Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

An Giang: Thực hiện đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh

Ngày đăng 09/12/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng ngày 09/12/2019, Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Nưng trình bày tại diễn đàn kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy: Kết quả kinh tế - xã hội tỉnh năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, ước thực hiện đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (đạt 100% chỉ tiêu), trong đó có 08 chỉ tiêu đạt và 05 chỉ tiêu vượt. Cụ thể:

Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước thực hiện năm 2019 (theo giá so sánh 2010) tăng 7,02% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 5,23%). Trong mức tăng 7,02% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,65% (cao hơn mức tăng 1,83% của cùng kỳ năm 2018) đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,40%, (cao hơn mức tăng 7,81% của cùng kỳ năm trước), đóng góp 1,39 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 8,90%, (cao hơn mức tăng 6,60% của cùng kỳ năm trước) đóng góp 4,67 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

 

Responsive image

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng báo cáo kết quả thực hiện

 

 Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020

Về cơ cấu kinh tế năm 2019, tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực và dần ổn định (khu vực I ngày càng giảm và khu vực II, III tăng dần qua các năm), cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 28,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 15,13%; khu vực dịch vụ chiếm 55,09%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 1,61%. Ước đến cuối năm 2019, tỉnh có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26% hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hôn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.

 

Tổng mức bán buôn bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 216.593 tỷ đồng, tăng 12,29% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh tăng 3,42%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 890 triệu USD, đạt 100% so kế hoạch và tăng 5,95% so cùng kỳ năm trước. Trong năm qua, An Giang đón khoảng 9,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 8,24% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 100% so với kế hoạch năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 120 nghìn lượt tăng 20% so với cùng kỳ (cùng kỳ 100 nghìn lượt); Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm và tăng 14,58% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ 4.800 tỷ đồng).

 

Ngành giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, triển khai đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa và phương pháp dạy và học. Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường, nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng; Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được đẩy mạnh.

 

Từ đầu năm đến nay, giải quyết cho trên 30.000 lao động, đạt 100% kế hoạch, trong đó có 430 lao động đi làm việc tại nước ngoài: Nhật Bản 292 lao động, Đài Loan 100 lao động, Hàn Quốc 21 lao động, còn lại là tại các thị trường khác. Bên cạnh đó tỉnh An Giang cũng tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phong trào chăm lo cho người có công với cách mạng. Tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

 

Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, có nhiều đổi mới và đạt nhiều thành tựu, được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm và ứng dụng. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ cấp cơ sở được tăng cường, đã phê duyệt 31 danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở (19 nhiệm vụ đợt 1 năm 2019 và 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đợt 2 năm 2019) và nghiệm thu 15 nhiệm vụ, đạt 50% so với kế hoạch năm 2019. Công tác chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các đơn vị tiếp tục được thực hiện. Đã tổ chức bàn giao kết quả 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh từ năm 2017 - 2018 cho 19 đơn vị sử dụng là các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đây là cơ sở để nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ được nhân rộng và ứng dụng vào thực tiễn.

 

Các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, qua đó đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của đơn vị và nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018 của tỉnh xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 04 bậc so năm 2017; Chỉ số cải cách hành chính Par Index xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố (bằng thứ hạng với năm 2017); Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của An Giang năm 2018 xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố, giảm 08 hạng so với năm 2017.

 

Trong năm 2019, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Giá cả các mặt hàng chủ lực (lúa, cá tra) thiếu ổn định ở mức thấp. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, giông lốc, sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; khai thác khoáng sản trái phép và chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường vẫn còn tiếp diễn. Dịch bệnh trên người (sốt xuất huyết, tay chân miệng) xảy ra tăng so cùng kỳ; xuất hiện dịch tả heo Châu Phi làm gia tăng nổi lo người tiêu dùng, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu có giảm, nhưng có lúc, có thời điểm còn xảy ra nhiều vụ phức tạp. Tình trạng xâm hại trẻ em, ma túy, tín dụng đen diễn ra phức tạp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trong năm 2020 tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; Ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quan trọng là tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân; chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai các các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm (lúa, rau an toàn, bắp lai, nấm ăn, bò thịt, tôm càng xanh, hoa-cây kiểng). Đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh tiếp cận các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

 

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

Nghiên cứu ứng dụng hiệu quả các chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Có giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; Triển khai các giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; tăng cường gắn kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao.

 

Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, năng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn đi vào hoạt động để tăng nhanh sản lượng công nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp và tạo đà tăng trưởng cho năm tiếp theo. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước ngành công thương; Phát triển nguồn nhân lực ngành công thương phục vụ yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, nâng lực của cơ sở, doanh nghiệp ngành công thương về công nghiệp 4.0; Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp ngành công thương tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ.

 

Tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh; đảm bảo các dự án thực hiện đạt chất lượng, đúng tiến độ và đạt hiệu quả đầu tư đặt ra. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát các công trình xây dựng nhằm phát huy dân chủ và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong đầu tư. Chủ động khai thác mọi nguồn lực để phục vụ cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Tiếp cận, tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) để đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm của Tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển thương mại như: Đề án phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Triển khai kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa; phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường, chú trọng các mặt hàng chủ lực và tiềm năng, bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh…

 

Phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch An Giang trong và ngoài nước;  triển khai cổng thông tin du lịch và triển khai App du lịch thông minh để du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu về du lịch An Giang. Khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững; Chủ động thực hiện liên kết vùng trong phát triển du lịch, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tăng lượng khách du lịch đến An Giang. Đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn chất lượng chung của cả nước và từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

 

Thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; các hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội; chính sách người có công cách mạng. Nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang thị trường có thu nhập cao. Tiếp tục xây dựng củng cố hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương....

NGUYỄN NGUYỄN