Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Gia nhập CPTPP: Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao với hàng hóa Việt Nam

Ngày đăng 11/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng 8/6, Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo liên quan đến việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
08/06/2024  14:00
Gia nhập CPTPP: Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao với hàng hóa Việt Nam- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và Bắc Ai-len - Ảnh: VGP/LS

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, ngày 01/02/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành. 

Về cơ bản, đàm phán gia nhập CPTPP là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong CPTPP. Ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành Thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, ở góc độ song phương, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ FTA song phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh. 

Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để Việt Nam tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Gia nhập CPTPP: Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao với hàng hóa Việt Nam- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo thuyết minh về Văn kiện Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len gia nhập CPTPP - Ảnh: VGP/LS

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo thuyết minh về văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, kể từ khi khởi động đàm phán vào tháng vào tháng 6 năm 2021, trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức và 5 phiên đàm phán trực tiếp, ngày 31 tháng 3 năm 2023, các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã tuyên bố kết thúc đàm phán.

Về phía Việt Nam, chúng ta đã đạt được các mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh có cam kết mở cửa thị trường ở mức cao để đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp định, và thậm chí cao hơn cho Việt Nam so với cam kết cho các nước khác, cũng như cao hơn so với cam kết của Vương quốc Anh cho Việt Nam trong FTA song phương (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với ta.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng báo cáo làm rõ nhiều nội dung liên quan đến sự cần thiết phê chuẩn Văn kiện; nội dung chính của Văn kiện gia nhập cũng như tác động của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP với Việt Nam trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại; về kinh tế; về lao động, việc làm, xã hội; về các thách thức và giải pháp;…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nêu rõ, căn cứ khoản 3 Điều 54 Luật Điều ước quốc tế 2016, việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, có nội dung sửa đổi, bổ sung Hiệp định CPTPP thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư, và nếu đến ngày 16/10/2024 có đủ 6 thành viên của CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục phê chuẩn thì Văn kiện sẽ có hiệu lực sau 60 ngày đối với các nước đã phê chuẩn (tức là ngày 16/12/2024).

Ủy ban Đối ngoại cũng nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện. Dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33, đồng thời đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Điều ước quốc tế.

Nhấn mạnh việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đề nghị Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tác động khi Văn kiện có hiệu lực, so sánh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn Văn kiện; Ban hành Nghị định của Chính phủ về ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định CPTPP để áp dụng với Vương quốc Anh;…

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ