Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến phát triển kinh tế

Ngày đăng 27/10/2021

Xem với cở chữ : A- A A+

1. Cử tri thành phố Long Xuyên, các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, thị xã Tân Châu: Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hộ tiểu thương lợi dụng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/TTg của Chính phủ và tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, để tăng giá các mặt hàng thiết yếu khiến người dân gặp nhiều khó khăn hơn, gây bức xúc trong dư luận, đồng thời đề nghị UBND tỉnh có giải pháp ổn định giá tình hình giá cả trên địa bàn phục vụ đời sống của Nhân dân.

Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh chỉ diễn biến phức tạp trong những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời điểm này do người dân hoang mang và có tâm lý mua theo,… nên đã đỗ xô đi mua lương thực, thực phẩm để dự trữ như: gạo, mì gói, đường, thịt, rau, củ,…từ đó làm mất căng đối cung cầu của thị trường, tạo điều kiện cho các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gia tăng và gây bức xúc cho người tiêu dùng, dư luận xã hội, điển hình là các trường hợp vi phạm của hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh trên toàn quốc đã tạo dư luận không tốt.

Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát và kiểm tra giá cả thị trường, các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý trên địa bàn tỉnh An Giang và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của ngành để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bình ổn thị trường. Đến thời điểm này, thị trường hàng hóa cơ bản ổ định trở lại bình thường.

2. Cử tri các huyện: Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú và thị xã Tân Châu:  Đề nghị ngành chức năng kiểm tra giá bán vật tư nông nghiệp, hiện nay giá lúa thấp, giá vật tư tăng cao, giá phân tăng gấp đôi nên bà con sản xuất lúa gặp khó khăn; đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái thu mua lúa của bà con trong đợt dịch bệnh Covid-19 này. 

Để tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19, ngày 23/9/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-SNNPTNT về việc việc thành lập Đoàn kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong tình hình dịch Covid-19, Đoàn kiểm tra đang tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, qua đó đoàn đã lấy mẫu phân bón để xác minh và lấy mẫu phân bón kiểm tra chất lượng và sẽ mời tổ chức, cá nhân xử lý khi có hành vi sai phạm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm và giá cả nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nhiều loại nguyên liệu đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi... tăng giá ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng và đời sống của nông dân. Để kiểm soát giá VTNN; Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết và bán theo giá niêm yết theo Thông báo số 723/TB-UBND ngày 09/11/2018 của UBND tỉnh về Danh sách doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá, kê khai giá tại Sở Tài chính tỉnh An Giang; kịp thời hướng dẫn và đề nghị cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm túc việc cung ứng vật tư nông nghiệp theo bảng niêm yết giá.

3. Cử tri huyện Châu Thành, Châu Phú: Đề nghị UBND tỉnh có chủ trương, giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề hàng hóa, nông sản, lúa hè thu cho bà con nông dân thu hoạch trong thời điểm dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương rà soát các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh có nhu cầu cần hỗ trợ tiêu thụ, liên hệ các đơn vị liên quan (Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Tỉnh Đoàn An Giang, Bưu điện An Giang, Viettel An Giang) và hệ thống siêu thị (Co.opMart, Big C, Vinmart, Bách hóa xanh, MM Mega Market Vietnam, Tứ Sơn), trung tâm thương mại hỗ trợ kết nối và tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh. Đến nay, Sở Công Thương đã kết nối hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân trên 180 tấn nông thủy sản các loại; giới thiệu các Combo nông sản của tỉnh đến chương trình đi chợ hộ của tỉnh Bình Dương; thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kết nối mua bán các sản phẩm trên Cổng thông tin “Đăng ký kết nối Mua – Bán nông sản, hàng hóa (https://htx.cooplink.com.vn).

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã thông báo và đã tổng hợp thông tin của 39 doanh nghiệp gửi Sở Giao thông vận tải hỗ trợ đăng ký Giấy nhận diện cho phương tiện (trong đó, có 06 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đăng ký luồng xanh đường bộ; 05 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đăng ký luồng xanh đường thủy; tổng hợp danh sách phương tiện vận tải đường thủy và tài công thu mua lúa của các huyện, thị, thành); Đồng thời, có văn bản gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ chuyển tiếp thông tin và phổ biến đến các doanh nghiệp, thương lái có kế hoạch thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang có thông tin điều kiện vận chuyển để đi lại thuận tiện. Theo đó, hỗ trợ 08 doanh nghiệp (Cty CP Tập đoàn Lộc Trời; Công ty CP XNK An Giang; Cty TNHH SDC; Cty TNHH Angimex – Kitoku; Công ty CP Giống cây trồng Cửu Long; Công ty CP Gentraco; Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam; Tổng kho An Giang – CN Tổng Công ty LT Miền Bắc) đến thu mua lúa trên địa bàn tỉnh được thuận lợi tại các vùng nguyên liệu đã ký kết; 02 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản ngoài tỉnh (Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Lộc Kim Chi) đến tỉnh An Giang thực hiện thu mua cá tra thương phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng phối hợp Sở NN&PTNT giới thiệu cho Công ty Tập đoàn Lộc Trời tiêu thụ ngoài vùng liên kết gần hơn 3.000 ha tại các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, Phú Tân (chủ yếu các giống OM 18; OM 5451; OM 380); phối hợp Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 06 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tỉnh xin cấp Giấy đi đường làm thủ tục xuất khẩu; Phối hợp chuyển tiếp thông tin Hải Quân vùng 2 có tàu vận chuyển nông sản đến TP. Hồ Chí Minh (300 - 400 tấn nông sản, chở miễn phí) đến các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.

4. Đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Hòa Bình Thạnh.

Xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành đã được UBND tỉnh chọn là 1/10 xã điểm đạt chuẩn năm 2021 theo Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 04/5/2021.  Thời gian qua, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư và các sở ngành liên quan phối hợp với Ban Chỉ đạo chuyện Châu Thành đã đến kiểm tra, khảo sát, làm việc xã Hòa Bình Thạnh về thực hiện xây dựng nông thôn mới; qua đó đã có hướng dẫn địa phương xử lý một số khó khăn và định hướng các giải pháp để địa phương thực hiện theo lộ trình như sau:

Đến nay Xã Hòa Bình Thạnh - huyện Châu Thành đạt 14 tiêu chí và 43 chỉ tiêu; còn 06 chỉ tiêu thuộc 05 tiêu chí chưa đạt, gồm: Tiêu chí 1 Quy hoạch (02 chỉ tiêu: Chỉ tiêu 1.1 có quy hoạch chung được phê duyệt, chỉ tiêu 1.2 ban hành quy định quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch); tiêu chí 2 giao thông (chỉ tiêu 2.1 về đường xã và đường trung tâm xã đến được huyện đạt chuẩn); tiêu chí 5 về trường học; tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa (chỉ tiêu 6.1 về nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao đạt chuẩn; tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm (chỉ tiêu 17.5 về chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom và xử lý theo quy định).

5. Cử tri huyện Tri Tôn: Đề nghị các Ngân hàng có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho người vay trong thời gian còn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, ngay khi xảy ra dịch bệnh (đầu năm 2020), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động ban hành ngay các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả, cụ thể:

* Kết quả hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19:

a) Hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01, TT 03 và TT14:

- Tổng số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới tính đến cuối tháng 8/2021: 81.136 khách hàng.

- Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay: 8.439 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay mới: 22.673 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Dư nợ được miễn, giảm lãi vay: 6.878 tỷ đồng với 6.815 khách hàng (6.674 cá nhân, hộ và 141 DN); tiền lãi khách hàng được miễn, giảm lãi vay là 26,7 tỷ đồng.

+ Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ: 1.562 tỷ đồng; với 7.244 khách hàng (7.203 cá nhân, hộ và 41 DN)

+ Cho vay mới: 22.673 tỷ đồng với 67.077 khách hàng.

b) Miễn, giảm phí thanh toán chuyển tiền:

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng như: Cơ cấu thời hạn nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới. Nhiều TCTD còn giảm phí chuyển tiền, miễn phí chuyển tiền (BIDV, Techcombank, OCB, Agribank, Vietcombank…) kể cả trong và ngoài hệ thống, mức giảm từ 50% - 100% phí chuyển tiền. 

c) Triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Hiện nay, hầu hết các Ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, cho vay mới giảm khoản từ 0,5% - 1%/năm so với các món vay hiện hữu nhằm hỗ trợ và chia sẻ với khách hàng vay vốn khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

d) Bên cạnh việc hỗ trợ khách hàng vay theo Thông tư 14/2021 (Cơ cấu nợ, giãm lãi vay). Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng tổ chức họp với 16 ngân hàng là hội viên, gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank, qua đó các Ngân hàng đã đồng thuận, thống nhất sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng việc giảm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến ngày 04/10/2021, 16 ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ giảm lãi vay là 64,8 tỷ đồng, với 70.448 khách hàng (579 DN và 69.869 khách hàng cá nhân).

Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện nay theo Chi nhánh được biết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành đang có đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội xem xét gói tín dụng cấp bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó khăn do dịch Covid 19 với quy mô cấp bù 3.000 tỷ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất 3%/năm, tương đương quy mô 100.000 tỷ đồng.

6. Cử tri thị xã Tân Châu: Đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn để kêu gọi đầu tư triển khai thực hiện dự án Khu thương mại - dịch vụ Vĩnh Xương giúp người dân phát triển kinh tế, hiện người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 2496/VPUBND-KTN ngày 26 tháng 5 năm 2021 về việc lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Khu Thương mại - Dịch vụ - Công nghiệp Vĩnh Xương; Ban Quản lý Khu kinh tế đã hoàn chỉnh hồ sơ Nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Khu Thương mại - Dịch vụ - Công nghiệp Vĩnh Xương và trình Sở Xây dựng thẩm định tại Tờ trình số 1445/TTr-BQLKKT ngày 21 tháng 7 năm 2021. Hiện Sở Xây dựng đang thẩm định để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và tổng dự toán chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Quản lý, Thương mại và Dịch vụ cửa khẩu Vĩnh Xương, dự kiến sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong tháng 10/2021. Sau đó, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ phối hợp các sở, ngành thực hiện theo trình tự, thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu Thương mại - Công nghiệp Vĩnh Xương theo quy định, để Nhà đầu tư trúng đấu giá sớm triển khai thực hiện dự án (dự kiến tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất vào năm 2022).

7. Tỉnh nghiên cứu quy hoạch vùng nam Vĩnh An thuộc 3 xã Châu Phong - Lê Chánh - Phú Vĩnh nơi nào trồng lúa, cây ăn trái, rau màu cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của 3 xã, để nông dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng. Khép kín (không xả lũ) luôn cánh đồng bờ nam kênh Vĩnh An.

Ngày 02/08/2018, UBND tỉnh  đã ban hành quyết định số 1819/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số Điều trong Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ngày 26 tháng 8 năm 2021 UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch số 1994/QĐ-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn toàn tỉnh,

Trong đó, riêng đối với Thị xã Tân Châu, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển đổi 1.721,9 ha từ các vùng đất hiệu quả sản xuất thấp sang rau màu và cây ăn trái. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa), do đó địa phương có thể thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định này.

8. Cử tri huyện Châu Thành: Đề nghị tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng thị trấn An Châu lên đô thị loại IV.

Hiện Sở Xây dựng đang hoàn chỉnh hồ sơ xây dựng thị trấn An Châu, huyện Châu Thành lên đô thị loại IV. 

* Đầu tư phát triển huyện Châu Thành lên Nông thôn mới.

 Về chủ trương huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Theo Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 của UBND tỉnh đã thống nhất chọn huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2024.

* Cử tri huyện An Phú: Đề nghị tỉnh quan tâm thêm về chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, mặc dù dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Tuy vậy, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn quyết tâm đề ra mục tiêu “...Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước”. Đồng thời thực hiện 03 khâu đột phá nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong hình hình mới, cụ thể: (1) Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; (2) Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; (3) Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.

9. Tập trung làm đường giao thông gắn với xây cầu An Phú – Vĩnh Lộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở 3 xã bờ đông.

Theo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1130/SKHĐT-KHN ngày 31/5/2021 thì ngân sách tỉnh đang gặp khó khăn nên chưa thể cân đối hỗ trợ vốn thực hiện công trình này. Huyện đã làm việc và thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ ưu tiên đầu tư trước nâng cấp tuyến đường giao thông đi qua địa bàn 02 xã Vĩnh Hậu và Vĩnh Lộc chiều dài 14 km trong giai đoạn 2021-2025 và tuyến qua xã Phú Hữu sẽ đầu tư lồng ghép vào các nguồn vốn khác.

10. Tăng cường tiến độ thực hiện dự án WB9 vì hiện nay tiến độ thực hiện còn chậm.

 Tiểu dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (gọi là Dự án WB9) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (này là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp) ký hợp đồng nhận ủy thác quản lý dự án với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian thực hiện dự án: Năm 2016 đến năm 2022.

Hiện nay công trình thi công bị chậm, không đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đã ký. Có các nguyên nhân như sau:

- Về mặt bằng: Tất cả các hạng mục trên công trường đều còn vướng mặt bằng, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện An Phú và cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường là Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đến nay xử lý chưa xong; nguồn vốn đối ứng của tỉnh để chi cho công tác giải phóng mặt bằng còn thiếu khoảng 20 tỷ đến nay còn vướng thủ tục chưa xử lý được.

- Về nguồn vật liệu: Nguồn cát khan hiếm, tăng giá, không cung cấp kịp thời cho công trình.

- Phải thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh Covid-19, không huy động được nhân sự, vật tư đến công trường.

11. Tỉnh quan tâm hơn nữa việc mời gọi các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Châu Đốc để tạo việc làm cho lao động ở nông thôn.

Ngày 16 tháng 9 năm 2021, Ban Quản lý Khu kinh tế có báo cáo số 1907/BC- BQLKKT gửi UBND tỉnh về việc báo cáo tiến độ thực hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang, trong đó có nội dung:

 Lập Báo cáo rà soát, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang”, từ đó đưa ra một số phương hướng phát triển, đề xuất thay đổi, điều chỉnh chiến lược phát triển, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung bao gồm cả định hướng phát triển khu kinh tế trọng điểm tỉnh An Giang là một vùng từ huyện Tịnh Biên – thành phố Châu Đốc – huyện An Phú – thị xã Tân Châu; trong đó, lấy trục cao tốc Châu Đốc – Long Xuyên làm trục trung tâm để tập trung đầu tư phát triển theo Công văn số 1804/TTg-CN ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, dư kiến trong tháng 10/2021 tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Báo cáo số 636/BC-UBND ngày 21/10/2021