Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang

Ngày đăng 14/01/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 9379/NHNN-VP ngày 31/12/2021 trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Nội dung: “Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch nói riêng và doanh nghiệp nói chung hầu như cạn kiệt nguồn vốn. Do đó cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, đơn giản hóa hồ sơ xét duyệt giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính phục hồi hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế (thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất đến năm 2022”.

Các nội dung này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Bộ Tài chính trả lời như sau:

Giải pháp hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, đơn giản hóa hồ sơ xét duyệt giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính phục hồi các hoạt động kinh doanh.

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, NHNN nhanh chóng, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19 tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể:

NHNN đã giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5-2%/năm) ngay trong năm 2020 (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực) và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; các ngân hàng thương mại có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tống dư nợ hiện hữu áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021; 04 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021 giảm thêm 0,81%/năm. Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng gần 34.900 tỷ đồng.

Tổ chức, triển khai các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại các địa phương, nhất là tại những thời điểm không thực hiện giãn cách xã hội, nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Ngoài các giải pháp về lãi suất, NHNN đã chỉ đạo các TCTD:

Đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; Công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; Đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đôi tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (như Internet Banking, Mobile Banking,...) trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng…

Rà soát, nghiên cứu giảm các mức phí trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó, một số ngân hàng đã cắt bỏ nhiều loại phí cho vay như: Phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấuu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết... Vận hành cổng thông tin kết nối khách hàng vay với nhiều tiện ích để kết nối khách hàng vay và TCTD qua website (https://www.cic.gov.vn) và ứng dụng điện thoại thông minh, hỗ trợ khách hàng vay có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng tại các TCTD.

Với phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực, giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đây là nỗ lực rất lớn của các TCTD trong điều kiện các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu, làm việc với các TCTD trên địa bàn để được hỗ trợ xem xét miễn, giảm lãi vay, cho vay mới và hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và chính sách riêng của từng TCTD.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã và đang triển khai có hiệu quả; chỉ đạo các TCTD cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các chính sách hồ trợ về thuế:

Kể từ thời gian đầu xảy ra dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp các khoản thuế (như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế (như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT)), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, tiếp tục thực hiện gia han thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuể TNCN, thuế TTĐB) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; miễn, giảm các khoản thuế (thuế TNDN, thuế TNCN, thuế nhập khẩu, thuế BVMT, thuế GTGT, tiền chậm nộp thuế), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Trong đó, có các giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra như: Miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Giảm mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; Miễn tiền chậm nộp thuế. Tổng giá trị hỗ trợ tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2021 là khoảng 145 nghìn tỷ đồng.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên đã có tác động tích cực góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tiêp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, dự báo dịch Covid-19 vẫn còn có những ảnh hưởng khó khăn đến doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tình hình dịch bệnh và các chính sách thích ứng với tình hình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo cơ sở để triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng cơ quan liên quan, xây dựng và hoàn thiện nội dung Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó bao gồm cả đề xuất các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất phù hợp.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê đất:

Để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 giảm 15% tiền thuê đất của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng của dịch Coviđ-19 và Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đối với kiến nghị tiếp tục hỗ trợ tiền thuê đất đối với năm 2022 thì cần phải tổng hợp trong quá trình đánh giá tác động của ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 đến các đối tượng liên quan, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế  - xã hội và nguồn thu ngân sách nhà nước./.

NGUYỄN NGUYỄN