Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

An Giang: Tình hình thực thi pháp luật trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh

Ngày đăng 11/12/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Chiều ngày 09/12/2019, Báo cáo thẩm tra về tình hình thực thi pháp luật năm 2019 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, trình tại diễn đàn kỳ họp thứ 12 đã thống nhất nhận định:

Trong năm 2019, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và đồng thuận của nhân dân, sự cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững, cụ thể như sau:

Các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của đơn vị, nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức. Năm 2018, chỉ số cải cách hành chính Par Index xếp hạng 08/63 tỉnh, thành phố (bằng thứ hạng với năm 2017).

 

Responsive image
 

Công tác trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các địa bàn, mục tiêu trọng yếu được thực hiện nghiêm ngặt; đã tổ chức thực hiện tốt công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được đánh giá đúng quy định pháp luật và các hướng dẫn của Hội đồng nghĩa vụ Quân sự tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh có 1.200 thanh niên trong tỉnh trúng tuyển, tham gia nghĩa vụ quân sự.

Tiếp tục duy trì và tăng cường mối quan hệ đối ngoại với các Tổng lãnh sự quán các nước tại thành phố Hồ Chí Minh. Quan hệ đối ngoại, hợp tác với các tỉnh giáp biên giới tiếp tục phát triển tốt, tăng cường hợp tác công tác phòng chống tội phạm biên giới. Về phạm pháp hình sự xảy ra 243 vụ, giảm 6,89% so cùng kỳ. Trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018: Tai nạn giao thông xảy ra 59 vụ, làm 55 người chết, 27 người bị thương, số vụ giảm 22,3%, số người chết giảm 27,6%, số người bị thương giảm 34,2% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cụ thể như sau:

Công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm… phát hiện bắt giữ 1.098 vụ, tăng 7,7% so cùng kỳ. Đã ra quyết định khởi tố 22 vụ, liên quan 25 bị can và xử phạt vi phạm hành chính 270 đối tượng, số còn lại đang củng cố hồ sơ xử lý.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy: Phát hiện, bắt giữ 150 vụ, tăng 19,04% so với cùng kỳ. Ra quyết định khởi tố 105 vụ, 140 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ, 19 đối tượng, tiếp tục xác minh 35 vụ, 34 đối tượng để xử lý. Tính đến ngày 14/10/2019, toàn tỉnh đang quản lý 4.999 người nghiện ma túy có hồ sơ, giảm 353 người (4.999/5.352).

Tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường: Qua kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2019; kiểm tra các hoạt động săn bắt, mua, bán, nuôi nhốt, vận chuyển động vật hoang dã; đánh bắt thủy sản bằng ngư cụ cấm, khai thác cát, sỏi, hoạt động nhập phế liệu, chất thải nguy hại… Kết quả phát hiện, lập biên bản tăng 42,1% (479/337 trường hợp vi phạm) so cùng kỳ. Đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 474 trường hợp (thu 3,08 tỷ đồng). Số còn lại đang tiếp tục xử lý.

Công tác phòng chống tham nhũng được triển khai thực hiện toàn diện và tích cực hơn. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng được tăng cường và ngày càng đi vào thực chất. Việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua đã góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực và các ngành, các cấp, đặc biệt là các ngành, các lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, tinh vi. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, đơn vị còn yếu, nặng tính hình thức, còn nể nang. Chưa phát huy tốt tính tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân trong đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng để kịp thời phát hiện xử lý tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 02 vụ liên quan 03 đối tượng có dấu hiệu hành vi tham nhũng, với số tiền 1.150,31 triệu đồng. Ngoài ra tỉnh đang tiếp tục xử lý, giải quyết 08 vụ, 15 đối tượng thuộc các vụ việc của những năm trước. Đến nay, đã xét xử 06 vụ, khởi tố 01 vụ, 01 vụ đang trong giai đoạn thụ lý, giải quyết theo quy định pháp luật.

Công tác Thanh tra: Thanh tra hành chính, toàn ngành đã thực hiện 71 cuộc thanh tra hành chính, qua đó phát hiện 40/140 đơn vị sai phạm, đã thu nộp ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng và 31.501m2  đất. Tổ chức 220 cuộc thanh tra chuyên ngành, trong đó 114 cuộc có thành lập đoàn, 106 cuộc thanh, kiểm tra độc lập. Qua đó phát hiện 5.333 tổ chức cá nhân vi phạm, thu nộp hơn 5,56 tỷ đồng. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã tiếp 6.998 lượt người, tăng 11% so với cùng kỳ, (tăng 766 lượt người). Tiếp nhận 1.650 đơn, giảm 8% so với cùng kỳ (giảm 146 đơn). UBND tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằ giúp người dân ổn định cuộc sống và ổn định tình hình khiếu nại tại địa phương.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, kịp thời ban hành các kết luận, kiến nghị để khắc phục những mặt hạn chế, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã ban hành 06 kiến nghị yêu cầu khắc phục những vi phạm trong giai đoạn xét xử, 05 kháng nghị đối với các Bản án vi phạm, kết quả Tòa án chấp nhận kháng nghị đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, ngành cần tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và đảm bảo các vụ án còn tồn đọng phải được xử lý ngay khi có đủ căn cứ, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Trong năm 2019, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 12.301 vụ, đã giải quyết 8.193 vụ, đạt 66,60%. So với cùng kỳ, thụ lý tăng 563 vụ (12.301/11.738 vụ), giải quyết xong tăng 230 vụ (8.193/7.963 vụ). Nhìn chung, kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ, việc đều đảm bảo chất lượng; quan tâm đến việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Các phán quyết của Hội đồng xét xử căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan các chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên, vẫn còn 439 vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử (trong đó đáng chú ý Tòa án huyện Chợ Mới 112 vụ, Tòa án Long Xuyên 208 vụ). Trong số 386 vụ được Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo trình tự phúc thẩm đối với bản án có kháng cáo, bị kháng nghị của cấp huyện thì hủy án 14,5 vụ và sửa án 117 vụ, y án 239 vụ.

Trong năm 2019, tổng số phải thi hành là 20.480 việc, với số tiền 4.383 tỷ đồng. Trong đó, án có điều kiện giải quyết là 14.887 việc, với số tiền 1.710 tỷ đồng, đã giải quyết xong 11.124 việc (đạt 74,72%), với số tiền 661 tỷ đồng (đạt 38,67%). Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 405 trường hợp, tăng 79 trường hợp so với cùng kỳ; có 10 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, nên số việc phải tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng chuyên ngành 69 cuộc, tăng 28 trường hợp so với cùng kỳ. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số đơn vị chưa kịp thời báo cáo, chưa tranh thủ sự phối hợp của liên ngành, của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự; Tổng thụ lý về việc so với cùng kỳ tăng 1.590 việc (tăng 8,42%), về tiền tăng 376,5 tỷ đồng (tăng 9,4%); tính chất vụ việc ngày càng khó khăn, phức tạp; phần lớn các tài sản đảm bảo trong các vụ án đã kê biên, định giá, bán đấu giá nhưng chưa bán được...

 

Qua đó Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị đối với Công an tỉnh, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư nhằm phát huy tốt tính hiệu quả, tác dụng thực tế của công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng phạm tội của các đối tượng ngay từ ban đầu, từ cơ sở.

Đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, tiếp tục chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự có biện pháp giải quyết án; tập chung xác minh, xử lý kịp thời các án đã thụ lý có thời gian kéo dài, án có điều kiện thi hành.

Đối với Thanh tra tỉnh, tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh trong công tác tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tích cực phối hợp với các Đoàn, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh, mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết.

 

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra các sở, ngành, địa phương thực hiện đúng việc chi chế độ hỗ trợ cho người tiếp công dân theo Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 12/6/2017 của UBND tỉnh về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân trên địa bàn tỉnh An Giang. Chỉ đạo UBND cấp huyện và các Sở, ngành thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thu hành Luật Phòng, chống tham nhũng (trước đây thực hiện theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức).

Đề nghị Ban chỉ đạo 389 của tỉnh có giải pháp xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và hạn chế tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe gắn máy chạy với tốc độ cao trên quốc lộ 91./.

NGUYỄN NGUYỄN