Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri về việc có giải pháp hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi đại địch COVID-19

Ngày đăng 21/11/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri kiến nghị có các giải pháp hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là những trẻ em có cha, mẹ qua đời vì COVID-19 và hỗ trợ đào tạo nghề đối với những trường hợp này đến năm 18 tuổi.”

Ngày 27/9/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 3780/LĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

Tính đến tháng 3/2022, nước ta có 4.461 trẻ em mồ côi do COVID-19 , tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, số trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là 193 trẻ em, mồ côi cha hoặc mẹ là 4.268 trẻ em. Hiện tại, hầu hết các em đều đang sống cùng cha hoặc mẹ hoặc thân nhân khác. Nhằm giảm bớt thiệt hại về vật chất và tinh thần cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành đoàn thể trung ương triển khai các biện pháp, giải pháp hỗ trợ như:

- Hỗ trợ từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/trẻ.

- Chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em này theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

- Thực hiện việc chăm sóc thay thế cho các em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, bởi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách và triển khai các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ chăm sóc trẻ em mồ côi do COVID-19.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; hỗ trợ để các em không bị gián đoạn việc học tập; triển khai và kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và trợ giúp pháp lý để quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ; chăm sóc thay thế cho các em, ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, bởi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

- Truyền thông, hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi trong dịch COVTD-19.

- Triển khai xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các địa phương, các đoàn thể về thực hiện chăm sóc trẻ em mồ côi, quy trình chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi, phòng, chống xâm hại trẻ em trong dịch COVID-19.

- Phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân triển khai các gói hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng, trẻ em mồ côi do COVTD-19 bảo đảm cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Về lâu dài Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu các giải pháp như:

- Nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch COVID-19 đến quyền trẻ em để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19. Rà soát các chính sách hiện có về chăm sóc trẻ em mồ côi để bổ sung ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi nói chung, trẻ em mồ côi do dịch bệnh, thiên tai nói riêng.

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn, điều phối nguồn lực hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ bảo đảm cuộc sống lâu dài cho trẻ em mồ côi nói chung đặc biệt là mồ côi do COVID-19.

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó tập trung vào rà soát tổng hợp các hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do COVID-19 nhằm bảo đảm các em có được môi trường sống an toàn, được chăm sóc phát triển toàn diện.

Nguồn: Văn bản số 3780/LĐTBXH-VP, ngày 27/9/2022 của Bộ LĐTBXH