Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Luật nghiêm khắc nhưng bảo đảm nhân văn với người chưa thành niên phạm tội

Ngày đăng 11/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đối với người chưa thành niên.
Luật nghiêm khắc nhưng bảo đảm nhân văn với người chưa thành niên phạm tội- Ảnh 1.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên 

Họp phiên toàn thể tại Hội trường vào chiều 6/6, Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trình bày Tờ trình về dự án luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, luật được xây dựng nhằm: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. 

Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Đồng thời, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng. Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên.

Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên. Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Tòa án nhân dân tối cao đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như tổ chức nhiều khảo sát, tổng kết thực tiễn thi hành, tổ chức hội thảo quốc gia, quốc tế và lấy ý kiến của các cơ quan có trách nhiệm...

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, quá trình xây dựng dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo có một số vấn đề mới, quan trọng nhưng ý kiến còn khác nhau, Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn xây dựng dự thảo theo đa số ý kiến.

Về quy trình xử lý chuyển hướng, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là thay thế quy trình tố tụng hình sự. Trường hợp trong quá trình xử lý chuyển hướng có vi phạm nghĩa vụ thì người chưa thành niên có thể bị thay đổi bằng biện pháp nghiêm khắc hơn là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không bị tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử. Trừ trường hợp phạm tội mới.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trường hợp không chấp hành tốt biện pháp xử lý chuyển hướng và có vi phạm nghĩa vụ thì tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thông thường.

Về mở rộng các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần mở rộng các trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng so với quy định của Bộ luật Hình sự để phù hợp với việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không nên mở rộng các trường hợp được chuyển hướng và đề nghị giữ như quy định hiện hành nhằm bảo đảm trật tự xã hội.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó cả 03 cơ quan là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, riêng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải do Tòa án xem xét, quyết định.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng tất cả các biện pháp xử lý chuyển hướng cho Tòa án để thực hiện đúng chức năng Hiến định "Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp".

Thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em

Thẩm tra về dự án luật này, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao.

Ủy ban Tư pháp khẳng định, dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ