Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cử tri

Ngày đăng 28/12/2021

Xem với cở chữ : A- A A+

1. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp sớm ban hành hướng dẫn về các tiêu chuẩn CSDL chuyên ngành, phục vụ cho việc triển khai xây dựng các CSDL; kết nối chia sẻ với các CSDL chuyên ngành khác; ban hành các quy định về chuẩn CSDL hộ tịch, công chứng, quản lý XLVPHC,... làm cơ sở cho các địa phương chủ động trong việc thực hiện số hóa, xây dựng CSDL

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

- Đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, và Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính: Hiện nay, Bộ Tư pháp đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng, ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn Cơ sở dữ liệu hộ tịch có liên quan.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2019, để có căn cứ cho các địa phương thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu đăng ký hộ tịch giữa Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thông qua Trục NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin đã chủ động xây dựng Tài liệu hướng dẫn kết nối, trao đổi dữ liệu, trong đó mô tả cấu trúc dữ liệu của 08 nghiệp vụ hộ tịch gồm: (i) đăng ký khai sinh; (ii) cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; (iii) đăng ký kết hôn; (iv) đăng ký nhận cha, mẹ, con; (v) ghi chú việc ly hôn, hủy việc kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài; (vi) đăng ký giám hộ; (vii) đăng ký chấm dứt giám hộ; (viii) đăng ký khai tử. Tài liệu này vẫn đang được Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương áp dụng để kết nối, liên thông dữ liệu từ năm 2019 đến nay.

- Đối với việc thực hiện Số hóa Sổ hộ tịch: Đề nghị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội giao các đơn vị có liên quan nghiên cứu Công văn số 1437/BTP-CNTT ngày 25/4/2019 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn Số hóa Sổ hộ tịch để chủ động có phương án triển khai thực hiện.

 

2. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp cấp tài khoản kết nối vào hệ thống trực tuyến của Bộ, nhằm tạo thuận lợi cho Sở Tư pháp tham dự các cuộc họp trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Hiện nay, số lượng tài khoản đăng nhập vào Hệ thống Hội nghị truyền hình của Bộ chỉ có giới hạn, đã được cấp cho các đơn vị thuộc Bộ và các Cục Thi hành án dân sự. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu giải pháp, triển khai mở rộng Hệ thống Hội nghị truyền hình của Bộ đối với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.

 

3. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp xem xét để đề xuất việc sáp nhập chức năng cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật với Công báo nhằm bảo đảm việc cập nhật văn bản được thực hiện kịp thời, đầy đủ, tiết kiệm về nhân lực và thời gian

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (địa chỉ: vbpl.vn) đang hoạt động theo quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Về cơ bản, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đã đáp ứng được nhu cầu tra cứu tìm hiểu thông tin văn bản quy phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân. Đối với đề xuất sáp nhập chức năng cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật với Công báo, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ xem xét, nghiên cứu nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật trong đó tính đến phương án tích hợp, chia sẻ thông tin với Công báo Chính phủ.

 

4. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, tham mưu, kiến nghị Chính phủ bổ sung các hành vi vi phạm phát sinh trên thực tế vào Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định XPVPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 97/2017/NĐ-CP CP ngày18/8/2017) quy định: “1. Việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: a) Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Do đó, đề nghị  UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Trị phản ánh cụ thể các hành vi vi phạm phát sinh trên thực tế gửi về Bộ Tư pháp. Trường hợp, đó là các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thì sẽ tổng hợp, bổ sung vào Nghị định số 82/2020/NĐ-CP trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Trường hợp các hành vi vi phạm phát sinh trên thực tiễn nhưng chưa phải là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thì Bộ Tư pháp sẽ xem xét để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cập nhật, bổ sung vào các văn bản pháp luật chuyên ngành đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, trên cơ sở đó, sẽ xem xét bổ sung vào Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

 

Cử tri kiến nghị:

Thanh tra Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác thanh tra; triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định mới của pháp luật về lĩnh vực liên quan đến hoạt động thanh tra tại địa phương; cần thống nhất tổ chức, hệ thống thanh tra ngành Tư pháp ổn định, không sáp nhập vào các phòng chuyên môn khác

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

- Về việc thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thanh tra, triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định mới của pháp luật về lĩnh vực liên quan đến hoạt động thanh tra tại địa phương:

Năm 2021, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 Hội nghị triển khai tập huấn chuyên sâu về Nghị định số 82/2020/NĐ-CP và xử phạt vi phạm hành chính tại 02 miền Bắc, Nam cho các Sở Tư pháp trên toàn quốc. Đồng thời, theo Kế hoạch số 2586/QĐ-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ Tư pháp về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2021, Bộ Tư pháp có tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và nghiệp vụ giải quyết khiếu nại tại Học viện Tư pháp. Học viện đã thông báo chiêu sinh đến các Sở Tư pháp nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên chưa tổ chức được.

 Trong thời gian tới, căn cứ vào điều kiện thực tế và nhu cầu của các công chức, thanh tra viên của Thanh tra các Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho công chức làm công tác thanh tra tại các Sở Tư pháp và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ.

- Về việc thống nhất tổ chức, hệ thống thanh tra ngành Tư pháp ổn định, không sáp nhập vào các phòng chuyên môn khác:

Bộ Tư pháp đồng tình với kiến nghị này. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh./.

Kim Yến