Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giao thông vận tải trả lời kiến nghị của cử tri về Trạm thu phí T2 Quốc lộ 91

Ngày đăng 19/03/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 23/01/2018, Bộ Giao thông vận tải có công văn số 790/BGTVT-ĐTCT về việc trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri đã gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV như sau: “Cử tri đề nghị Bộ GTVT sớm có phương án di dời Trạm T2 Quốc lộ 91, vì phương tiện tham gia giao thông trên QL80 qua đoạn đường QL91 khoảng 750m nhưng phải đóng giá dịch vụ như đi trên toàn tuyến, rất bất hợp lý (đây là đoạn trùng giữa QL91 và QL80), nhất là khi cầu Vàm cống được đưa vào vận hành thì việc bất hợp lý khi đi qua trạm càng gia tăng, phức tạp hơn (do tất cả các phương tiện giao thông đi từ thành phố Hồ Chí Minh về An Giang và ngược lại đều phải đóng giá dịch vụ qua trạm này dù các phương tiện chỉ đi qua một đoạn khoảng 200m nhưng phải đóng giá dịch vụ như đi từ thành phố Hồ Chí Minh về An Giang”

Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

-Về vị trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên QL91:

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì ban hành các Thông tư số 90/2004/TT-BTC và Thông tư số 159/2013/TT-BTC, trong đó có quy định việc đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, cụ thề: (1) Đường bộ đặt trạm thu giá khoảng cách giữa các trạm thu giá đảm bảo tối thiểu 70 km thì do cơ quan có thẩm quyền quyết định; (2) Trường hợp đường bộ đặt trạm thu giá khoảng cách giữa các trạm thu giá không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu giá, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 213/TTg-KTN ngày 06/02/2015 giao Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính và UBND thành phố Cần Thơ về vị trí trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT, theo đó: Trong quá trình lập dự án đầu tư Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn lập dự án nghiên cứu các phương án lập trạm thu giá hoàn vốn cho dự án (có xét đến các tuyến lân cận như: Tuyến tránh Long Xuyên, Tuyến Lộ Tẻ - Rạch sỏi, khu vực cầu Vàm Cống khi nghiên cứu dự án không có trạm thu giá trên tuyến). Bộ GTVT cũng đã nhiều lần làm việc và được UBND thành phố Cần Thơ có văn bản số 744/UBND-XDĐT ngày 13/02/2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ có văn bản số 153/ĐĐBQH ngày 15/9/2014, HĐND thành phố Cần Thơ có văn bản số 465/HĐND-TT ngày 16/9/2014, Thành ủy Cần Thơ có văn bản số 1453-CV/TU ngày 17/9/2014 thống nhất đặt hai trạm thu giá hoàn vốn dự án (trạm T1 tại Km 16+905,83 và Trạm T2 tại Km50+050). Tại văn bản số 2043/BTC-HCSN ngày 18/02/2014 và Văn bản số 18756/BTC-ĐT ngày 23/12/2014 của Bộ Tài chính đã thống nhất lập vị trí trạm trong phạm vi dự án trong phạm vi dự án. Như vậy, trạm TI tại Km 16+905,83 và Trạm T2 tại Km50+050 nằm trong phạm vi dự án, việc thu giá dịch vụ đã được tính toán, phương án thu trên nguyên tắc mỗi chiều phương tiện chỉ trả giá dịch vụ một lần khi đi qua hai trạm, đảm bảo việc hoàn vốn dự án và được sự thống nhất của Bộ Tài chính, địa phương, phù hợp với quy định trình tự thực hiện của pháp luật.

Như vậy, việc triển khai dự án tuân thủ pháp luật, chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trạm thu giá nằm trong phạm vi dự án và nhận được sự đồng thuận của địa phương (các cơ quan đại diện cho nhân dân khu vực dự án) và của Bộ Tài chính.

- Về việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ:

Trong quá trình tổ chức thu giá dịch vụ đã xảy ra phản ứng của một số tài xế tại trạm thu giá. Qua đánh giá, nguyên nhân chính là hình thức thu giá hở chưa đảm bảo tuyệt đối công bằng cho người sử dụng (đo quốc lộ thường có nhiều đường ngang và lối ra, vào các khu dân cư) và hình thức này có hạn chế là chỉ có thể đảm bảo tính công bằng một cách tương đối (người dân ở gần trạm thu giá đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả trong khi đó những người đi quãng đường dài 40÷50 km ở khoảng cách giữa hai trạm thu giá thì vẫn không phải trả). Đồng thời, chính sách giá chỉ miễn giảm cho xe máy, xe thô sơ và một số xe chuyên dùng mà không miễn giá cho các phương tiện của các hộ dân sinh sống trong khu vực lân cận trạm.

Để khắc phục bất cập trong chính sách thu giá, trên cơ sở ý kiến đề xuất của tỉnh An Giang, Kiên Giang, Thành phố Cần Thơ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Nhà đầu tư, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương giảm giá đối với các phương tiện qua trạm thu giá T1 và T2 trên QL91 tại văn bản số 660/BGTVT-ĐTCT ngày 26/10/2017. Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nhà đầu tư đang phối hợp với địa phương để giảm giá tại các trạm. Trong thời gian tới, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên cơ sở số liệu quyết toán dự án, lưu lượng xe thực tế qua trạm, các chi phí quản lý vận hành đã được chấp thuận tiếp tục cập nhật, tính toán phương án tài chính của dự án để xem xét việc tiếp tục giảm giá tại các trạm này.

- Về việc di dời trạm thu giá T2 trên QL91:

Ngay sau khi nhận được các ý kiến của địa phương, Hiệp Hội ô tô vận tải An Giang về việc kiến nghị di dời trạm thu giá T2 tại Km50+050 trên QL91, Bộ GTVT đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương và các cơ quan liên quan để giải quyết kiến nghị, gần đây nhất ngày 20/11/2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Theo đó, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh An Giang chia sẻ với Bộ GTVT và Nhà đầu tư trong việc triển khai dự án, tuy trình tự thực hiện đã tuân thủ đúng theo quy định pháp luật nhưng do còn bất cập và đang được các cơ quan liên quan từng bước tiếp tục xử lý trên nguyên tắc xem xét miễn giảm tối đa và tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh An Giang “phối hợp với Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cập nhật dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở phê duyệt dự án và triển khai đầu tư theo quy định (Thông báo số 437/TB- BGTVT ngàỷ 22/11/2017 của Bộ GTVT)”. Như vậy, khi dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên hoàn thành, các phương tiện tham gia giao thông sẽ có sự lựa chọn không phải qua trạm thu giá T2 QL91.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm thu giá T2 trên QL91 trên nguyên tắc phải đảm bào tính khả thi dự án BOT và hài hòa lợi ích các bên. Theo nghiên cứu của Tư vấn và báo cáo của Nhà đầu tư về doanh thu thu giá thực tế của dự án, lưu lượng phương tiện qua trạm đang thấp hơn so với phương án tài chính trong hợp           đồng  BOT, nếu di dời trạm T2 trên QL91 đến vị trí mới, đồng thời phải xây dựng lại trạm thu giá, Nhà điều hành mới sẽ gây lãng phí chi phí đầu tư, thời gian thu giá sẽ tiếp tục kéo dài, người sử dụng lại tiếp tục phải trả giá dịch vụ khi qua trạm và phá vỡ phương án tài chính, nguồn vốn vay sẽ thành nợ xấu của Ngân hàng, Ngân hàng không đồng thuận và không cho vay vốn để di dời trạm. Do yậy, trường hợp di dời trạm có thể Nhà nước sẽ phải mua lại dự án BOT trong điều kiện hiện nay thì chưa thể thực hiện được do ngân sách nhà nước hạn hẹp, không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ GTVT và các bộ, ngành, Nhà đầu tư, ngân hàng cho vay và các bên liên quan đang tiếp        tục rà soát, xây dựng giải pháp phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận./.

Nguyễn Linh