Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về việc giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường

Ngày đăng 07/10/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị: “Đề nghị có giải pháp căn cơ để giải quyết tốt việc làm cho sinh viên mới ra trường, vì hiện nay sinh viên được đào tạo ra không được bố trí việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề được đào tạo, trong khi đó chi phí học tập hàng năm đều tăng, gia đình phải tốn khoản tiền rất lớn cho con em đi học, gây lãng phí trong đào tạo”.

Ngày 03/10/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Văn bản 5797/BTNMT-PC về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

Vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp luôn là một nội dung được toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, giáo dục đại học của nước ta từ lâu đã hoạt động theo cơ chế thị trường, Nhà nước, Chính phủ không bố trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Các Bộ, Ngành liên quan có trách nhiệm dự báo nguồn nhân lực và theo dõi cập nhật tình hình việc làm theo các tiêu chí và đối tượng khác nhau.

Về tỉ lệ việc làm, theo báo cáo mới nhất tại Bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh Xã hội cung cấp công khai, tỉ lệ thất nghiệp của lao động của trình độ đại học trở lên quý III và quý IV/2021 giữ ở mức 2,9%. Tỉ lệ thất nghiệp nói trên của sinh viên sau khi ra trường không phải là quá lớn, trong đó còn chưa kể một số lượng lớn sinh viên sẽ tiếp tục học và tiếp tục tìm việc. Theo báo cáo hằng năm của các cơ sở giáo dục đại học về Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp luôn đạt ở mức khoảng 80%, trong đó có nhiều ngành đạt tỉ lệ trên 90% như lĩnh vực sức khỏe, công nghệ kỹ thuật... So với thế giới, tỉ lệ này không phải là tỉ lệ thấp. Một s ngành có tỉ lệ việc làm dưới 70% thường nằm ở những ngành đặc thù, hoặc do những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh. Lấy ví dụ các ngành thuộc lĩnh vực Du lịch vốn là lĩnh vực có tỉ lệ việc làm hơn 95% nhưng trong 2 năm 2020 và 2021 thì tỉ lệ này sụt giảm nghiêm trọng do dịch COVID-19.

Tỉ lệ việc làm trên đây là kết quả của sự đầu tư đúng mức và lâu dài.

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới, người dân rất quan tâm đến tương lai giáo dục của con em nên sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Không phải chỉ có các gia đình đầu tư lớn cho giáo dục mà Đảng và Nhà nước ta cũng luôn nhất quán quan điểm xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Nghị quyết Trung ương 3, (khoá VII) năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết Trung ương 8, (khoá XI) một lần nữa khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”. Ngoài ưu tiên chi tiêu ngân sách cho giáo dục, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác như thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hồ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật...Ngoài ra, Chương trình Tín dụng ưu đãi dành sinh viên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và lập nghiệp.

Với chức năng của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách căn cơ nhằm hỗ trợ người học có được điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiếp cận thị trường lao động như: Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 đưa nội dung Xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nhằm góp phần xác định số lượng nhân lực cần đào tạo của các địa phương; Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học nhằm gắn chương trình đào tạo với thị trường lao động; Đề án Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm hướng tới việc quy hoạch nhu cầu phát triển nhân lực theo vùng miền và theo ngành lĩnh vực. Để chương trình đào tạo gắn với thị trường lao động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo phải có sự tham gia của các chuyên gia đến từ khối doanh nghiệp.

Việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ hiệu quả việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp đang là một trong những nội dung mà Quốc hội XV đã đưa vào Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được giao thực hiện nhiệm vụ này từ năm 2022. Trong năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào Kế hoạch công tác năm 2022 nhiều hoạt động trong đó có t chức một số sự kiện liên quan đến giải pháp hỗ trợ hiệu quả để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp đối với sinh viên sau tốt nghiệp, trong đó, nhiều nội dung sẽ được nghiên cứu như: nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp đối với sinh viên, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, làm căn cứ để các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu cho các ngành đào tạo và người học có căn cứ để lựa chọn ngành học, trường đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường và năng lực bản thân.

Nói đến vần đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp không thể không nhắc tới Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ký tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg (thường gọi là Đề án 1665). Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ngay từ khi còn đang học tập như Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên từ năm 2020, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” từ năm 2018, tổ chức tuyên dương các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu và các dự án khởi nghiệp xuất sức của HSSV trên toàn quốc, Xây dựng thí điểm mô hình các trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại một số trường đại học.

Như vậy có thể thấy, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, Ngành, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo, luôn thấu hiểu và chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của người dân đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng bằng những chính sách cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cần sự chung tay góp sức của không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của các thành phần kinh tế xã hội khác như doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của các cấp, các Bộ Ban Ngành và của toàn xã hội để có thể đạt hiệu quả tối ưu đối với giáo dục.

Nguồn: Văn bản 5797/BTNMT-PC, ngày 03/10/2022 của Bộ GDĐT