Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Kết quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong hoạt động giám sát phản biện xã hội.

Ngày đăng 11/01/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Công tác giám sát và phản biện xã hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, đồng thời được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết  các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cụ thể hoá bằng Nghị quyết liên tịch Số: 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những năm qua, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và khẳng định MTTQ tỉnh thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Thực tiễn hoạt động của HĐND, UBND và MTTQ tỉnh cho thấy công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ nói chung và hoạt động giám sát và phản biện xã hội nói riêng là hết sức quan trọng. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND- UBND- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp hoạt động  giai đoạn 2016 - 2021. Sau khi triển khai thực hiện Quy chế đã từng bước có sự đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng công việc giữa các cơ quan. Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định: “Giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân”. Để thực hiện tốt chức năng giám sát, ngay từ đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã có đề nghị nội dung giám sát của HĐND cho năm sau. Thường trực HĐND tổng hợp trình HĐND quyết định giữa năm. Riêng đối với chương trình giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, chương trình giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ trì phối hợp với Đoàn ĐBQH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thống nhất chương trình giám sát của 2 cơ quan thông qua hình thức trao đổi bằng văn bản hoặc tại các cuộc họp Đảng đoàn HĐND. Về cơ bản chương trình giám sát của HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch, khắc phục việc chồng chéo, đảm bảo theo quy định. Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát có sự phối hợp nhịp nhàng; các cuộc giám sát của HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được các cơ quan liên quan cử lãnh đạo tham gia. Sau mỗi đợt giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành có liên quan để thống nhất các nội dung kết luận qua giám sát, trong đó chỉ rõ kết quả, tồn tại, nguyên nhân, kiến nghị  những biện pháp khắc phục. Những kiến nghị sau giám sát đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện, khắc phục những sai sót trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức giám sát hoạt động theo chức năng nhiệm vụ. Từ năm 2016 đến nay, đã chủ trì, phối hợp tổ chức trên 52 cuộc giám sát, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; cải cách hành chính; thái độ giao tiếp, ứng xử và thực thi công vụ của cán bộ, công chức; vấn đề môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; chính sách đối với người có công cách mạng; chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số; công tác an sinh xã hội v.v...; hoạt động của Hội thẩm nhân dân, đại biểu HĐND cấp tỉnh... Đồng thời, hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp xã tiếp tục phát huy công tác giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.  Qua giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót, tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh tích cực tham gia các đoàn giám sát trước kỳ họp hoặc chuyên đề của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh… qua đó, đóng góp nhiều ý kiến làm cơ sở để chủ trì kết luận buổi giám sát.

Công tác phản biện xã hội được MTTQ tỉnh thực hiện có hiệu quả thông qua việc tham gia góp ý, phản biện các dự thảo văn bản chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân. Trong năm 2017, MTTQ chủ trì tổ chức 02 hội nghị phản biện về dự thảo Nghị quyết thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự thảo Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang; dự thảo quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người không có thẻ Bảo hiểm y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017; dự thảo Đề án phí khai thác và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh An Giang; góp ý dự thảo báo cáo đề nghị công nhận thành phố Châu Đốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tham gia góp ý 62 Dự thảo Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh có liên quan đến quyền lợi của nhân dân …Các hoạt động góp ý, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh đã cơ bản mang tiếng nói đại diện nhân dân tham gia góp ý vào các nghị quyết của HĐND tỉnh sắp ban hành, giúp HĐND tỉnh, UBND tỉnh có thêm thông tin trước khi quyết định, đảm bảo nghị quyết ban hành vừa phù hợp quy định pháp luật nhưng cũng vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội luôn được sự tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí hoạt động. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 4 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 19/5/2017, trên cơ sở đó ngày 02/6/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26/QĐ-UBND về việc quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng phối hợp giữa HĐND, UBND các cấp với MTTQ tỉnh trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội giữa HĐND, UBND với MTTQ các cấp trong tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác phối hợp trong tổ chức các cuộc giám sát ở một số cuộc, một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; việc phối hợp đôn đốc và giám sát thực hiện các kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp HĐND chưa được thực hiện thường xuyên; chất lượng tham gia góp ý phản biện xã hội vào một số dự thảo các nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh chưa sâu (do quy định về thời gian còn cập rập), việc tiếp thu giải trình ý kiến góp ý, phản biện để phản hồi đến MTTQ của các cơ quan soạn thảo còn thiếu; công tác phối hợp để tổng hợp và theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của MTTQ các cấp và HĐND các cấp còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa HĐND, UBND các cấp với MTTQ trong hoạt động giám sát phản biện xã hội, Trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND-UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang. Định kỳ hàng năm, các cơ quan phân công chủ trì tổ chức hội nghị liên tịch đánh giá kết quả phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đặc biệt là hoạt động phối hợp trong công tác giám sát, phản biện vào các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc thống nhất chương trình giám sát của 3 cơ quan để khắc phục việc chồng chéo và nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm được cử tri và nhân dân quan tâm. Việc tổ chức đoàn giám sát và triển khai thực hiện cũng cần được quan tâm trong đó cần rõ nội dung chủ trì, rõ nội dung phối hợp; tổ chức đoàn giám sát nên hợp lý, không nên nhiều đoàn trong một thời gian địa điểm, tăng giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thứ ba, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần phối hợp chặt chẽ để tăng cường hậu giám sát đối với những lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân mà theo ghi nhận từ dư luận xã hội vẫn chưa được các cấp chính quyền chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để, kém hiệu quả kịp thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Thứ tư,  Thường trực HĐND, UBND, MTTQ tỉnh tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Ủy ban TW MTTQVN về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Trong đó HĐND, UBND các cấp cần phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội để HĐND, UBND có thêm thông tin trước khi quyết định, đảm bảo nghị quyết chuẩn bị được ban hành vừa phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn cuộc sống của nhân dân.

Thứ năm, trước các kỳ họp HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp, thống nhất với Thường trực HĐND, UBND tỉnh về các nội dung MTTQ tiến hành phản biện, góp ý để chủ động về thời gian xây dựng kế hoạch, tổ chức phản biện, góp ý đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thứ sáu, MTTQ Việt Nam tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế về việc tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Quy định tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân;  những vấn đề lớn, liên quan lợi ích trực tiếp của người dân có các hình thức lấy ý kiến, điều tra xã hội học, tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, góp phần tăng đồng thuận xã hội… Đây là những bảo đảm quan trọng để ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của người dân được giải quyết kịp thời (sau khi được ban hành)

Thứ bảy,  phát huy quyền làm chủ của nhân dân tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, hoạt động của HĐND, UBND thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và HĐND, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, thường xuyên, định kỳ, đột xuất để làm cơ sở xây dựng kế hoạch giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh./.

Nguyễn Thị Thu Thoa Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban DC-PL Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang