Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đại biểu Trình Lam Sinh chất vấn về Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

Ngày đăng 11/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Chiều 05/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.

QH-chatvan-vhttdl-5.jpg

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

QH-chatvan-vhttdl-4.jpg

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Tình hình thực hiện Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài?

Năm 2016, Chính phủ ban hành Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài. Mục tiêu là đến năm 2030, nước ta sẽ có 930 người được cử đi học để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên, theo Báo cáo 136 của Bộ thì đến hết năm 2023, chỉ mới có 56 trường hợp trúng tuyển. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật trong nước, khi mà lực lượng có chuyên môn và trình độ cao đang dần thưa vắng, có thể dẫn đến sự khủng hoảng về nhân lực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

Hiện nay, chỉ còn có 6 năm là kết thúc Đề án. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tình hình thực hiện của Đề án hiện nay ra sao và Bộ trưởng có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đến năm 2030?

QH-chatvan-vhttdl-3.jpg

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn
Đối với chất vấn đại biểu liên quan đến vai trò của công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch, Bộ trưởng khẳng định, Du lịch văn hóa là một trong các ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030.
Qua tổng kết Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển.
Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. Bộ trưởng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào GDP; hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Thời gian tới tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp văn hóa, nếu không đào tạo thì sẽ không thành công.
Về giải pháp đột phá để bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và ngôn ngữ, chữ viết, Bộ trưởng cho biết, các đề án đã trình và báo cáo cấp có thẩm quyền, trong đó cách tiếp cận rất quan trọng, trong đó phải nâng cao nhận thức, phải phát huy yếu tố chủ thể văn hóa, bảo vệ và giới thiệu văn hóa của mình. Trong bối cảnh giao thoa giữa các nền văn hóa, điều quan trọng nhất, là gốc chính là chủ thể văn hóa, do đó, chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý, giữ gìn và phát huy trách nhiệm của chúng ta, góp phần nâng cao nhận thức để tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn nó.

Nguồn: www.angiang.dcs.vn