Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn huyện Tri Tôn

Ngày đăng 25/10/2021

Xem với cở chữ : A- A A+

Hiện nay trước tình hình dịch bệnh, các em học sinh ở các bậc học không được đến trường mà phải học trực tuyến, làm cử tri băn khoăn lo lắng rất nhiều về hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm để kiểm soát tình hình học tập của các em cũng bất cập. Việc kiểm tra, đánh giá, nhận xét của giáo viên đối với học sinh cũng khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không đủ điều kiện để mua máy tính, mua điện thoại cho con em học, ở nông thôn; mạng Internet không phải nơi nào cũng có, từ đó nhiều gia đình không thể cho con em tham gia học trực tuyến được. Một số phụ huynh lo cho con em mình tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe, thị lực, cha mẹ đi làm không ai theo dõi quản lý nên lo lắng sự cố an toàn về điện. Khó khăn nhất là đối với bậc tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1, 2, 3 các em còn rất nhỏ khó tiếp cận được, chương trình học cải cách thường xuyên, bây giờ lại học trực tuyến nên phụ huynh cũng khó kèm cặp và dạy các em.

Cử tri kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu và tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập về dạy và học trực tuyến, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn để các em được tiếp cận chương trình học trực tuyến vừa đạt hiệu quả vừa an toàn.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh phải tạm nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe. Do đó, việc dạy học linh hoạt (trực tuyến, qua truyền hình, xem video clip, giao nhiệm vụ học tập...) là yêu cầu tất yếu mà ngành GDĐT cần phải thích nghi để có thể cung cấp kiến thức kịp thời cho học sinh. Đây là công việc mới, chưa từng có tiền lệ nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học, ngành GDĐT đã rất chủ động xây dựng Kế hoạch hoạt động giáo dục theo các kịch bản phòng chống dịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, các trường cũng đã khẩn trương xây dựng kịch bản dạy học phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị, tình hình kiểm soát dịch bệnh của địa phương tại từng thời điểm và có tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh.

Hưởng ứng Chương trình vận động “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, Sở GDĐT đã phối hợp Công đoàn ngành GD vận động cán bộ, công chức, viên chức trong ngành GDĐT một ngày thu nhập, đồng thời UBND tỉnh cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ trang bị thiết bị học trực tuyến học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau, không em nào bị mất cơ hội học tập. Trong thời gian chưa có điều kiện học trực tuyến, các trường cũng chủ động giao tài liệu và hướng dẫn các em tự học ở nhà và kiểm tra theo dõi để đánh giá quá trình học tập của các em.

Mặc dù các hình thức dạy học linh hoạt không thể nào đạt chất lượng bằng dạy học trực tiếp, nhất là đối với học sinh tiểu học. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, ngành GDĐT tỉnh An Giang đang cố gắng duy trì việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và phụ huynh để hướng dẫn học sinh quen dần với các hình thức dạy học linh hoạt. Sở GDĐT đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học dựa theo chương trình đã được Bộ GDĐT tinh giãn, thiết kế bài dạy học trực tuyến phù hợp với thời lượng mỗi tiết dạy từ 15-20 phút, linh hoạt theo tâm lý học sinh, mỗi buổi học không quá 2 tiết.

Giáo viên và phụ huynh cùng đồng hành để hướng dẫn học sinh kỹ năng cần thiết như thao tác, sử dụng máy tính, giữ an toàn về điện, sử dụng đồ dùng học tập; tạo điều kiện để học sinh làm quen thầy cô giáo, bạn bè .. ; cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cốt lõi nhất, đã được ngành lựa chọn, bằng hình thức phù hợp nhất. Thời gian học tập sẽ được bố trí phù hợp với tâm lý từng độ tuổi học sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh. Việc duy trì hoạt động dạy học linh hoạt này nhằm chuẩn bị cho học sinh tâm thế phấn khởi, sẵn sàng đến trường khi dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời cũng là cơ hội để học sinh giao tiếp, làm quen với thầy cô, bạn bè sau khoảng thời gian giãn cách xã hội. Việc học trực tuyến đã rèn cho học sinh tính tự giác và phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu qua mỗi bài học. Nhìn chung hoạt động dạy và học theo hình thức linh hoạt của ngành giáo dục tỉnh An Giang đã từng bước đi vào nề nếp và đang phát huy hiệu quả, thích ứng với điều kiện dịch bệnh.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhà trường sẽ tiến hành bổ sung kiến thức, tổ chức phụ đạo cho học sinh những nội dung còn hạn chế trong quá trình học trực tuyến.

Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Bộ GDĐTvề tổ chức hoạt đông dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở GDĐT sẽ xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục năm học 2021 – 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các địa phương xem xét trình UBND tỉnh quyết định việc học sinh trở lại trường học bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp trong từng thời điểm với phương châm cẩn trọng, thí điểm từng bước để rút kinh nghiệm mở rộng, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch, đồng thời tận dụng tối đa thời gian vàng để học sinh trở lại trường, thực hiện đạt mục tiêu chất lượng giáo dục của năm học.

Đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người thờ cúng liệt sỹ

Căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều 16 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sĩ, trong đó có bảo hiểm y tế đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ. Như vậy, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng chưa quy định nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế đối với người có mối quan hệ với liệt sĩ ngoài 05 diện nêu trên.

Đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng đối với lực lượng giám sát của Nhân tham gia giám sát công tác phòng chống Covid-19. Hiện nay xã Lương An Trà đã thành lập Tổ giám sát hoạt động khá hiệu quả góp phần vào thành công của công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, các tổ giám sát gặp khó khăn do chưa có chế độ bồi dưỡng, phụ cấp. Đề nghị tỉnh, huyện nên có chính sách hỗ trợ kinh phí để các tổ này hoạt động tốt hơn.

Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó:

1. Tại Điều 2 (Chế độ phụ cấp chống dịch), đã quy định cụ thể mức phụ cấp chống dịch đối với từng nhóm đối tượng tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó tại điểm b, c khoản 6 Điều 2 quy định:

“b) Mức 130.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch”.

“c) Mức 80.000 đồng/người/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập”.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương rà soát đối tượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện chế độ phụ cấp phòng, chống dịch đúng quy định.

2. Trường hợp lực lượng giám sát của nhân dân tham gia giám sát công tác phòng, chống Covid-19 là đối tượng ngoài phạm vi quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP nói trên.

Tại khoản 8 Điều 4 Nghị quyết số 16/NQ-CP quy định: “Cơ quan, đơn vị được sử dụng nguồn thu dịch vụ, nguồn ủng hộ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để chi phụ cấp phòng, chống dịch cho các đối tượng ngoài phạm vi quy định tại Điều 2 Nghị quyết này”.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương sử dụng từ nguồn ủng hộ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để chi phụ cấp phòng, chống dịch cho các đối tượng là lực lượng giám sát của Nhân dân tham gia giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các đối tượng ngoài phạm vi quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.

Cử tri rất phấn khởi trước sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước thể hiện qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều nhóm ngành, nghề, lĩnh vực chưa được đưa vào đối tượng hỗ trợ như: Dịch vụ giúp việc nhà, may gia công tại nhà, may bao, mua bán cây cảnh, làm thuê tại các sạp vải, tiệm tạp hóa, giày dép, mỹ phẩm ở chợ (Tịnh Biên); bó chổi, hớt tóc (Phú Tân); làm cỏ, hái ớt, tỉa hột, cắt đọt sắn; uốn tầm vong, đốn tầm vong; kéo giòng (luống), đào mương để làm rẫy (Tri Tôn); thợ mộc cất nhà gỗ, công nhân may mặc không có hợp đồng lao động; thợ sửa xe honda, gắn máy; nhân công làm thuê trong các doanh nghiệp tư nhân không có hợp đồng lao động (Châu Phú); những người làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp xịt thuốc, xạ phân, chăm sóc cây ăn trái, hái hoa màu thuê, làm cỏ mướn; làm thuê trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản như người lao động thu hoạch cá trong ao hầm bắt cá, cào hến, bắt ốc ai thuê gì làm nấy, thợ làm thuê được trả công theo ngày làm như trong các cơ sở mộc, gạch, chăm sóc cây ăn trái (Chợ Mới); bốc vác tự do tại kho gạo, vật liệu xây dựng; tài xế xe tải, may gia công, thợ hàn, sửa xe honda, vá ép (Long Xuyên); thợ sơn, thợ làm trần nhà (la phông), thợ sắt, thợ mộc, thợ điện, thợ nước, làm thuê nông nghiệp như cấy, cày, phun xịt thuốc, làm cỏ, cắt lúa, thu hoạch hoa quả, sạp bán rau, cải, cá, khô, thịt, sạp nhỏ cố định buôn bán ven đường, phụ giúp việc nhà, chăm sóc em bé, người già, người bệnh tại nhà, se tơ, dệt vải, dệt chiếu, nghề chài, lưới, câu cá (Tân Châu) … Đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung vào đối tượng này được hỗ trợ, để giảm bớt khó khăn cho người dân và đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách.

Ngày 06/8/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-UBND về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang; theo đó UBND tỉnh đã nêu rõ về đối tượng, điều kiện và mức hỗ trợ cũng như nguyên tắc hỗ trợ để các ngành, các địa phương chủ động trong việc rà soát, lập danh sách và thẩm định, phê duyệt những trường hợp người lao động đúng đối tượng và đủ điều kiện được hỗ trợ.

Từ khi Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh được ban hành, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, triển khai chính sách rộng rãi trên địa bàn và tiến hành rà soát, thẩm định, lập danh sách người lao động đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định nhằm hỗ trợ người lao động sớm nhận được chính sách theo quy định.

Tính đến ngày báo cáo, trên cơ sở thẩm định danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ đã được 11/11 UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt (một số UBND huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách đợt 2), Sở LĐ-TBXH đã trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ 162.179 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh với tổng số kinh phí 243.268.500.000 đồng; đến nay, các địa phương đang tiến hành hỗ trợ chính sách cho 55.290 người với kinh phí 82.935.000.000 đồng.

Đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ vốn xây dựng cầu kênh Nam Vĩnh Tế 1 để học sinh đi học và phục vụ trong sản xuất nông nghiệp (Cử tri xã Lương An Trà).

Nội dung này UBND huyện Tri Tôn có ý kiến như sau: Qua khảo sát, cầu kênh Nam Vĩnh Tế 1 nằm trên tuyến đường giao thông nông thôn, UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND xã Lương An Trà có Kế hoạch vận động xã hội hóa kết hợp ngân sách nhà nước để thực hiện theo Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: Báo cáo số 645/BC-UBND Tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 3