài và chỉ thay đổi theo lộ trình Quốc hội đã quy định.

Nghị quyết 88 quy định "Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Luật Giáo dục 2019 quy định: "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hộỉ".

Như vậy, vai trò của SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã khác so với SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Các SGK khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình. Việc dạy học và kiểm tra, đánh giá thực hiện theo chương trình.

Mọi SGK được ban hành đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng vì phải được biên soạn thẩm định theo quy định tại Thông tư 33, Thông tư số 23/2020/TT- BGDĐT ngày 06/8/2020 và Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định SGK ban hành kèm theo Thông tư 33 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Nguồn: Văn bản số 5196/BGDĐT-KHTC, ngày 10/10/2022 của Bộ GDĐT