Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Sở LĐTBXH trả lời ý kiến của cử tri Về đánh giá thực trạng đời sống, việc làm, mức thu nhập của người dân và xác định các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này trong thời gian t

Ngày đăng 24/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Ý kiến của cử tri: Đề nghị trong báo cáo kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm của tỉnh cần bổ sung thêm nội dung về đánh giá thực trạng đời sống, việc làm, mức thu nhập của người dân và xác định các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Ngày 20/6/2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh có công văn số 2051/SLĐTBXH-LĐVL giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

1. Tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh

Sau Tết Nguyên đán đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại bình thường, người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp tương đối đầy đủ. Nhìn chung, tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp đã khởi sắc; có biến động nhưng tương đối ít, chủ yếu là nhu cầu tuyển thêm lao động của các doanh nghiệp (tập trung ở doanh nghiệp ngành may mặc, da giày).

Có 379 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển 10.810 lao động (313 doanh nghiệp trong tỉnh tuyển 8.682 lao động giảm 0,03% so cùng kỳ, 66 doanh nghiệp ngoài tỉnh tuyển 2.128 lao động, tăng 2,3% cùng kỳ). Qua kết nối TTDVVL các tỉnh: có 23 doanh nghiệp ngoài tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai) tuyển: 12.550 lao động, mức lương bình quân 6 triệu đồng trở lên, chưa bao gồm tăng ca.

2. Dự báo về tình hình cung cầu lao động 6 tháng cuối năm:

Có 419 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, số lượng trên 13.261 lao động. Chủ yếu nhóm ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo, Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Xây dựng, Y tế…đa số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật 94% (12.465 người).

Có 1.083 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm: nhóm trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ cao (trên 91%), còn lại là lao động phổ thông.

3. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Để hỗ trợ người lao động tìm được việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

- Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động; chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục chỉ đạo TTDVVL tỉnh tăng cường kết nối thông tin về việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp các địa phương tổ chức các điểm, cụm, các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố và các khu công nghiệp…. kết nối các TTDVVL các tỉnh khu vực và Đông Nam Bộ; thông tin qua báo, đài trang thông tin Zalo,...nhằm kịp thời tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

- Phối hợp với NHCSXH tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn; thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng xã hội... giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

- Hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

- Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm xã hội đối với người lao động để thu hút lao động đến làm việc, yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Kim Yến