Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cử tri

Ngày đăng 28/12/2021

Xem với cở chữ : A- A A+

1. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp sớm ban hành Dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Kế hoạch thực hiện Nghị định số 101/2020/NĐ-CP, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP (ban hành kèm theo Quyết định số 2661/QĐ-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Thông tư của Bộ Tư pháp quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp. Hiện nay, Thông tư đang được chỉnh lý, hoàn thiện và thực hiện quy trình thẩm định trước khi Bộ trưởng xem xét, ký bàn hành, dự kiến ban hành trong tháng 12/2021.

 

2. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp phối hợp Bộ, ngành có liên quan tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu trong các lĩnh vực đấu giá tài sản; giám định tư pháp; tư vấn pháp luật; hòa giải thương mại; trọng tài thương mại; quản tài viên vì số lượng hành nghề tại tỉnh rất ít (dưới 10 người)

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Năm 2020, Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) đã triển khai xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng về hòa giải thương mại. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng nhiều chương trình bồi dưỡng về các lĩnh vực tư vấn pháp luật, hòa giải... nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Tư pháp không tổ chức được các lớp bồi dưỡng này.

Năm 2022, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng chuyên sâu trong các lĩnh vực đấu giá tài sản; giám định tư pháp; tư vấn pháp luật; hòa giải thương mại; trọng tài thương mại; quản tài viên bằng phương thức tập trung hoặc trực tuyến đáp ứng yêu cầu của địa phương, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

 

3. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên
nghiệp của đội ngũ công chứng viên

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Học viện Tư pháp xây dựng thành công các chương trình đào tạo, bồi dưỡng này. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên năm 2021, Bộ Tư pháp chưa tổ chức lớp học được. Vì vậy, năm 2022, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Học viện Tư pháp phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật cho đội ngũ công chứng viên bằng phương thức tập trung hoặc trực tuyến đáp ứng yêu cầu của địa phương, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

 

4. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp chỉ đạo Học viện Tư pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư; tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề của luật sư và các Tổ chức hành nghề luật sư tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế; hàng năm tổ chức tập huấn, đào tạo, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng, đấu giá theo định kỳ để việc phát triển đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên và các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản tại địa phương đáp ứng quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Cần tập trung vào trang bị kiến thức chuyên sâu về kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, tránh việc đào tạo chung chung các kỹ năng phổ biến như tranh tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, thương mại

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Trong những năm qua, Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chú trọng nâng cao  chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, đặc biệt là các chương trình đào tạo nghề luật sư, đào tạo nghề công chứng. Bộ thường xuyên rà soát, cập nhật, chỉnh sửa, hoàn thiện Chương trình đào tạo nghề Luật sư, đào tạo nghề công chứng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời tăng cường tính thực tiễn trong hoạt động đào tạo nghề. Bên cạnh đó, từ năm 2019 cho tới nay, Bộ Tư pháp đã xây dựng chương trình đào tạo luật sư chất lượng cao và đã triển khai thực hiện được 02 khóa thí điểm với số lượng học viên mỗi khóa khoảng 40 học viên. Năm 2021, Bộ cũng đã tổ chức tuyển sinh khóa 3. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.Từ năm 2017 đến nay, Bộ đã và đang tổ chức được 05 khóa đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại Trụ sở Hà Nội và cơ sở TP. Hồ Chí Minh cho tổng số 229 học viên, trong đó đã có 110 học viên đã được công nhận tốt nghiệp.

Bên cạnh các chương trình đào tạo, Bộ Tư pháp cũng chỉ đạo xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ luật sư; xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho các đối tượng đang hành nghề luật sư và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên năm 2021, Bộ Tư pháp chưa tổ chức lớp học được. Vì vậy, trong năm 2022, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng này.

 

5. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác: chứng thực, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát,... văn bản QPPL từ nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước cho công chức thực hiện công tác này tại địa phương

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Trong những năm vừa qua, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Học viện Tư pháp xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên sâu về chứng thực, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, xây dựng pháp luật. Năm 2021, do tình hình dịch bệnh nên Bộ tạm dừng tổ chức các lớp bồi dưỡng này. Vì vậy, năm 2022, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Học viện Tư pháp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác: chứng thực, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát,... văn bản quy phạm pháp luật bằng phương thức tập trung hoặc trực tuyến (tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành trong cả nước). Tuy nhiên, kinh phí thực hiện sẽ do đơn vị cử công chức, viên chức tham gia lớp học chi trả. Bộ Tư pháp chỉ chi trả từ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp được cử tham gia các lớp học theo đúng quy định.

 

6. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp có giải pháp hỗ trợ kết nối các hệ thống phần mềm giảm thiểu áp lực giải quyết các thủ tục hành chính đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch tại địa phương

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Về các kiến nghị này, trong các năm từ 2018 - 2020, Bộ Tư pháp đã có các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện, cụ thể như sau:

- Công văn số 72/CNTT-HTTT&CSDL ngày 05/02/2018 gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kết nối hệ thống thông tin với Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung;

- Công văn số 2823/BTP-CNTT ngày 29/7/2019 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kết nối, liên thông dữ liệu hộ tịch (Với 8 loại dữ liệu đăng ký hộ tịch gồm đăng ký khai sinh; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký kết hôn; đăng ký nhận cha, mẹ, con; ghi chú việc ly hôn, hủy việc kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài; đăng ký giám hộ; đăng ký chấm dứt giám hộ và đăng ký khai tử. Năm 2021, Bộ Tư pháp đang tiếp tục mở rộng thêm đối với các nghiệp vụ cấp bản sao trích lục; cấp xác nhận thông tin hộ tịch và trả bản điện tử kết quả giải quyết TTHC trong lĩnh vực hộ tịch);

- Công văn số 2636/BTP-CNTT ngày 21/7/2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn triển khai tích hợp một số dịch vụ công của ngành Tư pháp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia,

Trong các văn bản nêu trên, Bộ Tư pháp đã thông tin với các địa phương giải pháp kết nối liên thông Hệ thống phần mềm lý lịch tư pháp và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp với Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố (không kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công của địa phương) thông qua Trục NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi triển khai thực hiện giải pháp này, địa phương sẽ không phải nhập lại các thông tin tương ứng đã có trên Hệ thống một cửa điện tử vào Hệ thống phần mềm lý lịch tư pháp và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung. Đến nay đã có hơn 50 địa phương triển khai thử nghiệm kết nối thành công với hơn 20 địa phương triển khai áp dụng chính thức.

Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên và Tuyên Quang yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp chủ động nghiên cứu, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại các văn bản nêu trên.

 

7. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp khẩn trương thực hiện khắc phục lỗi của Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; cấp tài khoản cho đơn vị hành chính mới được sắp xếp

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

a) Thực trạng tình hình xử lý danh mục tên đơn vị hành chính

Những thay đổi về địa danh hành chính trong thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế và xây dựng các Hệ thống thông tin, Phần mềm nghiệp vụ của Bộ, vì khi đơn vị hành chính có biến động, cần phải thực hiện sáp nhập, chia tách dữ liệu của đơn vị có biến động về đúng đơn vị có thẩm quyền quản lý. Đặc biệt đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để cung cấp bản điện tử các Văn bản thông báo mã số và tên đơn vị hành chính mới. Đến tháng 8/2021, Bộ mới nhận được đầy đủ 23 văn bản công bố mã số và tên đơn vị hành chính mới được thay đổi từ năm 2004 đến nay cho hàng ngàn đơn vị hành chính được tổ chức, sắp xếp lại trên cơ sở hơn 600 Nghị định Chính phủ và Nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ đang tiến hành cập nhật dữ liệu vào danh mục các đơn vị hành chính được thay đổi từ năm 2004 đến nay. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo việc cập nhật, tạo lập chính xác liên kết giữa các đơn vị hành chính cũ và đơn vị hành chính hiện tại, đồng thời tiến hành rà soát, phân loại, chuyển đổi các dữ liệu đã được tạo lập của các đơn vị có biến động vào các đơn vị có thẩm quyền quản lý. Do đó, đến nay mới chỉ hoàn thành việc cập nhật biến động đơn vị hành chính tại 4/23 văn bản của Tổng cục Thống kê (ứng với 58 Nghị định của Chính phủ về thay đổi địa danh hành chính được ban hành từ năm 2004 đến giữa năm 2006).

b) Hướng xử lý trong giai đoạn Bộ Tư pháp chưa hoàn thành việc cập nhật danh mục đơn vị hành chính

Trong giai đoạn Bộ Tư pháp chưa hoàn thành việc cập nhật danh mục đơn vị hành chính và dữ liệu đơn vị hành chính chưa được đồng bộ, cập nhật vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch và các Phần mềm khác của Bộ Tư pháp, đối với các đơn vị có thay đổi đơn vị hành chính do đổi tên, thay đổi loại hình, sáp nhập, chia tách, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo chỉ đạo Sở Tư pháp:

- Tiếp tục thực hiện cấp tài khoản cho đơn vị mới theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 1183/BTP-CNTT ngày 31/3/2020 và theo mã đơn vị hành chính mới do Tổng cục Thống kê công bố;

- Khi có sáp nhập các địa danh hành chính, nếu Tổng cục Thống kê thông báo giữ mã của đơn vị hành chính cũ nào thì tương ứng phải cấp tài khoản cho đơn vị hành chính mới trên đơn vị hành chính cũ được giữ lại mă thống kê, đồng thời, khóa tài khoản của tất cả các đơn vị hành chính đã được Tổng cục Thống kê thông báo khóa mã.

Sau khi Bộ Tư pháp hoàn thành việc cập nhật danh mục đơn vị hành chính và đồng bộ với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cũng như với các Phần mềm khác của Bộ, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Sở Tư pháp các địa phương để hỗ trợ kiểm tra, chuẩn hóa lại thông tin và dữ liệu cho các đơn vị.

 

8. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an duy trì kết nối ổn định Phần mềm đăng ký khai sinh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo kịp thời cấp số định danh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, khắc phục tình trạng chậm muộn hồ sơ đăng ký khai sinh của công dân

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp đăng ký khai sinh đủ điều kiện được cấp số định danh cá nhân nhưng bị chậm hoặc bị từ chối cấp số định danh cá nhân là do 3 nguyên nhân chính:

- Một là, do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thay đổi mô hình tiếp nhận và xử lý cấp số định danh cá nhân từ mô hình 1 cấp kiểm tra sang 2 cấp kiểm tra. Do đó, một số thời điểm hệ thống của Bộ Công an bị quá tải nên dẫn đến việc trả kết quả cấp số định danh bị chậm;

- Hai là, do có thay đổi một số quy tắc trong việc kiểm tra trùng thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phát hiện các trường hợp nhập 2 lần hoặc được đăng ký khai sinh ở 2 nơi nên nhiều trường hợp dữ liệu đăng ký khai sinh đã bị Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ chối cấp số định danh cá nhân và yêu cầu công chức tư pháp hộ tịch phải chủ động kiểm tra, xác minh lại thông tin;

- Ba là, đối với công dân đăng ký khai sinh trước ngày 01/7/2021 nhiều khả năng đã được thu thập thông tin và được cấp Số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện cấp Số định danh cá nhân cho các trường hợp này theo quy trình mới.

Các đơn vị chuyên môn của Bộ (Cục Công nghệ thông tin và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã có trao đổi, phản ánh với Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an và đã có điều chỉnh phương án xử lý kỹ thuật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, từ đầu tháng 11 đến nay, số lượng hồ sơ bị chậm hoặc bị chặn cấp số định danh cá nhân đã giảm đáng kể.

Đối với những trường hợp vẫn bị chậm hoặc bị chặn cấp số định danh, bên cạnh hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn 3160/BTP-CNTT ngày 13/9/2021 về việc hướng dẫn xử lý một số vướng mắc trong tiếp nhận số định danh cá nhân khi cập nhật dữ liệu khai sinh vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử, dự kiến trong tháng 12/2021, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản hướng dẫn bổ sung gửi các địa phương nhằm hỗ trợ các địa phương có thể chủ động tiến hành xác nhận thông tin nếu như đã có thể khẳng định được việc đăng ký khai sinh là đúng quy định của pháp luật về hộ tịch.

 

9. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp nâng phần mềm hộ tịch, chỉnh sửa biểu mẫu hộ tịch trên phần mềm để khi xuất dữ liệu chính xác với biểu mẫu quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Ngày 25/10/2021, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc cập nhật các biểu mẫu hộ tịch được quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp và đã đăng thông báo về việc này trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung. Do đó, từ 25/10/2021 đến nay các Cơ quan đăng ký hộ tịch tại các địa phương trên toàn quốc đã có thể trích xuất các biểu mẫu hộ tịch từ Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung và Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP.

 

10. Cử tri kiến nghị:

Bộ Tư pháp cần nâng, khắc phục lỗi kịp thời hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để đảm bảo cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở địa phương; quan tâm nhiều hơn đến nhân sự, tổng đài hỗ trợ để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc kịp thời cho địa phương

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Hiện nay, Bộ Tư pháp đã bố trí 07 công chức, viên chức tham gia Bộ phận hỗ trợ của Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, tuy nhiên, đây đều là các công chức, viên chức kiêm nhiệm từ các Phòng và Trung tâm thuộc Cục Công nghệ thông tin nên những thành viên này cũng thường xuyên phải dành thời gian xử lý các nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, theo chủ trương chung của Bộ, có những thời điểm Cục Công nghệ thông tin phải giảm số lượng người làm việc trực tiếp tại cơ quan xuống 50%. Do đó, có những thời điểm chỉ có từ 2 đến 3 người trực tại Bộ phận hỗ trợ, trong khi tổng số người sử dụng tham gia sử dụng Hệ thống trên toàn quốc lên tới hơn 18.000 người dùng, vì vậy, có những thời điểm Bộ phận hỗ trợ đã không thể tiếp nhận được hết tất cả các cuộc gọi từ các địa phương.

Trường hợp khi gặp vướng mắc, người dùng đã gọi điện về Bộ phận hỗ trợ nhiều lần nhưng chưa được hỗ trợ, đề nghị kịp thời gửi ý kiến về Bộ phận hỗ trợ thông qua email hotich@moj.gov.vn để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Trong thời gian tới, cùng với việc khắc phục các hạn chế còn tồn tại của Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, bố trí thêm nhân sự cho Bộ phận hỗ trợ của Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để kịp thời hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các địa phương.

 

11. Cử tri kiến nghị:

Để việc quản lý nuôi con nuôi thống nhất trên cả nước, phục vụ công tác phân cấp, đồng thời khắc phục trường hợp UBND cấp xã nơi thường trú mới của người nhận con nuôi không thể biết mối quan hệ nuôi con nuôi để theo dõi, nhắc nhở cha, mẹ nuôi thực hiện báo cáo tình hình phát triển của trẻ em theo quy định. Đề nghị Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) bổ sung chức năng nuôi con nuôi vào Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu nuôi con nuôi riêng

Bộ Tư pháp trả lời  như sau:

Từ năm 2016 đến nay, trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, Cục Công nghệ thông tin đã triển khai cho các địa phương Phân hệ nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước tại Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời, cho phép các Phòng Tư pháp cấp huyện có thể tra cứu và theo dõi dữ liệu đăng ký nuôi con nuôi của các Ủy ban nhân dân cấp xã trực thuộc, đây là những tiện ích ban đầu, hỗ trợ cho các địa phương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nuôi con nuôi. Nhằm tiếp tục hỗ trợ các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước, năm 2021, Bộ Tư pháp đang phát triển bổ sung một số tiện tích cho Phân hệ đăng ký nuôi con nuôi trong nước trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Dự kiến các tiện ích trên sẽ chính thức được triển khai từ Quý I/2022.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tư pháp đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch”. Trong đó sẽ nâng cấp tổng thể các phần mềm phục vụ công tác đăng ký quản lý hộ tịch, quốc tịch, con nuôi. Khi đó, Cơ sở dữ liệu nuôi con nuôi thống nhất (bao gồm cả đăng ký nuôi con nuôi trong nước và đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài) sẽ là một cơ sở dữ liệu thành phần của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

Kim Yến