Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Ngày đăng 03/11/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 28/10/2022, UBND tỉnh có Báo cáo số 702/BC-UBND về việc tổng hợp giải trình, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

1. Cử tri Thoại Sơn, Chợ Mới: Đề nghị các ngành chức năng của tỉnh có ý kiến với các Công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm quản lý và thu gom chất thải bao bì, vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, tránh tình trạng vứt bừa bãi trên đồng ruộng, kênh rạch…ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Hiện nay, việc tổ chức hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/05/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng (Thông tư liên tịch 05).

Để triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 05, giai đoạn từ năm 2018 - 2020, UBND tỉnh An Giang đã ban hành: Kế hoạch số 383/KH-UBND ngày 28/6/2018 về việc nhân rộng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tinh An Giang năm 2018, Quyết định số 1535/QĐ-UBND ngày 29/6/2019 về việc ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2019 – 2020 và Quyết định số 599/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 về việc ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025. Trong thời gian qua, đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh triển khai công tác có liên quan về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

2. Cử tri Thoại Sơn: Đề nghị có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cây lúa cho nông dân từ 50-70% và hỗ trợ kịp thời cho nông dân khi bị thiên tai, dịch bệnh.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2021, UBND tỉnh đề xuất Trung ương xem xét nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm đối với cây lúa.

Bên cạnh đó, có kiến nghị bổ sung thêm các đối tượng khác được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và xây dựng gói bảo hiểm đối với cây lúa dựa trên thiệt hại năng suất thực tế, đảm bảo người dân được đền bù khi có thiệt hại. Tuy nhiên, đến ngày 09/5/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, thời gian hỗ trợ đến hết ngày 31/12/2025 và mức hỗ trợ phí bảo hiểm cho các đối tượng tham gia không có thay đổi so với giai đoạn trước. Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đang trong quá trình xây dựng gói sản phẩm bảo hiểm đối với cây lúa, trình Bộ Tài chính phê chuẩn để thực hiện cho giai đoạn 2022-2025.

Ngoài ra, để chủ động trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 1325/SNNPTNT-CCPTNT ngày 18/7/2022 về việc phối hợp triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa trên địa bàn tỉnh An Giang, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/5/2018 của Chính phủ và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến các tổ chức, cá nhân sản xuất lúa trên địa bàn được biết để tham gia. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu tham gia bảo hiểm đối với cây lúa của các tổ chức, cá nhân để dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ bảo hiểm từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã tổng hợp nhu cầu tham gia của trên 8.000 tổ chức, cá nhân với diện tích 15.607 ha, trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc.

Nguồn: Báo cáo số 702/BC-UBND, ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh