Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Tổng hợp giải trình, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XV

Ngày đăng 17/06/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Căn cứ Văn bản số 27/ĐĐBQH-VP ngày 09 tháng 5 năm 2022 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về việc chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XV. Ủy ban nhân dân tỉnh giải trình, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XV như sau:

I. Lĩnh vực y tế:

1. Các chính sách hỗ trợ giải quyết cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVD -19 như: (1) lao động tự do, hộ sản xuất kinh doanh (đợt 3) và (2) hỗ trợ tiền ăn cho người là F0, F1 cách ly y tế tại nhà chưa được nhận chính sách hỗ trợ. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có chính sách hỗ trợ đến người dân.

- Về hỗ trợ lao động tự do, hộ sản xuất kinh doanh: thực hiện Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ttoàn tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho trên 1.594 doanh nghiệp, 358.506 người lao động (trong đó có 293.344 lao động không có giao kết hợp đồng lao động), 83 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ tiền ăn đối với 98.625 người là F0, F1... với tổng kinh phí hỗ trợ trên 800.359 triệu đồng. Các địa phương đã tiến hành hỗ trợ chính sách cho người lao động với tổng kinh phí trên 642.744 triệu đồng; một số địa phương đang tiếp tục tiến hành hỗ trợ chính sách cho người lao động. Đến nay, các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hết thời hạn nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Về hỗ trợ tiền ăn cho người là F0, F1 cách ly y tế tại nhà chưa được nhận chính sách hỗ trợ: theo điểm b khoản 5 điều 27 Chương VII Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có nêu:

Đối với trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở hoặc cách ly tại nhà: Cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, các trường hợp F0, F1 gửi hồ sơ quy định tại khoản 3, 4 Điều này tới UBND cấp xã nơi cư trú. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022. Trước ngày 05 và ngày 20 hằng tháng, UBND cấp xã tổng hợp, lập danh sách (Mẫu số 8a, 8b) đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của cơ sở y tế, cơ sở cách ly hoặc UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo quy định nêu trên, việc hỗ trợ tiền ăn cho người là F0, F1 cách ly y tế tại nhà do UBND cấp xã chịu trách nhiệm chi trả.

2. Cử tri phản ánh việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở bệnh viện thường xuyên thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, đề nghị kiểm tra lại trách nhiệm lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế hàng năm (Long Xuyên), ngoài ra cử tri phản ánh trình độ, năng lực chuyên môn đội ngũ y tế của Bệnh viện Châu Thành không đảm bảo (Châu Thành).

- Về việc thiếu thuốc: dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, giao thông,... dẫn đến việc các đơn vị trúng thầu thuốc đã chậm trễ trong việc cung ứng các loại thuốc chủ lực để điều trị bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường,… để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, còn một số người dân có thói quen uống thuốc theo toa cũ, yêu cầu hình dáng, mẫu mã viên thuốc phải giống như toa cũ. Do đó, một số bệnh nhân không chịu lãnh thuốc vì nhìn tên thuốc, hình dáng viên thuốc khác mặc dù có cùng công thức, cùng tác dụng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh ổn định, việc cung ứng thuốc được đảm bảo.

- Trình độ, năng lực chuyên môn đội ngũ y tế của Bệnh viện Châu Thành: hằng năm, các đơn vị y tế đều có kế hoạch đào tạo cho cán bộ, viên chức đặc biệt là đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng (trong đó, có Trung tâm Y tế huyện Châu Thành) nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc. Tuy nhiên, lực lượng nhân viên y tế tại đơn vị còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ ở tuyến huyện. Qua phản ánh của cử tri, thời gian tới sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nhằm nâng cao năng lực, chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh ngày  càng tốt hơn.

3. Để hạn chế giảm tải bệnh viện ở tuyến trên và chi phí, thời gian cho người khám chữa bệnh. Đề nghị cấp có thẩm quyền đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cũng như đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm cho tuyến huyện để giảm tải khám bệnh cho tuyến trên (An Phú).

- Về đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế: căn cứ trên năng lực về chuyên môn của cán bộ y tế, cơ sở vật chất để trang bị cho phù hợp để triển khai các kỹ thuật phù hợp tránh lãng phí trang thiết bị. Thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế, UBND tỉnh đề xuất với Bộ Y tế hỗ trợ 02 dự án: (1) Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 03 Trung tâm Y tế huyện trên địa bàn tỉnh An Giang; (2) Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 42 Trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Về hỗ trợ nhân sự: hằng năm, các Trung tâm Y tế tuyến huyện rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo cho cán bộ, viên chức theo quy định tại Quyết định số 58/2020/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh An Giang. Trên cơ sở đó, đơn vị cử viên chức theo thẩm quyền hoặc trình Sở Y tế cử cán bộ, viên chức tham dự các khóa học phù hợp với sự phát triển danh mục kỹ thuật tại đơn vị. Bên cạnh đó, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Nghị quyết “Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế tỉnh An Giang, giai đoạn 2023 – 2025” nhằm bổ sung nguồn lực cho ngành y tế, đặc biệt là cho tuyến y tế cơ sở.

4. Đề nghị sớm hỗ trợ vacxin để tiêm cho trẻ 05-11 tuổi ngành y tế nên kiểm tra sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm, tránh trường ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi đã tiêm xong (Phú Tân).

Tính đến ngày 30/05/2022, số liều vắc xin đã tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong toàn tỉnh đã tiêm được 515.588 liều, đạt tỷ lệ 48,6%. Vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được nhận từ Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại đảm bảo được cho trẻ tiêm mũi 1 và đã phân phối cho các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố thực hiện.

Việc triển khai tiêm ngừa luôn thực hiện đúng theo hướng dẫn và quy trình của Bộ Y tế (Tổ chức theo quy trình một chiều; thu nhận phiếu đồng ý tiêm của phụ huynh, người chăm sóc trẻ; bàn khám sàng lọc trước khi tiêm; bàn tiêm ngừa; phòng theo dõi sau tiêm 30 phút và hướng dẫn cho phụ huynh theo dõi trẻ tiếp tục khi về nhà). Ngành y tế luôn quan tâm, chú trọng về đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, công tác này vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh tại tất cả các địa phương trong tỉnh.

5. Đề nghị UBND tỉnh có trao đổi, làm việc với Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, thời gian gần đây Bệnh viện thiếu rất nhiều loại thuốc trong danh mục BHYT mà người dân đi lãnh thuốc bằng BHYT thì hẹn nhiều lần mới có thuốc hoặc cho toa ra ngoài mua thuốc (thuốc tiểu đường, gan..). Đồng thời xem xét lại bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, bây giờ lên tuyến tỉnh nên các xã lận cận của huyện Phú Tân lên Tân châu khám bệnh là đi trái tuyến. Đề nghị xem xét tạo điều kiện cho người dân các xã vùng lân cận khám chữa bệnh được trực tiếp vào bệnh viện Tân châu mà không trái tuyến (Phú Tân).

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giao thông bị hạn chế, lượng bệnh đến khám tại bệnh viện giảm, bệnh viện tập trung phần lớn cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, mặt khác còn hỗ trợ nhân lực diều trị các trường hợp F0 nhẹ tại các cơ sở các ly tập trung trên địa bàn thị xã, nên đôi lúc việc cung ứng một số thuốc cho điều trị các bệnh thông thường chưa kịp thời. Từ tháng 02/2022 đến nay, dịch bệnh tạm ổn định, bệnh viện khôi phục lại hoạt động khám chữa bệnh thường và đảm bảo việc cung ứng thuốc điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu là bệnh viện tuyến tỉnh, do đó người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện và tuyến xã tự đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu là trái tuyến đối với trường hợp ngoại trú, trường hợp được đưa vào điều trị nội trú thì được thanh toán 100% chi phí theo quyền lợi, mức hưởng. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Tân Châu có hai cở sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện, gồm: Trung tâm Y tế thị xã Tân Châu, Phòng khám đa khoa Bs. Hà Văn Tâm. Người có thẻ bảo hiểm y tế ở các xã lân cận đến khám chữa bệnh tại các cơ sở này được xem là đúng tuyến và được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định. Trường hợp quá khả năng chuyên môn sẽ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu.

6. Đề nghị hỗ trợ thẻ bảo hiểm Y tế cho các Tổ trưởng, Tổ phó Tổ Tự quản (Phú Tân).

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2012 Quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng dân phòng. Ghi nhận ý kiến của cư tri, UBND tỉnh sẽ giao Công an tỉnh phối hợp Sở Nội vụ tham mưu đề xuất.

7. Người dân hài lòng với công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của các ngành chức năng, nhất là vào thời điểm cận Tết. Tuy nhiên, người dân kiến nghị các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm để người tiêu dùng an tâm lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu có chất lượng; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý chợ trong việc kiểm tra đầu vào các mặt hàng thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

- Về kiến nghị các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm để người tiêu dùng an tâm lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu có chất lượng: Ngoài các đợt kiểm tra liên ngành theo chiến dịch Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu, các ngành còn thường xuyên triển khai các đợt kiểm tra chuyên ngành, điển hình năm 2021: (1) Lĩnh vực Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành: thành lập và tham gia 05 đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành (02 đoàn phối hợp với Thanh tra Sở Y tế thanh tra thực phẩm chức năng, 03 đoàn do Chi cục chủ trì), đã tiến hành thanh kiểm tra 91 cơ sở, đạt 79 cơ sở, tỷ lệ cơ sở đạt chuẩn là 87%; có 12 cơ sở vi phạm, tỷ lệ vi phạm 13% với tổng số tiền phạt là 86,5 triệu đồng; (2) Lĩnh vực Nông nghiệp: Thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm: lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra 44 cơ sở, lấy 47 mẫu; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản kiểm tra 29 cơ sở; Xử lý vi phạm bơm nước, tiêm thuốc an thần vào gia súc, gia cầm, kiểm tra việc chấp hành qui định của pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật 15 đợt/169 cơ sở. (3) Lĩnh vực Công thương: đã xây dựng Kế hoạch hướng dẫn, hậu kiểm cơ sở, doanh nghiệp nhằm duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm sau cấp phép, đã kiểm tra 10 cơ sở và 04 doanh nghiệp...

- Về  nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý chợ trong việc kiểm tra đầu vào các mặt hàng thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm: đã phối hợp Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương tổ chức 08 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho hàng trăm người của các cơ sở kinh doanh và cán bộ quản lý chợ về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, luôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo đúng tiêu chuấn TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm và thực hiện theo mô hình chợ An toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang.

II. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường:

1. Đề nghị ngành chức năng của tỉnh làm việc với công ty Tấn Thắng đẩy nhanh kế hoạch thi công thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sông) trên địa bàn ấp Mỹ Hiệp xã Mỹ Hòa Hưng của Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng -Thương mại Tấn Thắng theo giấy phép số 197/ GP-UBND ngày 5/4/2022 đồng thời sớm cấp giấy phép để Công ty  khai thác chỉnh trị  dòng chảy nhằm thực hiện đồng loạt tránh gây sạt lỡ, xoáy mòn (đã sạt lở một số đoạn thuộc tổ 15,16,17 ấp Mỹ Thuận). Vì hiện nay Công ty Xây lắp khai thác gần thông tuyến nước chảy rất mạnh nhưng đoạn đang thăm dò thuộc ấp Mỹ Hiệp đoạn giữa của khu vực chỉnh trị thì chưa thực hiện nước chảy không thông cả tuyến nhánh trái Sông Hậu, gây sạt lỡ (Long Xuyên).

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tấn Thắng được UBND tỉnh cấp phép thăm dò khoáng sản trên sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang theo Giấy phép số 197/UBND ngày 05/04/2022 với thời hạn 06 tháng. Đến nay, Công ty đã hoàn thành công tác thi công ngoài thực địa và đang tiến hành phân tích mẫu, lập báo cáo kết quả thăm dò theo quy định. Dự kiến Công ty sẽ hoàn thành báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản trước thời hạn 06 tháng của giấy phép thăm dò được cấp.

2. Cử tri huyện Tri Tôn đề nghị có kế hoạch xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, những lò thiêu công nghệ tiên tiến để đảm bảo môi trường khu vực.

Đối với Nhà máy xử lý rác thải: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 06/05/2022 về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cho cụm các huyện An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và thành phố Châu Đốc.

Đối với lò thiêu (lò hoả táng) công nghệ tiên tiến: Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Tri Tôn đã có 32 lò hỏa táng đang hoạt động tại các chùa Nam Tông Khmer và đang xây dựng 01 lò hoả táng công nghệ hiện đại sử dụng gas (kinh phí của Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ) tại Chùa Soài Đon Kom Thmây, ấp Ninh Thuận, xã An Tức (theo Quyết định số 3218/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh). Ngoài ra, nội dung về quy hoạch nghĩa trang, lò hỏa táng của địa phương sẽ được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh (hiện nay Quy hoạch tỉnh đang xây dựng, trong quá trình hoàn thiện). Sau khi Quy hoach tỉnh được duyệt sẽ là cơ sở để các Sở ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

3. Đề nghị làm việc với Xí nghiệp môi trường đô thị xã Tân Châu không nhận rác của Tân Châu xuống bãi rác xã Phú Thạnh tránh tình trạng quá tải sau này và sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải đúng quy định (Phú Tân).

Theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 định hướng 2030 tại Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 25/8/2011 của UBND tỉnh và Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 17/01/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Cơ sở hạ tầng Hệ thống xử lý rác thải Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang (do UBND huyện Phú Tân làm chủ đầu tư) thì rác sinh hoạt của thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân được thu gom và vận chuyển về Khu xử lý rác thải Phú Thạnh để xử lý.

Hiện nay, ô chôn lấp hợp vệ sinh số 1 của Khu xử lý rác thải Phú Thạnh đã quá tải, để mở rộng thêm ô chôn lấp hợp vệ sinh số 2 nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý lượng rác sinh hoạt đến hết năm 2024 trong khi chờ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt, UBND tỉnh đã có chủ trương tại Thông báo số 375/TB-VPUBND ngày 08/10/2021 về ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư tại cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo về công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 6021/VPUBND-KTN ngày 08/11/2021 về việc xử lý đề nghị liên quan mở rộng hố chôn lấp hợp vệ sinh Phú Thạnh, Phú Tân. Đến nay UBND huyện Phú Tân đã đăng ký Danh mục dự án mời gọi đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án xã hội hóa để thực hiện đấu thầu theo quy định.

Ghi nhận ý kiến cử tri và tiếp tục đôn đốc UBND huyện Phú Tân, Sở ngành liên quan và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang khẩn trương thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6021/VPUBND-KTN ngày 08/11/2021.

III. Lĩnh vực giao thông, vận tải:

1. Đề nghị xem xét làm tuyến đường nối liền giữa thị trấn An Châu, huyện Châu Thành với phường Bình Đức và Bình Khánh (tuyến đường kênh cây Dong đến cầu Hy Vọng khóm Bình Đức 6), để người dân đi lại được thuận lợi góp phần phát triển kinh tế trong và ngoài khu vực (Long Xuyên).

Việc xây dựng tuyến đường nối liền giữa thị trấn An Châu, huyện Châu Thành với phường Bình Đức và Bình Khánh (tuyến đường kênh cây Dong đến cầu Hy Vọng khóm Bình Đức 6) để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công hiện nay đang gặp rất khó khăn. Ghi nhận ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

2. Đề nghị có kế hoạch xây cầu bắc qua Mỹ Hòa Hưng (Châu Thành), cầu bắc từ Tân Châu qua Hồng Ngự, Đồng Tháp (Tân Châu).

Cầu Tôn Đức Thắng bắc qua Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và cầu Tân Châu - Hồng Ngự đã được UBND tỉnh An Giang nhiều lần đề xuất với các cơ quan Trung ương thực hiện. Hiện tại, các cơ quan Trung ương đang yêu cầu đơn vị tư vấn triển khai lập dự án, để làm cơ sở xem xét và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

3. Tình trạng kẹt xe tại thị trấn Cái Dầu thường xuyên xảy ra nhất là vào ngày nghỉ và các ngày lễ lớn. Đề nghị xây dựng đường tránh cho thị trấn hoặc đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến cao tốc đi qua địa phận Châu Phú (Châu Phú).

Dự án tuyến tránh thị trấn Cái Dầu đã được UBND tỉnh cho phép Sở Giao thông vận tải tổ chức lập hồ sơ mời gọi đầu tư từ năm 2013, tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư tham gia. Hiện tại, Sở Giao thông vận tải đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan Trung ương để tranh thủ nguồn vốn đầu tư công thực hiện dự án này. Đối với tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (có đi qua địa phận Châu Phú) Bộ Giao thông vận tải đang triển khai lập dự án, dự kiến thực hiện hoàn thành giai đoạn 1, với quy mô 4 làn xe trong kế hoạch Trung hạn giai đoạn 2021-2025.

4. Đề nghị (1) tỉnh nâng cấp đường tỉnh lộ 954, vì hiện nay ổ voi, ổ gà quá nhiều (Phú Tân); (2) Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường tỉnh lộ 945, 958 nối liền đến tỉnh Kiên Giang để thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và đi lại cho Nhân dân (Tri Tôn).

- Về nâng cấp đường tỉnh lộ 954: Đường tỉnh 954 hiện đang bị xuống cấp, do tuyến đường này được đưa vào khai thác từ rất lâu. Trong các năm qua, hàng năm đều bố trí nguồn vốn sự nghiệp giao thông để duy tu đảm bảo giao thông. Ghi nhận ý kiến của cử tri, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo trì tuyến đường này trong thời gian tới, để phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân được an toàn, thông suốt.

- Đối với các tuyến đường tỉnh 945 và ĐT958: Dự án Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (ĐT.945), UBND tỉnh giao BQLDA ĐTXD công trình Giao thông và Nông nghiệp thực hiện, hiện nay đang triển khai thực hiện; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hồ sơ thủ tục có điều chỉnh theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn (điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế cơ sở từ kết cấu mặt đường móng bằng cấp phối đá dăm, mặt thảm bê tông nhựa thành móng bằng bê tông xi măng, mặt thảm bê tông nhựa). Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang tổ chức điều chỉnh hồ sơ, và khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo, dự kiến khởi công công trình sẽ kéo dài đến khoảng Quý I năm 2023. Đối với ĐT958 đã tổ chức lập xong hồ sơ dự án và đang trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện sớm hoàn thành phục vụ nhân nhân.

IV. Lĩnh vực kế hoạch, đầu tư:

Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động khá hiệu quả nhưng dịch bệnh Covid bùng phát nên một số dự án tạm dừng hoạt động do thiếu vốn, không có đầu ra. Đề nghị quan tâm tiếp tục hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trước đây và những dự án sau này.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gián tiếp gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp của thanh niên, một số dự án đã phải tạm dừng kinh doanh sản xuất và chuyển đổi hình thức khác. Nhằm kịp thời hỗ trợ, tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp trở lại trạng thái bình thường, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang (thuộc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn An Giang) vẫn duy trì hoạt động và hỗ trợ các dự án khi có đề xuất hoặc nhu cầu vay vốn từ các địa phương, cụ thể như sau:

Đã triển khai các Dự án “Ươm nuôi và kinh doanh cá bảy màu Guppy công nghệ mới” của Ông Nguyễn Thứ Lễ (Thành phố Long Xuyên); Dự án “Trồng nấm bào ngư xám trong nhà” của Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Thị xã Tân Châu) và Dự án “Chạm gỗ, điêu khắc gỗ bằng máy CNC” của Ông Lê Hùng Sức (huyện Chợ Mới)). Theo đó, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp Trung tâm đã hỗ trợ vốn 10 dự án, giải ngân trên 600 triệu đồng trong năm 2021.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang đã trở lại hoạt động khá hiệu quả và giải ngân cho 07 dự án, với tổng số tiền 660 triệu đồng. Các dự án triển khai thành công không tái vay vốn của Trung tâm. Lũy kế từ cuối năm 2018 đến 2022, Trung tâm đã hỗ trợ trên 60 dự án khởi nghiệp, với nguồn giải ngân khoảng 3,4 tỷ đồng, phần lớn các dự án được hỗ trợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiếp cận các nhà tài trợ, đối tác để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - Chi nhánh Cần Thơ giới thiệu 16 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương để kết nối với các quỹ đầu tư, nhà tài trợ thuộc Mạng lưới Doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (Resilient Business Network - RBN).

V. Lĩnh vực công thương:

1. Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã cơ bản được kiểm soát, dần đưa xã hội trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Đề nghị mở cửa các cửa khẩu, đường biên giới để người dân buôn bán qua lại giao thương với nước bạn (An Phú).

Từ ngày 17/3/2022 đến nay, các cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, cửa khẩu chính Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông, cửa khẩu phụ Bắc Đai đã thực hiện các thủ tục cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu bình thường. Và thực hiện Công văn số 2118/BYT-DP ngày 26/4/2022 của Bộ Y tế, từ 00 giờ ngày 27/4/2022 đã tạm dừng khai báo y tế tại các cửa khẩu. Thực hiện Công điện 416/CĐ-TTg ngày 13/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ 00 giờ ngày 15/5/2022, các cửa khẩu đã tạm dừng yêu cầu việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Hoạt động biên mậu vẫn đảm bảo thông suốt, không bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện các quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, các lực lượng chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa và xuất nhập cảnh, qua lại của người dân qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và phụ diễn ra bình thường. Đồng thời, thực hiện nghiêm Công văn số 522/UBND-KGVX ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh về đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nhằm khôi phục chính sách nhập cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, đến nay vẫn duy trì thường xuyên 140 tổ, chốt làm nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn khu vực biên giới.

2. Tăng cường kiểm tra hàng gian hàng giả, niêm yết giá các mặt hàng hóa, cơ sở chế biến thực phẩm xử lý các cơ sở sử dụng các chất phụ gia không cho phép sử dụng (Phú Tân).

- Đối với công tác kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng: đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai thực hiện thường xuyên theo các kế hoạch hàng năm, tháng và trong các dịp cao điểm lễ, tết; bên cạnh việc chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ (như quản lý địa bàn, xây dựng cơ sở báo tin, giám sát, xác minh) để kịp thời phát hiện, kiểm tra ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; ngoài ra còn tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, kiểm soát đối với một số mặt hàng trọng điểm (như xăng dầu, phân bón, thuốc BVTV, thực phẩm…) và trong các dịp cao điểm lễ, tết. Một số kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm trong 05 tháng đầu năm 2022: đã kiểm tra, phát hiện 08 trường hợp vi phạm; xử lý 02 trường hợp bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

- Đối với công tác kiểm tra niêm yết giá và bán theo giá niêm yết: thời gian qua, tình hình thị trường hàng hóa cả nước nói chung và địa bàn nói riêng nhìn chung chịu nhiều tác động làm ảnh hưởng đến tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa và tính ổn định của thị trường. Đã chủ động nắm chắt tình hình, địa bàn, đối tượng quản lý; bám sát các chỉ đạo để triển khai thực hiện có kết quả cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu, phân bón, vật tư y tế. Một số kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm trong 05 tháng đầu năm 2022: Kiểm tra, xử lý 18 vụ vi phạm, hành vi không niêm yết giá hàng hóa; Kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu 35 vụ, vi phạm 02 vụ.

- Đối với công tác kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm, xử lý các cơ sở sử dụng các chất phụ gia không cho phép sử dụng: đã ban hành Kế hoạch để kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc trách nhiệm, quản lý của Bộ Công Thương (gồm rượu, các sản phẩm từ binh bột, sữa, dầu,…). Bên cạnh, chủ động tham gia phối hợp các Đoàn liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Một số kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm trong 05 tháng đầu năm 2022: kiểm tra 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 05 trường hợp vi phạm, gồm: 02 trường hợp mua bán thực phẩm giả, 01 trường hợp vi phạm không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong thời gian tới, tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Tổng Cục Quản lý thị trường để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu chống phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra hàng gian, hàng giả, niêm yết giá và bán đúng giá niếm yết các mặt hàng hóa (nhất là nhóm hàng hóa thiết yếu, kinh doanh có điều kiện); kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

VI. Lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội:

1. Huyện An Phú là huyện biên giới, anh hùng, người có công, liệt sĩ trên địa bàn nhiều nhưng huyện chưa có nghĩa trang liệt sĩ. Đề nghị có quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang liệt sĩ cho huyện An Phú (An Phú).

Tỉnh An Giang có 08 nghĩa trang liệt sĩ, phân bố tại 06 huyện (Châu Thành, Chợ Mới, Châu Phú, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên) và thị xã Tân Châu. Hiện đang an táng và chăm sóc hơn 14.000 hài cốt liệt sĩ. Trong những năm qua, các công trình ghi công liệt sĩ nói chung và nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ nói riêng, đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nâng cấp đảm bảo mỹ quan đồng thời thể hiện sự tôn vinh các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hàng năm ngân sách Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng vào công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ, nhiều nghĩa trang được tu sửa khang trang, sạch đẹp đáp ứng nguyện vọng thăm viếng và chăm sóc mộ liệt sĩ của thân nhân liệt sĩ và nhân dân.

Việc đề nghị xây dựng nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, cấp xã tại các địa phương chưa có nghĩa trang liệt sĩ, nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ địa phương đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ của nhân dân và người có công tại địa phương là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, việc xây dựng mới nghĩa trang liệt sĩ cần phải chú ý đến quy hoạch của địa phương, phù hợp phong tục tập quán, được sự đồng thuận, đề nghị của chính quyền và nhân dân địa phương. Đối với địa phương không có nghĩa trang liệt sĩ có thể xem xét xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ hoặc nhà bia ghi tên liệt sĩ, đồng thời vẫn phải đảm bảo phù hợp quy hoạch và các quy định khác theo pháp luật hiện hành.

2. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động nhất là lao động tự do nhưng hiện nay chỉ có một số đối tượng được hỗ trợ, vẫn còn nhiều đối tượng lao động tự do khác không được hưởng chính sách (như thợ mộc, hàn tiện,…) mặc dù đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, đề nghị địa phương quan tâm mở rộng hỗ trợ đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Long Xuyên, An Phú).

Thực hiện Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP trên địa bàn tỉnh An Giang.

Toàn tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho trên 1.594 doanh nghiệp, 358.506 người lao động (trong đó có 293.344 lao động không có giao kết hợp đồng lao động), 83 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ tiền ăn đối với 98.625 người là F0, F1... với tổng kinh phí hỗ trợ trên 800.359 triệu đồng. Các địa phương đã tiến hành hỗ trợ chính sách cho người lao động với tổng kinh phí trên 642.744 triệu đồng; một số địa phương đang tiếp tục tiến hành hỗ trợ chính sách cho người lao động.

Đến nay, các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hết thời hạn nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.

3. Đối với chính sách cho người cao tuổi, đề nghị địa phương bố trí ngân sách hỗ trợ Bảo biểm y tế hàng năm cho người có độ tuổi từ 70-80 tuổi (An Phú).

Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi theo các quy định hướng dẫn sau: Luật Người cao tuổi tuổi ngày 23/11/2009 (tại Điều 2, Chương 1 quy định: Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên); Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP).

 Người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (Khoản 5, Điều 5, Chương 2 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP):

“5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng”.

Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (Điều 9, Chương 2 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP):

“1. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

2. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế có quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất”.

Như vậy, người cao tuổi thuộc các trường hợp quy định trên đã được nhà nước hỗ trợ cấp bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, người cao tuổi sống trên địa bàn huyện An Phú thuộc hộ nghèo, cận nghèo (không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Khoản 5, Điều 5, Chương 2 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP) đã được nhà nước hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Việc mở rộng hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nhóm người cao tuổi từ 70 - 80 tuổi không thuộc nhóm đối tượng trên, xin ghi nhận ý kiến của Cử tri, thời gian tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nhóm người cao tuổi trên.

VII. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn:

1. Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn thành phố rất khó khăn do chịu ảnh hưởng của việc thất mùa, mất trắng do sâu bệnh, do chất lượng cây giống, ngoài ra vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản thấp, nông dân không còn lợi nhuận … Đề nghị có chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân đang gặp khó khăn (Châu Đốc).

UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân thông qua các Kế hoạch, Chương trình hỗ trợ trong sản xuất, điển hình như: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3302/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025; Và Quyết định số 3301/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, định hướng chuyển đổi diện tích trồng cây ăn trái theo yêu cầu của thị trường, Doanh nghiệp, như giảm diện tích sản xuất Xoài tượng xanh (xoài ba màu), chuyển đổi giống sang các loại cây ăn trái khác như Xoài keo, Xoài Thái, Cát hòa Lộc, Cát chu, Nhãn, Na Thái, Chanh dây… Qua đó, giúp bà con nông dân ít bị phụ thuộc vào một loại cây hay một thị trường (như thị trường Trung Quốc) và đa dạng mở rộng thêm thị trường trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện các Chương trình hợp tác phát triển mã số vùng trồng và các biện pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, tiết kiệm, có gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, điển hình như: trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện ký kết ghi nhớ hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật trong chương trình hợp tác phát triển mã số vùng trồng và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, tiết kiệm, gắn kết tiêu thụ với 14 Doanh nghiệp cây ăn trái. Kết quả sơ bộ tính đến nay, về sản phẩm xoài đến nay đã chứng nhận khoản 1.100 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, GloballGAP,… Hỗ trợ nông dân liên kết tiêu nông sản: trong vụ Hè thu 2022 tổng diện tích sản xuất lúa có liên kết sản xuất và tiêu thụ là 194.462 ha chiếm 84,78% diện tích kế hoạch xuống giống vụ Hè Thu trong đó diện tích có hợp đồng liên kết 110.187 ha chiếm 48,03 % kế hoạch xuống giống với 15 công ty, doanh nghiệp.

2. Đầu ra lúa nếp, cây ăn trái bấp bênh giá cả rất thấp. Đề nghị có quy hoạch vùng cho từng huyện, xã trồng loại cây phù hợp từng địa phương (Phú Tân).

UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch Phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025” theo Quyết định số 3301/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 và “Kế hoạch Phát triển vùng sản xuất chuyên canh và Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025” theo Quyết định số 3301/QĐ-UBND ngày 31/12/2021. Qua đó định hướng phát triển, tổ chức sản xuất với nội dung sau: Phát triển các vùng sản xuất chuyên canh Rau, màu, cây ăn trái tập trung với các sản phẩm chủ lực có quy mô lớn để gia tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn và yêu cầu thị trường; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, lấy hợp tác xã, tổ hợp tác làm nòng cốt để tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; Tăng cường công tác giám sát cung, dự báo cầu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước, chuyển đổi thành công xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng như EU, Nhật, Mỹ, Australia, Hàn Quốc.

VIII. Lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch:

1. Việc thu phí Khu du lịch Núi Sam, nơi tham quan điện năng lượng mặt trời; sửa đổi, biến dạng làm thay đổi hiện trạng các di tích trong thời gian qua được phản ánh trên báo chí đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín nền du lịch An Giang, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giám sát (Châu Thành).

- Về thu phí Khu du lịch quốc gia Núi Sam: UBND thành phố Châu Đốc có báo cáo số: 223/BC-UBND ngày 09/05/2022 báo cáo tình hình tổ chức thu phí tham quan tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam, cụ thể như sau: ngày 13/7/2018, Khu du lịch Núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch Quốc gia tại Quyết định số: 2646/QĐ-BVHTTDL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 2179/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 thành lập Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang. Theo đó, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam được giao nhiệm vụ thu phí tham quan danh lam thắng cảnh theo quy định pháp luật và các khoản phí, lệ phí khác do cấp có thẩm quyền giao.

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia tổ chức quản lý tiền phí theo chế độ tài chính kế toán hiện hành, cụ thể: Tổ chức niêm yết, thông báo công khai tại địa điểm thu phí về tên phí, mức thu, phương thức thu và cơ quan quy định thu. Khi thu tiền phí đều cung cấp chứng từ thu phí cho đối tượng nộp bằng biên lai thu phí được đặt in theo mẫu số 02BLP3-001, 02BLP3-002, 02BLP3-003 theo hướng dẫn của Chi cục thuế khu vực Châu Đốc - Châu Phú về chế độ phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế là biên lai thu phí có mệnh giá 20.000 đồng và 10.000 đồng. Hàng tháng, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam đều gửi báo cáo về tình hình sử dụng ấn chỉ về cơ quan Thuế theo quy định, quyết toán ấn chỉ theo quy định.

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam đã mở tài khoản “Tạm giữ tiền phí và lệ phí” tại Kho bạc nhà nước Châu Đốc. Toàn bộ số tiền thu phí được báo cáo số liệu hàng ngày cho cơ quan chức năng và nộp vào vào ngân sách nhà nước qua tài khoản “Tạm giữ tiền phí và lệ phí”. Riêng các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ thì Ban Quản lý sẽ nộp vào ngày làm việc tiếp theo. Hàng tháng Ban Quản lý báo cáo quyết toán phí, lệ phí theo quy định với Chi cục thuế Khu vực Châu Đốc - Châu Phú.

- Về thu phí tại điểm tham quan điện mặt trời An Hảo: ngày 25/3/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo lập đoàn khảo sát đánh giá tình hình dư luận tại “Điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp”. Ngày 29/3/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành gồm Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Tri Tôn, Tịnh Biên để khảo sát, đánh giá các nội dung theo phản ánh của dư luận xã hội tại “Điểm tham quan Điện Mặt trời An Hảo” và “Điểm du lịch Đồi Tức Dụp”. Ngày 02/04/2022, UBND tỉnh có Công văn số: 314/UBND-KGVX về việc báo cáo kết quả khảo sát và hướng xử lý tại “Điểm tham quan Điện Mặt trời An Hảo” và “Điểm du lịch Đồi Tức Dụp” An Giang; Ngày 18/4/2022 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh.

Hiện nay, điểm tham quan điện mặt trời An Hảo đã điều chỉnh tên gọi đăng ký kinh doanh là Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch An Giang - điểm tham quan mặt trời An Hảo và ngừng thu vé tham quan, chỉ thu vé dịch vụ xe đưa đón khách tham quan điểm mặt trời An Hảo khi khách có yêu cầu.

2. Đề nghị sơ kết hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn có nên tiếp tục tồn tại, bởi vì phổ cập giáo dục thì đã có các trường tổ chức thực hiện, dạy nghề có UBND xã vận động mở lớp,… để giảm được ngân sách Nhà nước (Phú Tân).

Theo Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội ban hành tại Mục 2, Điều 43 và Điều 44, khoản 2 nêu rõ Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm các trung tâm học tập cộng đồng;  tại Điều 43 khoản a, khoản b quy định chức năng của trung tâm học tập cộng đồng gồm thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục đồng thời làm đầu mối để thực hiện các chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ… chủ yếu là dành cho người lớn. Như vậy trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở của hệ thống giáo dục không chính quy cùng với các thiết chế văn hóa giáo dục khác có vai trò đặc biệt trong việc triển khai giáo dục vì sự phát triển bền vững tại cộng đồng dân cư cấp xã, là nơi cung cấp các hình thức học tập, cơ hội phát triển khác nhau thông qua giáo dục xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo, giải pháp để tăng thu nhập cho người dân, giáo dục bảo vệ sức khỏe công đồng, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật…cho cộng đồng dân cư, đặc biệt các nhóm đối tượng thiệt thòi (phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn).

 Trong giai đoạn hiện nay hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng còn nhiều thách thức để đáp ứng nhu cầu tại các địa phương. Tuy nhiên để cộng đồng được phát triển bền vững cần sự quan tâm nhiều hơn nửa về công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp góp phần cho sự phát triển chung của địa phương thông qua hoàn thiện các cơ chế quản lý phù hợp cho các trung tâm. Trong năm 2020 đã tổ chức sơ kết hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng thông qua tổng kết Đề án Xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.

IX. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng:

Đề nghị hỗ trợ người dân tiếp cận được các nguồn vay vốn để phục vụ sản xuất (Châu Phú).

UBND tỉnh đã giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh An Giang triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách, quy định về hoạt động ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vay vốn để phục vụ sản xuất một cách dễ dàng, thuận lợi và thủ tục đơn giản.

Một số kết quả đạt được trong triển khai thực hiện hỗ trợ khách hàng vay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cụ thể: Tổng số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi cho vay, cho vay mới tính đến cuối tháng 3/2022 là 180.176 lượt khách hàng. Cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg: đến ngày 31/3/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tiếp nhận 29 hồ sơ (29 DN) đề nghị vay vốn, đã giải ngân 29 hồ sơ. Ngoài ra Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn giảm 10% lãi suất cho tất cả khách hàng vay hiện hữu trong thời gian 03 tháng từ 01/10/2021 đến 31/12/2021, số tiền giảm lãi trên 6,7 tỷ đồng.

Trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ khách hàng thông qua các giải pháp sau: (1) Tiếp tục theo dỗi, bám sát quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội sở Chính về thực hiện quy định tại tiết c, điểm 3, mục II Nghị quyết số 11/NQ-CP. (2) Triển khai các chính sách vay ưu đãi giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. (3) Tiếp tục triển khai manh mẽ việc hỗ trợ khách hàng vay bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các chính sách tín dụng hiện hành theo Nghị định số 55/2015/NĐ - CP, Nghị định 116/2018/NĐ - CP…

X. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo:

Đề nghị địa phương có kế hoạch khảo sát những bất cập về chế độ chính và Nghị định số  sách tiền lương của giáo viên mầm non, vì hiện nay chế độ chính /sách bất hợp lý giữa giáo viên mầm non bậc đại học so với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở… Trong khi thời gian dạy học nhiều hơn để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, bảo đảm đời sống giáo viên mầm non (Châu Phú).

Theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm mon công lập. Giáo viên mầm non được có 03 hạng, cụ thể: (1) Giáo viên mầm non hạng III – mã số V.07.02.26 (Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mần non trở lên. Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89). (2) Giáo viên mầm non hạng II – mã số V.07.02.25 (Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo: Có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mần non và có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên. Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98). (3) Giáo viên mầm non hạng I – mã số V.07.02.24 (Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo: Có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mần non và có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên. Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38).

Trong khi đó, giáo viên ở các bậc học khác lại quy định trình độ Giáo viên hạng III phải có trình độ cử nhân. Do vậy, cách xếp lương của Giáo viên mầm non và Giáo viên các bậc học khác phải khác nhau. Tuy nhiên, nếu giáo viên mầm non có trình độ trên chuẩn và đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì có thể chuyển xếp lương Giáo viên hạng II được quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 hoặc đủ điều kiện thì có thể thi hoặc xét thăng hạng. Khi đó, giáo viên mầm non sẽ được xếp lương mới theo quy định đối với Giáo viên mầm non có trình độ trên chuẩn.

Trong năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan tiến hành khảo sát những bất cập về chế độ chính sách tiền lương của giáo viên mầm non.

XI. Lĩnh vực an ninh, quốc phòng:

1. Đề nghị xem xét chế độ tiền ăn cho cơ quan quân sự cấp xã từ 22 ngày lên 30 ngày và có hỗ trợ tiền ăn cho cho Ban chỉ huy (Phú Tân).

Về chế độ tiền ăn cho cơ quan quân sự cấp xã: Sở Tài chính có Công văn số 525/STC-NS ngày 07/3/2022 về việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, cụ thể: trợ cấp ngày công lao động cho lượng Dân quân thường trực với mức 119.200 đồng/người/ngày (tính theo số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng 22 ngày/tháng x 12 tháng); hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng Dân quân thường trực với mức 62.000 đồng/người/ngày). Về cách tính toán là 22 ngày/người/tháng, nhưng đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương mà cân đối ngân sách để chi trả đầy đủ theo quân số và số ngày trực trên tháng.

Về hỗ trợ tiền ăn cho cho Ban chỉ huy: theo quy định của Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 ngày 22/11/2019 và Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ không quy định chế độ tiền ăn cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã. Ngày 16/5/2022 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có Báo cáo số 1596/BC-BCH về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về Dân quân tự vệ gửi Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu trình Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ tiền ăn cho chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã khi thực hiện nhiệm vụ trực, nhưng đến nay chưa có ý kiến phản hồi. Khi có ý kiến phản hồi Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

2. Đề nghị tăng biên chế công an chính quy mỗi xã từ 8 đ/c trở lên và nhanh chóng hoàn thiện lực lượng đảm bảo an ninh ở cơ sở hỗ trợ tăng thẩm quyền, trang bị công cụ hỗ trợ đảm bảo an ninh cho trị an viên (Phú Tân).

Việc tổ chức Công an xã chính quy được thực hiện theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, Công an tỉnh An Giang đã bố trí trung bình mỗi xã 05 cán bộ Công an chính quy là lượng thường trực, cơ bản đáp ứng yêu cầu trực sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục duy trì lực lượng hỗ trợ là người địa phương, am hiểu địa bàn phụ trách từng cụm dân cư, khóm ấp để giúp lực lượng chính quy làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội địa bàn cơ sở.

Dự thảo Quy định về số lượng, chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang đang gửi lấy ý kiến các Bộ: Nội vụ, Công an, Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi nhận được ý kiến đóng góp sẽ sớm hoàn chỉnh dự thảo trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định về số lượng, chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang.

3. Đề nghị tăng trợ cấp cho các lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, lực lượng bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn hiện nay Trưởng ban chỉ được phụ cấp được hưởng 1.0, Phó ban 0.8, tổ viên thì 0.5 mức lương cơ sở. Hiện nay công việc nhiều nhưng phụ cấp thì ít so với nhiệm vụ thực tế (Phú Tân).

Về chế độ phụ cấp hàng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố hiện được thực hiện theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 21/7/2008 của UBND lượng bảo vệ trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang (mức phụ cấp, trợ cấp dự kiến cho lực lượng này sẽ tăng hơn so với trước đây) đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị Trung ương để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo và sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định về số lượng, chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang.

4. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy hiện nay, do Trung tâm y tế hoặc Bệnh viện tuyến huyện xác định mới có cơ sở đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, việc này gây khó khăn cho những xã, thị trấn ở xa trung tâm huyện. Đề nghị giao thẩm quyền xác định lại cho các Trạm y tế xã, thị trấn thực hiện việc xác định sẽ thuận tiện cho địa phương (Phú Tân).

Việc xác định tình trạng nghiện ma túy được quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; Thông tư số 18/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy.

Ngày 27/4/2022, Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn trực tuyến về chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy đến 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đồng thời cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện cho bác sĩ đang và sẽ thực hiện nhiệm vụ xác định tình trạng nghiện ma túy, đang công tác tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện, Cơ sở cai nghiện ma túy và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang.

Như vậy, hiện nay việc xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế công lập, bao gồm các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang. Sở Y tế đã có Thông báo số 1603/TB-SYT ngày 26/5/2022 về danh sách các cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang để các tổ chức, cá nhân biết liên hệ, phối hợp thực hiện.

5. Cử tri bày tỏ sự đồng thuận cao đối với chủ trương triển khai làm căn cước công dân cho toàn dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những trường hợp người dân nhận thẻ căn cước công dân chậm hơn so với thời gian quy định (hoặc bị thất lạc). Cử tri mong muốn ngành công an tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ căn cước công dân theo đúng thời gian quy định để người dân không tốn công sức đi lại nhiều lần.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ tại cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo thực hiện nội dung, nhiệm vụ Đề án 06. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện 02 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD trên địa bàn toàn tỉnh. Song song đó, xây dựng kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD và định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh năm 2022; qua đó toàn tỉnh đã thu nhận được 328.399 hồ sơ; tiếp nhận và trả thẻ CCCD cho công dân sử dụng được 417.206 thẻ; chỉ đạo Công an cấp cơ sở thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư. Tính đến 19/5/2022, tổng dữ liệu dân cư hiện có trên hệ thống là 2.769.990 dữ liệu, đã đồng bộ vào hệ thống là 2.769.886 dữ liệu, đạt tỷ lệ 99,99%, dữ liệu còn phải làm sạch 104 dữ liệu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như cử tri đề cập ở trên và nguyên nhân là do: số lượng người dân làm CCCD trên toàn quốc quá nhiều, cả nước có hơn 50 triệu hồ sơ đề nghị cấp CCCD gắn chíp điện tử dẫn đến việc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an in, cấp thẻ CCCD để trả cho công dân còn chậm so với quy định (Công an địa phương chỉ thu nhận hồ sơ làm CCCD cho công dân). Một số hồ sơ đề nghị cấp CCCD của công dân thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, cần phải xác minh, thu thập, điều chỉnh thông tin để đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên mất thời gian. Có những trường hợp công dân đăng ký trả thẻ CCCD qua đường Bưu điện phải mất thêm thời gian (giai đoạn Bưu điện nhận thẻ CCCD từ Công an và giao bưu tá chuyển đến nhà cho công dân). Ngoài ra, có trường hợp công dân cho địa chỉ nhận không đúng so với địa chỉ đăng ký ban đầu hoặc thay đổi chỗ ở, thay đổi số điện thoại… nên Bưu điện chuyển chậm.

Một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới như sau: Đối với công dân đã làm nhưng chưa được cấp CCCD do thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương khẩn trương rà soát, xác minh, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó mời công dân để thu nhận hồ sơ cấp CCCD theo nơi thường trú hoặc đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh để thu nhận lại hồ sơ cấp CCCD. Công an tỉnh tiếp tục trao đổi với Bưu điện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bưu tá trả thẻ CCCD ngay cho công dân sau khi nhận thẻ CCCD chuyển về. Đồng thời, quá trình tiếp nhận yêu cầu trả thẻ CCCD, nhân viên bưu điện nhắc công dân phải kê khai chính xác địa chỉ nhận thẻ. Công an tỉnh tiếp tục kiến nghị Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sớm sản xuất, in, trả thẻ CCCD cho công dân đủ thủ tục, chính xác thông tin theo quy định.

6. Thời gian gần đây Công an tỉnh An Giang khởi tố một số vụ án hình sự liên quan việc trốn thuế với số lượng lớn, thời gian dài như vụ Tiệm vàng Phước Nguyên trốn thuế đối với số vàng giao dịch hơn 10.000 tỷ đồng ; Vụ Ngô Phú Cường (Cường cát) trốn thuế 19 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc khởi  tố, bắt tạm giam một cựu Trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ ở An Giang về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn. Cử tri đồng tình và tin tưởng vào kết quả đấu tranh chống tội phạm của Công an tỉnh, qua đó cũng mong muốn các ngành chức năng cần làm rõ xử lý cả những cán bộ, công chức bao che, dung túng hoặc thiếu trách nhiệm để doanh nghiệp trốn thuế, cán bộ tham ô tài sản kéo dài trong nhiều năm làm cho vi phạm càng nặng hơn, mất cán bộ, giảm lòng tin của Đảng viên, cán bộ và Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tập trung đấu tranh, phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; qua đó, đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến nhiều bị can có hành vi “trốn thuế” trong thời gian dài, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang khẩn trương thu thập, củng cố chứng cứ phạm tội của các cá nhân có liên quan trong những vụ án nêu trên để sớm kết thúc điều tra, đề nghị truy tố theo đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề dư luận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm là các vụ án trên có sự bảo kê, bao che của cán bộ trong các cơ quan phòng, chống tội phạm, hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Qua điều tra đến nay, Cơ quan điều tra đã phát hiện, xử lý một số cán bộ, đảng viên như đã nêu trên; hiện Công an tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo xác minh làm rõ để xử lý theo đúng quy định.

Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đẩy nhanh tiến độ điều tra, kiến nghị xử lý đối với những vụ án tham nhũng, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc. Tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong Nhân dân. Chủ động trong công tác phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các hành vi trốn thuế, tham nhũng, lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

XII. Lĩnh vực xây dựng:

1. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Hồ Xoài Chek vì kéo dài thời gian ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Dự án nạo vét, nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek do UBND huyện Tri Tôn làm chủ đầu tư, dung tích hồ chứa tăng sau khi nạo vét từ 278.711m3 lên 620.291m3, tổng diện tích nạo vét thu hồi 22,4 ha, khối lượng nạo vét 400.283m3, nạo vét mở rộng lòng hồ để đảm bảo chứa đủ dung tích theo yêu cầu phục vụ cấp nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp sau hồ, thời gian thực hiện dự án 02 năm từ tháng 12/2018 đến 12/2020.

Ngày 26/10/2020 UBND huyện Tri Tôn có Tờ trình số 147/Tr-UBND về việc xin chủ trương gia hạn thời gian nạo vét thu hồi khoáng sản cát và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án nâng cấp sức chứa Hồ Soài Chek và Hồ Ô Thum phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (trong đó gia hạn thời gian thực hiện từ 01/01/2021 đến 30/09/2021) và UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 6364/VPUBND-KTN ngày 17/12/2020 về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án nạo vét  Hồ Soài Chek và Hồ Ô Thum.

Ngày 10/5/2022 UBND huyện Tri Tôn có báo cáo và đề nghị UBND tỉnh xin gia hạn (lần 2) là 270 ngày (9 tháng), do triển khai thực hiện gia hạn lần 1 của dự án nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek, diễn ra trong thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công nạo vét phần còn lại của dự án. Qua đó, UBND tỉnh có Công văn 2583/VPUBND-KTN, ngày 17/5/2022 của Văn phòng UBND tỉnh về việc khắc phục các vấn đề ô nhiễm môi trường tại Dự án nạo vét nâng sức chứa hồ Ô Thum và hồ Soài Chek, trong đó, chỉ đạo UBND huyện Tri Tôn khẩn trương hoàn thành công tác khắc phục xử lý ô nhiễm nguồn nước, xả thải, bồi lắng miệng cống, an toàn của thân đập, hoàn chỉnh thiết kế thi công, thủ tục môi trường và các vấn đề khác liên quan nạo vét nâng sức chứa của hồ Ô Thum và hồ Soài Chek. Sau khi hoàn thành các nội dung trên, UBND huyện Tri Tôn báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định gia hạn nạo vét, thu hồi khoáng sản đối với 02 dự án nâng cấp sức chứa hồ Ô Thum và Soài Chek nêu trên.

2. Đề nghị đầu tư chỉnh trang các Phum, Sóc để đảm bảo vệ sinh môi trường và góp phần thúc đẩy huyện Tri Tôn hoàn thành nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm qua UBND tỉnh và nỗ lực của các ngành các cấp, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, doanh nghiệp, Mạnh Thường quân trong và ngoài huyện, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và nâng cấp; công tác huy động các nguồn lực để chỉnh trang đô thị, phum, sóc ở một số xã, thị trấn có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp cải tạo; cảnh quan môi trường sinh hoạt, công tác, nơi làm việc của các cơ quan, đơn vị, trường học được quan tâm; việc vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sạch hơn, bộ mặt đô thị, nông thôn thay đổi, khởi sắc; an ninh – chính trị được ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển.

Hiện nay, huyện Tri Tôn đang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó thực hiện giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Huyện Tri Tôn sẽ kết hợp thực hiện nguồn vốn từ 02 chương trình trên với nguồn vốn vận động xã hội hóa từ các nguồn lực để thực hiện chỉnh trang phum, sóc tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác duy tu, sửa chữa các công trình giao thông, nạo vét hệ thống thoát nước trên địa bàn, tiếp tục thực hiện công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang nhà ở, xây dựng công trình đúng theo qui hoạch.

XIII. Lĩnh vực tư pháp:

Theo khoản 2 điều 26 Bộ luật dân sự quy định Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Nhưng theo đặc thù và tập quán của người dân tộc Khmer nam họ Chau, nữ họ Néang nên khi người mẹ đơn thân sinh con là nam thì không thể lấy theo họ mẹ. Đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với dân tộc thiểu số Khmer để việc đăng ký khai sinh được thuận lợi.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”.

Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;”.

Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP  ngày 15/11/2015 quy định: “Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống”.

Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: “Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ”.

Như vậy, theo quy định trên thì pháp luật dân sự và pháp luật hộ tịch cho phép xác định họ của cá nhân được xác định theo tập quán nhưng vẫn phải bảo đảm theo họ của cha hoặc mẹ.

Nguồn: Báo cáo số 371/BC-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh