Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Ngày đăng 25/10/2021

Xem với cở chữ : A- A A+

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hàng hoá nông sản trong sản xuất nông nghiệp, nông dân không bán được, bán giá rẻ hoặc cho từ thiện…Đề nghị tỉnh triển khai chuỗi liên kết sản xuất nhằm giúp cho nông dân yên tâm sản xuất.

Vấn đề về khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hàng hoá nông sản trong sản xuất nông nghiệp luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cũng như các ngành các cấp quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để tăng dần tỷ lệ sản xuất theo hợp đồng ổn định, hạn chế những rủi ro trong vấn đề tiêu thụ riêng lẽ. Cụ thể, đã dần hình thành các chuỗi liên kết như:

- Lĩnh vực lúa - nếp: có 37 doanh nghiệp đã thực hiện liên kết thông qua 47 HTX NN và 237 tổ hợp tác với diện tích 82.739 ha.

- Lĩnh vực rau màu: hình thành 9 chuỗi liên kết với diện tích 5.754 ha.

- Lĩnh vực trái cây: hình thành 9 chuỗi liên kết với diện tích 779 ha.

- Lĩnh vực chăn nuôi: hình thành chuỗi liên kết nuôi gia công 8.340 heo thịt , 100.000 gà thịt và 90.000 vịt thịt với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam.

- Lĩnh vực thủy sản: có 09 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm 57 hộ nuôi với diện tích 188 ha.

Đặc biệt, trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, các hoạt động tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Tổ Xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản (Quyết định số 472/QĐ-SNNPTNT ngày 08/7/2021). Kết quả, Tổ đã kết nối tiêu thụ 17.890 tấn lúa, nếp, 1.863 tấn rau, màu, 821,6 tấn trái cây, 2.078 tấn thủy sản và 316.000 quả trứng gia cầm.

Song song đó, Tổ Xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản cũng đã hỗ trợ nhiều hoạt động khác như:

- Thường xuyên cập nhật thông tin (địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm, sản lượng, giá bán,…) của các hộ dân cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ để phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Viettel, Bưu điện, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn và các đơn vị kết nối, thu mua nông sản khác để hỗ trợ kết nối tiêu thụ.

- Hỗ trợ kết nối với Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT tiêu thụ 41.900 combo với người dân TPHCM, Bình Dương.

- Phối hợp với Viettel An Giang đưa lên sàn thương mại điện tử https://voso.vn các sản phẩm như bắp, khoai cao, đậu nành rau, nhãn, chanh, quýt, cam và bưởi.

- Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển và hỗ trợ xin “luồng xanh” cho hơn 10 công ty, HTX với số lượng hơn 100 xe, ghe và phương tiện vận chuyển khác.

Bà con rất lo ngại tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Ðề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh và Chính quyền địa phương có giải pháp chống dịch hiệu quả hơn nữa nhằm tránh lây lan trong cộng đồng làm ảnh hưởng đời sống của Nhân dân và phát triển kinh tế.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 thời gian qua diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các huyện An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch tại các địa phương này, ngành Y tế đã huy động nhân lực của các cơ sở y tế tuyến tỉnh, quân sự và sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế tham gia hỗ trợ công tác tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 02 xe xét nghiệm lưu động đến các địa phương thực hiện xét nghiệm nhằm trả kết quả sớm nhất. Lực lượng Công an, quân sự tham gia truy vết, khoanh vùng kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch. Nhờ đó, đến nay tình hình dịch bệnh ở các địa phương này cơ bản được kiểm soát, số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng giảm.

Đề nghị tỉnh nghiên cứu xem xét mở rộng đối tượng, nâng số lượng rước công dân về địa phương sau mỗi đợt tổ chức, ưu tiên cho các em học sinh để về học. Vì hiện nay nhiều bà con lao động tại các tỉnh đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp có nhu cầu được trở về quê hương và thân nhân ở quê cũng rất nôn nóng được đón người thân của mình sớm về đoàn tụ với gia đình.

Chủ trương đón công dân An Giang trở về địa phương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất, trong đó: ưu tiên cho các nhóm đối tượng: “Người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, học sinh về nhập học, người đi khám, chữa bệnh”. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Tổ chức đón công dân và đã tiến hành đón công dân về đợt 1 với số lượng 233 người đang sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồn Nai và Long An (đã hoàn thành cách ly tập trung, trở về địa phương).

Ban Tổ chức đón công dân đang lên kế hoạch đón công dân trở về địa phương đợt 2 với số lượng dự kiến 500 người. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/10/2021 đến ngày 13/10/2021, thực hiện chủ trương của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đặc biệt là Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 30/9/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người dân từ các tỉnh, thành phố tự phát về An Giang trên 54.000 người. Vì vậy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Tiểu ban tiếp nhận và xét duyệt) đang rà soát tổng hợp lại danh sách người dân đăng ký.

Đề nghị ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu và có các giải pháp để thực hiện tốt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã là pháo đài trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung: “phải có đầu tư Trạm y tế lưu động” để các xã chủ động hơn khi có dịch bùng phát, vì trong thời gian qua các xã trên địa bàn huyện Thoại Sơn chưa được đầu tư.

- Việc đầu tư các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được ngành rất quan tâm và đầu tư, trong đó có các Trạm Y tế tại huyện Thoại Sơn (tính đến cuối năm 2020 các Trạm Y tế của huyện Thoại Sơn đều đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế);

- Việc đầu tư Trạm Y tế lưu động được thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, như sau:

+ Việc thành lập Trạm Y tế lưu động do Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập.

+ Cơ sở làm việc: Tùy theo điều kiện của địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho trạm y tế lưu động làm việc, có thể lựa chọn nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn... Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho trạm hoạt động. Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, có thu gom rác thải y tế và có chỗ ngủ cho nhân viên y tế.

+ Về số lượng Trạm Y tế lưu động: Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.

Ðề nghị tỉnh tranh thủ nguồn vắc xin sớm triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho toàn dân để đạt miễn dịch cộng đồng ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh ổn định cuộc sống. Bởi vì, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tỉnh đang thực chủ trương đón những người về từ vùng dịch đây là một chủ trương đúng đắn và mang tính nhân văn, nhưng cử tri không khỏi lo ngại việc lây lan dịch bệnh từ những người này làm cho tình hình dịch bệnh càng phức tạp thêm.

  Đề nghị tỉnh có kế hoạch phân bổ nguồn vắc xin đảm bảo theo dân số của tỉnh, nhất là địa bàn huyện biên giới đang trong thời gian cao điểm dịch bùng phát.

Vắc xin phòng COVID-19 đóng vai trò quan trọng công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thời gian qua, lượng vắc xin do Bộ Y tế phân bổ cho địa phương với số lượng hạn chế, việc tổ chức tiêm chủ yếu cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, đến nay tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 477.000 liều vắc xin (bao gồm cả mũi 2). Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm việc tiêm vắc xin cho người dân, luôn tranh thủ ngoại giao vắc xin với Chính phủ, Bộ Y tế, do đó thời gian tới tỉnh sẽ có hơn 1 triệu liều vắc xin. Hiện ngành Y tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm cho người dân, trong đó ưu tiên cho các đối tượng nguy cơ cao, tiếp xúc nhiều người và người dân ở các địa phương có dịch.

Đề nghị tỉnh sớm chi hỗ trợ cho lao động tự do theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh (hiện nay đã chi hỗ trợ cho người bán vé số, còn các đối tượng khác chưa được hỗ trợ).

Hiện nay UBND thị xã Tân Châu và huyện Châu Phú đã và đang khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành chi hỗ trợ cho người lao động, kết quả thực hiện đến ngày báo cáo như sau: huyện Châu Phú đã chi 15.734/17.192 người lao động với kinh phí 23.601.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 91,51%); thị xã Tân Châu đã chi 3.551/18.507 người lao động với kinh phí 5.326.500.000 đồng (đạt tỷ lệ 19,19%).

Đề nghị tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ hơn tại cửa ngõ vào của tỉnh, thành phố để kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo công tác phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”. (cử tri Long Xuyên)

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh còn phức tạp, nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài, các chốt kiểm soát ở các cửa ngõ vào tỉnh luôn tổ chức chặt chẽ, duy trì trực 24/24 để kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh. Người vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh trong vòng 24 giờ. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, đồng thời kịp thời báo với cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp người lạ mặt, người về từ vùng dịch ở địa phương.

Đề nghị tỉnh quan tâm có chính sách hỗ trợ thêm chế độ BHXH và BHYT cho những người làm việc ở Hội Chữ Thập đỏ, Hội Khuyến học, Hội Người Cao tuổi và phó khóm Quân sự. Đặc biệt, là lực lượng Phó khóm Quân sự hiện đang tham gia phòng chống dịch, luôn trong tình trạng nguy hiểm (vì Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh An Giang ngày 10/7/2020 các chức danh này không còn hưởng các chế độ về bảo hiểm nên gặp nhiều khó khăn).

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Long Xuyên, khi nào Trung ương ban hành các quy định điều chỉnh thay đổi liên quan đến đối tượng hoạt động tại cơ sở (Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019, Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019), Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi thay thế Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND và các quy định liên quan đến hội đặc thù, chế độ, chính sách lực lượng dân quân tự vệ đúng theo quy định.

Nguồn: Báo cáo số 645/BC-UBND