Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 7 HĐND tỉnh

Ngày đăng 23/07/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh về “tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay, hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp và giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới”?
Responsive image

Ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

trả lời chất vấn tại kỳ họp

 

Kết quả quan trắc môi trường hàng năm cho thấy tổng quan về môi trường tỉnh cơ bản được kiểm soát, các chỉ số về môi trường nền đạt chuẩn cho phép trong bộ tiêu chuẩn môi trường Việt nam. Tuy nhiên, cục bộ trên địa bàn tỉnh còn tồn tại ô nhiễm môi trường trong các hoạt động kinh tế, hoạt động công cộng.

Thứ nhất, ô nhiễm môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế

Trong lĩnh vực nông nghiệp

Ô nhiễm môi trường nước mặt các kênh, rạch nội đồng do hoạt động sản xuất nông nghiệp có sử dụng nhiều phân bón, các vùng nuôi thuỷ sản có nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn. Ô nhiễm môi trường nước mặt nhiều nhất ở các kênh, rạch: Kênh xáng A-B, Kênh Tha La giáp kênh xáng Vịnh Tre, Kênh Cầu Sắt Hữu Nghị, Kênh Mặc Cần Dưng giáp Kênh Bốn Tổng, Kênh Mặc Cần Dưng giáp Kênh xáng Cây Dương, Kênh Tám ngàn giáp Kiên Giang, Kênh Rạch Giá - Long Xuyên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm có chương trình khuyến nông, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mô hình giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; Có kế hoạch bảo vệ môi trường lĩnh vực, ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2023.

 

Responsive image

 

Ô nhiễm môi trường từ rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (ước khoảng 500 tấn/năm) do chưa được thu gom xử lý triệt để. Xử lý vấn đề này rất tốn kém ngân sách, ước tính mỗi năm khoảng 70-100 tỷ. Hiện tại, UBND tỉnh đã phê duyệt cho thí điểm thu gom, xử lý cho 04 xã của 02 huyện, đang tiếp tục mở rộng mô hình cho thêm 10 xã của 05 huyện và cuối năm 2018 sẽ tổng kết nhân rộng toàn tỉnh. Ô nhiễm môi trường không khí do mùi hôi từ các khu vực chăn nuôi tập trung chủ yếu tại xã Lương An Trà và Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các ngành và địa phương dự thảo Kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Trong hoạt động dịch vụ du lịch

Ô nhiễm môi trường từ rác thải ảnh hưởng cảnh quan các khu du lịch do du khách và các hộ kinh doanh vứt bừa bãi, thiếu thiết bị gom rác,… nhất là vào lúc cao điểm tại các khu Núi Cấm và Núi Sam. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền, vận động nhắc nhở các hộ kinh doanh trong khu du lịch và du khách về bảo vệ môi trường.

Trong các hoạt động sản xuất, công nghiệp, xây dựng

Theo quy định pháp luật về môi trường thì các cơ sở sản xuất kinh doanh có xả nước thải thì phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải (Riêng trong khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn thì cơ sở có nước thải đấu nối vào hệ thống xử lý này). Hệ thống xử lý nước thải phải được chạy thử nghiệm để phân tích hiệu quả xử lý và được chấp thuận của cơ quan thẩm quyền. Quá trình hoạt động cơ sở phải báo cáo định kỳ chất lượng đầu ra cho cơ quan chức năng và chịu sự giám sát của người dân và thanh tra kiểm tra khi có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

Đến nay chỉ có Khu công nghiệp Bình Hoà đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường và các cơ sở đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung này. Còn lại 01 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung, các cơ sở trong khu cụm công nghiệp này tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng và chưa có xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng có ô nhiễm từ mùi hôi ảnh hưởng đến xung quanh ở Khu công nghiệp Bình Long, do nhà máy chế biến phụ phẩm Kovie Vina hoạt động gây ra. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và địa phương đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu khắc phục. Đồng thời UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu công ty phải khẩn trương xử lý dứt điểm tình hình ô nhiễm mùi hôi này trước ngày 15/7/2018.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 128 cơ sở sản xuất thuộc trường hợp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, có 68 cơ sở đã đầu tư hoàn chỉnh, 21 cơ sở đang thử nghiệm, 39 dự án đang giai đoạn triển khai dự án (chưa hoạt động). Trong đó, có 12 cơ sở trong khu công nghiệp (100% đã được đầu tư hoàn chỉnh), còn lại 116 cơ sở ngoài khu công nghiệp.

Công tác thanh kiểm tra về bảo vệ môi trường của các ngành trong những năm qua đã phát hiện và xử lý một số trường hợp tồn tại, vi phạm về chất lượng xử lý nước thải không đạt quy chuẩn môi trường cho phép, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp chế biến thủy sản và khu công nghiệp. Sau khi bị xử lý, các đơn vị đã có biện pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải và báo cáo khắc phục đã thể hiện kết quả giám sát nước thải định kỳ đạt quy chuẩn, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục giám sát đối với các đơn vị này và sẽ tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang cùng với UBND các huyện xử lý 2 trường hợp xả thải vượt chuẩn, chưa qua xử lý ở huyện Châu Phú và thành phố Long xuyên.

Ô nhiễm môi trường không khí từ khói, bụi ở các khu vực lò gạch thủ công, tập trung tại xã Nhơn Mỹ - huyện Chợ Mới, TT. An Châu và xã Hoà Bình Thạnh – huyện Châu Thành, do các lò gạch thủ công này chưa có giải pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn. Từ năm 2014, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch tổ chức triển khai phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020.

Thứ hai, tình hình ô nhiễm môi trường công cộng

Ô nhiễm nước mặt tại các đô thị, cụm tuyến dân cư ven sông

Tỉnh có 20 đô thị và hơn 240 cụm tuyến dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (trừ TP. Châu Đốc đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 1 phần thành phố và TP. Long Xuyên đang xây dựng), toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt của dân cư thải trực tiếp làm ảnh hưởng chất lượng nước mặt sông, kênh, rạch. Nhất là các đô thị, cụm tuyến dân cư ven sông, kênh, rạch bị tác động nhiều nhất, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng rà soát, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các đô thị, cụm tuyến dân cư trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, xử lý nước thải cụm tuyến dân cư theo thiết kế mẫu đã được UBND tỉnh phê duyệt để hạn chế gia tăng ô nhiễm.

Ngoài ra, còn có 21 đoạn kênh, rạch ô nhiễm môi trường nằm trong nội ô đô thị Long Xuyên, Châu Đốc, Tri Tôn và Châu Phú. UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch khắc phục, xử lý các đoạn kênh, rạch ô nhiễm này.

Ô nhiễm từ các bãi rác sinh hoạt chưa xử lý triệt để

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh là 1.128 tấn/ngày, khu vực đô thị khoảng 505 tấn/ngày (chiếm 44,8%) và khu vực nông thôn 623 tấn/ngày (chiếm 55,2%). Thu gom, xử lý được 812 tấn/ngày đạt 72%. Rác được thu gom và xử lý tại 3 khu hố chôn lấp hợp vệ sinh (Bình Hoà - Châu Thành; Kênh 10 - Châu Đốc và Phú Thạnh - Phú Tân).

Có 09 bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã thực hiện đóng lấp 05 bãi còn 04 bãi đang thực hiện xử lý. Việc đóng lấp các bãi rác là giải pháp khắc phục ô nhiễm rất tốn kém. Hiện tại, 01 bãi đang đóng lấp giai đoạn 2, còn 03 bãi đang tranh thủ vốn Trung ương.

Để khắc phục ô nhiễm rác thải căn cơ cần phải đầu tư nhà máy xử lý rác. Việc này, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì lựa chọn nhà đầu tư 03 nhà máy xử lý rác cho tỉnh và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang đầu tư 03 nhà máy đốt rác, nhưng công việc này còn chậm chưa đồng bộ với tiến độ đóng lấp các bãi rác trong thời gian tới.

Ô nhiễm môi trường nước thải đối với các chợ, khu thương mại, ... 

Ô nhiễm môi trường nước thải từ các chợ do đa số các chợ nhỏ lẻ chưa có hệ thống xử lý nước thải, chỉ có 13 dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, có yêu cầu đầu tư hệ thống xử lý nước thải và giám sát môi trường định kỳ. UBND tỉnh đang ưu tiên cân đối kinh phí thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để cải tạo nâng cấp các chợ cho đạt chuẩn, đảm bảo môi trường.

Ô nhiễm khói bụi ở các khu đô thị

Ô nhiễm không khí ở các khu đô thị do tiếng ồn và bụi, nhất là khu vực Long Xuyên. Dù chưa nghiêm trọng nhưng UBND cấp huyện cần đưa vào Kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, một số khó khăn trong bảo vệ môi trường hiện nay là:

Nguồn chi cho thu gom và xử lý rác sinh hoạt còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước bù đắp, các nguồn thu lại từ người xả thải không đủ chi cho công tác thu gom; chỉ có thu phí thu gom, vận chuyển chưa có cơ chế, quy định thu phí xử lý rác thải sinh hoạt nên chưa hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư xử lý rác sinh hoạt. Thiếu cơ chế chính sách, nguồn lực nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trong khi ngân sách không đảm bảo cho đầu tư này; Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp xin đầu tư, mở rộng bên ngoài khu, cụm công nghiệp nên khó đảm bảo kiểm soát được hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhà trên sông kênh rạch còn rất nhiều làm ảnh hưởng đến hai vấn đề là: xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và sạt lở. Tuy nhiên, không có nguồn lực di dời, đây cũng là việc khó khăn cho cấp huyện. Các khu điểm du lịch còn nhiều thành phần dân cư, doanh nghiệp và địa phương quản lý dẫn đến nhiều mâu thuẫn chưa giải quyết được nên hiệu quả quản lý về môi trường chưa tốt, cần có quy chế quản lý, bảo vệ môi trường.

Việc xử lý các bãi rác, nước thải và các khu điểm ô nhiễm môi trường cần nguồn kinh phí rất lớn, cần phải tranh thủ nguồn vốn lớn của Trung ương. Ngoài khu công nghiệp Bình Hoà thì tất cả các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn vốn để đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung.

Các đô thị, khu cụm tuyến dân cư tập trung, chợ ven sông, kênh, rạch không có thu gom xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tác động trực tiếp đến môi trường nguồn nước mặt và việc đầu tư xử lý nước thải tập trung này cũng cần nguồn vốn lớn. Nguồn thu và cân đối kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường quá ít (năm 2018 chi cho cấp tỉnh 10 tỷ và các huyện, thị, thành phố 112 tỷ), chưa đáp ứng được các nhu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xử lý môi trường của các địa phương. Tập trung kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, công nghiệp nhưng công tác kiểm tra xử phạt đối với bảo vệ môi trường nơi công cộng còn ít, chưa quyết liệt nên việc chấp hành bảo vệ môi trường đối với khu vực này chưa tốt.

Đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.

Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các sở, ngành cần tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, ngành Công thương đẩy nhanh đầu tư các khu, cụm công nghiệp để hạn chế tối đa dự án sản xuất, công nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp, xen kẽ khu dân cư.

Ngành Xây dựng triển khai quy hoạch chất thải rắn, khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt đồng bộ với lộ trình đóng lấp bãi rác; Đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, cải tạo chỉnh trang các đoạn kênh, rạch nội ô cho các đô thị và các khu dân cư tập trung; Chủ trì hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng đề án di dời nhà xây cất trên sông, kênh, rạch.

Đồng thời, tỉnh cần tăng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường nhiều hơn, nhất là kinh phí để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường; Tiếp tục tranh thủ vốn Trung ương để xử lý triệt để các bãi rác ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại trên địa bàn tỉnh.

Ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành giám sát chặt chủ trương đầu tư các dự án, các dự án có tác động môi trường thì cần phải có khoảng cách, xử lý môi trường. Không cho đầu tư các loại hình sản xuất, công nghệ lạc hậu có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường và con người. Điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh làm cơ sở để kiểm soát đầu tư giảm thiểu tác động môi trường.

Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần có quy chế bảo vệ môi trường đối với các khu điểm du lịch và tổ chức lễ hội.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung phải đảm đảm bảo xa dân cư, nguồn nước sinh hoạt để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục duy trì, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp và kiểm tra trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý nhà nước; Rà soát, hậu kiểm việc khắc phục các tồn tại của các cơ sở, doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc nghiêm túc khắc phục các tồn tại, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện của người dân, các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và báo đài; Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, liên tịch bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức gắn với kiểm tra trách nhiệm và xử phạt nghiêm.

Đề xuất Trung ương đầu tư thêm hệ thống nhà trạm và thiết bị quan trắc môi trường, quan trắc môi trường tự động cho tỉnh.

Đặc biệt là các Sở, ngành và địa phương chủ động, tăng cường trách nhiệm kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường trong ngành và địa phương mình./.

NGUYỄN NGUYỄN