Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang

Ngày đăng 08/12/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng ngày 07/12/2021, Báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang trong đợt dịch lần thứ 4, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Phước trình bày tại kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy:
Responsive image
Đồng chí Lê Văn Phước, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả tại kỳ họp

 

Tỉnh An Giang tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương. Đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch (UBND tỉnh, thành viên là các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Chỉ đạo tiếp tục tổ chức xét nghiệm diện rộng để sàng lọc F0, huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương có nhiều ổ dịch lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.

Thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng chống, dịch COVID-19 tỉnh, tổ chức trực 24/24 để kịp thời giải quyết các tình huống.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Công tác y tế

Công tác giám sát:

Tổ chức tốt công tác giám sát, quản lý cách ly tập trung. Tính đến ngày 21/10/2021, toàn tỉnh tổ chức cách ly như sau:

Cách ly tập trung: Hiện còn quản lý 9.373 trường hợp. Lũy kế số trường hợp hoàn thành cách ly tập trung: 50.111 trường hợp.

Cách ly tại nhà: Hiện còn quản lý 11.068 trường hợp. Lũy kế số trường hợp hoàn thành cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 54.536 trường hợp.

Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly tập trung, các khu vực phong tỏa, đồng thời hướng dẫn các đối tượng cách ly tại nhà chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác xét nghiệm:

Tổng số mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 212.473 mẫu.

Toàn tỉnh có 07 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR bố trí tại 03 đơn vị gồm Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang. Bên cạnh đó, đang triển khai thêm 04 hệ thống xét nghiệm PCR tại 02 bệnh viện tỉnh và 02 Trung tâm Y tế huyện.

Ngày 16/9/2021, tỉnh tiếp nhận 02 xe xét nghiệm lưu động do Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc, xử lý các ổ dịch tại các huyện.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Nhật Tân được Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh công nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. 

Công tác điều trị:

- Tỉnh triển khai cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 03 tầng. Tổng số cơ sở điều trị COVID-19 của tỉnh là 30 cơ sở, với tổng số 3.556 giường. Trong đó:

+ Tầng 1, tầng 2: Có 25 cơ sở tại Trung tâm y tế tuyến huyện, Phòng khám đa khoa khu vực và Cơ sở cách ly tập trung điều trị bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ và trung bình. Một số cơ sở lồng ghép tầng 1 và tầng 2 trong một cơ sở, nhưng có phân khu vực riêng biệt giữa tầng 1 và tầng 2.

+ Tầng 3: Có 05 bệnh viện tuyến tỉnh. Hiện có 03 Bệnh viện đang hoạt động gồm Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

- Xây dựng Kế hoạch đảm bảo Oxy cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Tiếp nhận trạm sản xuất Oxy do Quỹ từ thiện Hằng Hữu hỗ trợ, bố trí tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân.

- Xây dựng Kế hoạch triển khai Trạm Y tế lưu động. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có Trạm Y tế lưu động, sẵn sàng triển khai chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà khi cần.

Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Tính đến ngày 21/10/2021.

Tính đến ngày 21/10/2021, An Giang được Bộ Y tế phân bổ 997.050 liều vắc xin; đã có 58,10% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 01 liều vắc xin và 10,30% người được tiêm đủ 2 liều.

Công tác an ninh, trật tự xã hội

Tình hình an ninh, trật tự tại địa phương được ổn định, không xảy ra các tình huống diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch. Lực lượng Công an phát huy tốt vai trò giữ gìn an ninh trật tự, đặc biệt thể hiện rõ trong các đợt đón công dân về tỉnh tự phát trong thời gian qua.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát vẫn còn một số cá nhân vi phạm về không đeo khẩu trang, về thực hiện giãn cách xã hội. Lũy kế số vụ vi phạm đến ngày 21/10/2021: 111.139 vụ, tổng số tiền phạt: 10.120.450.000 đồng.

Công tác an sinh xã hội

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của 219.838 người, 1.633 doanh nghiệp, 583 hộ kinh doanh, tổng số tiền là 266.896.243.224 đồng, trong đó:

Quyết định hỗ trợ cho 219.838 người, 1.633 doanh nghiệp, 583 hộ kinh doanh, với tổng số tiền là 266.896.243.224 đồng.

Thực hiện hỗ trợ cho 98.943 người, 1.633 doanh nghiệp, 176 hộ kinh doanh, với tổng số tiền là 82.292.838.224 đồng.

Tiếp nhận và phân bổ gạo cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng số 3.362,280 tấn gạo cho 224.152 người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID19 (người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân có hoàn cảnh khó khăn).

Hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em: Vận động đóng góp của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết như: sữa, bánh,… cho 519 phụ nữ mang thai và 5.203 trẻ em với số tiền trên 1,0 tỷ đồng.

Với quan điểm không để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế lâm vào cảnh không có lương thực, thực phẩm phục vụ cho đời sống hằng ngày, đến thời điểm này thì 11 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức thực hiện mô hình “cửa hàng 0 đồng”, “chuyến xe 0 đồng”, “quầy hàng 0 đồng”, “chuyến xe yêu thương”,… với 190 địa điểm ở xã, phường, trị trấn, trong đó tập trung chủ yếu các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mì gói, rau, củ quả, nước tương, bột ngọt, dầu ăn, hột gà, hột vịt, khẩu trang, quần áo,… đã hỗ trợ trên 449.258 lượt hộ dân, với giá trị trên 46.618 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cho trên 192.630 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình tại nơi bị phong toả, dụng cụ, vật tư y tế… với tổng số tiền trên 108.422 triệu đồng tiền (tiền mặt và hàng hóa quy ra tiền).

Về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân về từ các tỉnh:

 Tỉnh thống nhất hỗ trợ tiền ăn đối với công dân An Giang ngoài tỉnh tự phát về địa phương đang thực hiện cách ly tập trung với định mức 40.000 đồng/người/ngày trong vòng 07 ngày, tính từ ngày 03/10/2021 từ nguồn ngân sách. Hỗ trợ 500 triệu đồng/huyện và mua 200 tấn gạo từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán tỉnh An Giang để hỗ trợ các huyện trong công tác đón công dân về địa phương.

Công tác tài chính, hậu cần

Tổng số kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 là 785.991 triệu đồng, trong đó:

Kinh phí thực hiện cách ly y tế và các chế độ phòng, chống dịch COVID-19: 68.339 triệu đồng.

Kinh phí mua thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, chi phí tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19: 660.539 triệu đồng.

Kinh phí xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, cơ sở thu dung điều trị, khu cách ly: 57.113 triệu đồng.

Công tác sản xuất và lưu thông hàng hóa:

Triển khai Kế hoạch phương án “3 tại chỗ” cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Tình hình thị trường hàng hóa ổn định, không xảy ra tình trạng biến động hay khan hiếm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động lại với hình thức bán mang đi hoặc giao hàng tại nhà; tại các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, nguồn cung hàng hoá thiết yếu dồi dào, giá cả bình ổn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, phòng chống dịch của người dân.

Về hoạt động kinh doanh bằng các hình thức bán hàng online, đi chợ hộ… của các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn duy trì hoạt động và hiệu quả tốt. Nguồn hàng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích khá dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân. Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại với hình thức bán mang về, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa (có đăng ký và không đăng ký “Luồng xanh”) lưu thông qua chốt kiểm soát dịch, đồng thời phải đảm bảo kiểm soát người điều khiển phương tiện, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc xếp đi theo xe thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Công tác vận động, huy động xã hội

Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức lễ phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19; tính đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ số tiền trong đợt dịch lần thứ 4 là 25,43 tỷ đồng (lũy kế đến nay là trên 49,5 tỷ đồng tiền mặt) của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đến thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ các Đồn biên phòng và chốt phòng chống dịch bệnh COVID-19 và 250 hộ dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 với số tiền trên 890 triệu đồng.

 Vận động các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia 12 tấn gạo, 1.250 thùng mì gói, 20 lốc nước suối, 10 thùng khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn, trị giá khoảng 200 triệu đồng để trao tặng lại cho người dân Việt kiều gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tiếp nhận tài trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức:

 Trang thiết bị: 03 hệ thống xét nghiệm PCR, 02 xe tiêm chủng lưu động, 03 máy thở đa năng, 82 máy thở HFNC, 1.800 máy tạo Oxy, 200 máy đo SPO2, 1.500 bình Oxy.

Sinh phẩm xét nghiệm: 40.000 kit xét nghiệm PCR, 652.000 test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Ngoài ra, còn tiếp nhận nhiều vật tư y tế, phương tiện phòng hộ và đã phân bổ cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Về các giải pháp phòng, chống dịch:

Tỉnh An Giang tiếp tục quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế theo nguyên tắc “mỗi xã, phường là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương, đơn vị.

Kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ, quyết không để dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh. Hạn chế phát sinh thêm các cổ dịch mới; thu hẹp vùng đỏ, vùng cam; mở rộng vùng xanh.

Tăng cường năng lực điều trị các tuyến, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Định kỳ đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế để có biện pháp thích ứng phù hợp.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống dịch, giúp cho người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng, ưu tiên phân bổ vắc xin cho các địa phương có nhiều trường hợp bệnh trong cộng đồng.

Đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân an tâm thực hiện các biện pháp chống dịch của địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông.

Qua đó, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cho địa phương về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 để làm cơ sở thực hiện.

Tỉnh An Giang là địa phương giáp biên giới Campuchia, có nguồn thu ngân sách từ kinh tế địa bàn hằng năm thấp. Hằng năm, nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương trên 50% nhu cầu chi ngân sách địa phương. Do đó, đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho An Giang trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; mua thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất làm cơ sở điều trị và khu cách ly tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 để địa phương có nguồn thực hiện./.

NGUYỄN NGUYỄN