Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời kiến nghị cử tri An Giang về việc có chính sách hỗ trợ cho các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh

Ngày đăng 11/01/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Công văn số 8980/BNN-KH ngày 28/12/2021 trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Với nội dung: “Có chính sách hỗ trợ cho các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh: hỗ trợ vốn để tái sản xuất, có nhiều chính sách, biện pháp để ổn định giá vật tư nông nghiệp và tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản; có quy hoạch vùng trồng, nâng cao và phát huy vai trò của hợp tác xã, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp và tạo điều kiện để tiêu thụ sản phẩm của nông dân”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin trả lời như sau:

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và lưu thông nông sản, việc cung ứng vật tư tăng cao, tăng chi phí đầu vào, nhưng giá cả một số nông sản suy giảm gây thiệt hại cho nông dân. Đề hỗ trợ người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển ổn định sản xuất, Bộ Nông nghiệp đã phối hợp cùng với các Bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, chế biến, tháo gỡ vướng mắc về lưu thông, đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đặc biệt phát triển các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, trong đó các hợp tác, doanh nghiệp có vai trò quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Cụ thể:

 

Thứ nhất: Bộ Nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp, đồng thời rà soát, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ tại các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 và các Quyết định số 15/2020/QĐ- TTg ngày 24/4/2020, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020, Nghị quyêt sô 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Cụ thể: (i) Tập trung chỉ đạo sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; (ii) Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; (iii) Tổ chức chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, dán tem truy xuất điện tử; (iv) Phối họp với các Bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin giá cả nông lâm thủy sản và tình hình cung cầu hàng nông sản thiết yếu (tập trung vào lúa gạo, rau quả, thịt lợn); (v) Tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.

 

Đẩy mạnh hoạt động của 02 Tổ công tác đặc biệt của Bộ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố trong điều kiện dịch Covid-19; xây dựng kênh kết nối nông sản các địa phương và vùng miền, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

 

Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bổi cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 

Thứ hai: Bộ tổ chức các Đoàn công tác làm việc với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản nhằm giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹthuật và mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam. Trong đó, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường, như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhân vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến) Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)...

 

Phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại tăng cường xúc tiến, quảng bá nông sản theo hình thức trực tuyến (online), gắn với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông)...

 

Thứ ba: Bộ Nông nghiệp đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, thành phố đấy mạnh phân phối hàng hóa nông sản trên nền trên các Sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost), Lazada, Alibaba.com, Amazon.com; các doanh nghiệp ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, Goviet...); hỗ trợ các địa phương tiếp cận kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế một cách hiệu quả.

 

Đến nay, dù nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nói chung và nông dân vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình trạng chi phí lưu thông, giá vật tư đầu vào sản xuất ở các ngành hàng đều tăng cao; thiếu nguồn vốn để tái sản xuất,...

 

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống như:

 

Phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 06/8/2021; Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 để hạn chế tối đa việc ban hành các quy định riêng của từng địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; thống nhất thực hiện các quy định về giãn cách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyến hàng hóa, vật tư nông nghiệp, máy móc, trang thiết bị thông suốt giữa các tỉnh phục vụ cho sản xuất và chế biến nông sản.

 

Triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các địa phương để yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, vật tư phục vụ sản xuất chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường năng lực ổn định sản xuất, phát huy tối đa công suất nhà máy chế biến để cung ứng nhanh, kịp thời cho thị trường trong nước, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm.

 

Bộ và các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân điều chỉnh phương thức kinh doanh, kế hoạch sản xuất phù hợp với bối cảnh sau giai đoạn giãn cách xã hội, biến động về thời tiết đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài; thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối.

 

Phát triển, nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả và đẩy mạnh liên kết giữa các vùng, địa phương trong tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản chú lực đã giảm thiểu thiệt hại do tác động tiêu cục của dịch bệnh đến kết nối cung, cầu nông sản giữa các địa phương trong vùng và với các đô thị lớn.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh: Hỗ trợ giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (chi phí logistics, giá nguyên vật liệu), duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp giai đoạn hậu Covid-19.

 

Ưu tiên tiêm vaccine cho nông dân, người lao động tham gia chuỗi sản xuất (từ sản xuất giống đến chế biến) đảm bảo đủ nhân lực cho hoạt động sản xuất, chế biển nông sản, thủy sản. Nghiên cứu có chính sách phù hợp cho hộ kinh doanh; thúc đấy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả kinh tế tập thể hợp tác xã. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ cho các họp tác xã, doanh nghiệp xã hội phát triển khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi sổ...

 

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch cho nông sản Việt Nam; kịp thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp quy định mới của các nước nhập khẩu nông sản Việt.

 

Nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân

 

Cơ chế, chính sách tài chính: Gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm tiền thuê bến bãi, dịch vụ kho lạnh, bảo quản nông, thủy sản... Chính phủ hỗ trợ giá phân bón thông qua doanh nghiệp; giá giống cây trồng, vật nuôi thông qua doanh nghiệp sản xuất trong nước (không vi phạm cam kết trong WTO).

 

Cơ chế, chính sách tín dụng: Thiết kế chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân cơ cấu lại nợ, giảm chi phí dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ mua máy nông nghiệp cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông lâm thủy sản; hỗ trợ hợp tác xã xây dựng hạ tầng cơ sở, kho lạnh, bảo quản, chế biến nông sản;...

NGUYỄN NGUYỄN