Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Chất vấn và trả lời chất vấn: Các bộ trưởng, đại biểu đặt vấn đề sát với thực tế cuộc sống

Ngày đăng 11/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, có thể thấy Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương, cũng như đại biểu Quốc hội đã đặt các vấn đề vĩ mô và vi mô sát với cuộc sống thực tế, các khuynh hướng phát triển tương lai, cũng như các mối quan tâm thường nhật của người dân.
Chất vấn và trả lời chất vấn: Các bộ trưởng, đại biểu đặt vấn đề sát với thực tế cuộc sống- Ảnh 1.

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tài nguyên môi trường và công tác dự báo

Lần đầu tiên chúng tôi nghe Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời trước quốc hội, trước toàn dân trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra.

Lĩnh vực TNMT quá rộng và rất thiết thân đến đời sống hằng ngày, ảnh hưởng trước mắt và lâu dài đến từng người dân, từng địa phương và cả quốc gia. Đặc biệt, lĩnh vực này cũng chịu ảnh hưởng của khu vực và toàn cầu. 

Tại phiên chất vấn lần này, các câu hỏi dành cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, theo chúng tôi, tđều là "câu hỏi lớn", từ cụ thể, như: "Thời hạn khai thác mỏ đã hết, làm sao gia hạn, có nên cho phép dài hơn không?", cho đến làm sao "chống sạt lở" ở ĐBSCL, làm sao bảo vệ nguồn nước, làm sao "hồi sinh các dòng sông?"... Tuy nhiên, Bộ trưởng đã trả lời ngắn gọn, khá rõ cho từng vấn đề, vừa nặng tính chất xã hội-dân sinh, vừa nặng tính chất khoa học-kỹ thuật.

Chúng tôi cho rằng, dù ngắn gọn, nhưng Bộ trưởng trả lời đúng trọng điểm, tất nhiên, không thể thỏa mãn tất cả cùng một lúc. Điều quan trọng, đối với lĩnh vực TNMT, xuyên suốt là công tác dự báo. Rõ ràng, trong mấy năm qua, phần lớn thông tin dự báo đã tăng độ chính xác. Nhưng cần chính xác hơn nữa.

Dự báo chính xác và đáng tin cậy có vai trò cực kỳ quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, quản lý nước, khoáng sản, đất đai.

Ví dụ, nói về nguồn tài nguyên nước, kể cả việc làm "hồi sinh các dòng sông", thì theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, "60% nguồn nước của chúng ta phụ thuộc nước ngoài, chỉ 40% là nước nội sinh", vậy nếu không có vệ tinh dự báo biến thiên của 60% kia, thì làm sao chúng ta có thể quản lý nguồn 40% còn lại? Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta sử dụng 70% nguồn nước cho nông nghiệp, chỉ có 30% nguồn nước cho dân sinh, nếu không xài tiết kiệm, hiệu quả cao nhất nước cho nông nghiệp thì chắc chắn có ảnh hưởng nhất định tới an toàn nguồn nước.

Dự báo về thời tiết nắng mưa càng chính xác bao nhiêu thì nguồn nước cho nông nghiệp quốc gia càng hiệu quả bấy nhiêu.

Người dân, nhất là nông dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp dựa vào dự báo để lập kế hoạch cho tương lai. Dự báo chính xác cho phép lập kế hoạch dài hạn tốt hơn, chẳng hạn như việc đưa ra các quyết định đầu tư, đề phòng tai nạn, thương vong (như lở đất, lũ lụt, bão…).

Theo Bộ trưởng, việc trang bị nhiều hơn các hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ cho công tác dự báo là yếu tố then chốt cho công tác TNMT của đất nước. Vì "biến đổi khí hậu" là nguyên nhân dẫn tới những hệ lụy môi trường, bên cạnh các nguyên nhân do con người. Nếu công tác dự báo kịp thời, chính xác, sẽ hạn chế rất nhiều những sự việc đáng tiếc, như lấn chiếm dòng sông, gây ô nhiễm, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên…

Bộ trưởng cũng cho hay: "Bộ TN&MT đã tăng cường quan trắc và phân tích môi trường lưu vực sông, quan trắc thường xuyên, liên tục kết nối dữ liệu online để kiểm tra giám sát… Và hiện nay công tác dự báo của chúng ta ngang với các quốc gia trong khu vực". 

Chúng tôi đồng tình với Bộ trưởng khi nhấn mạnh việc đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại cho dự báo.

Thương mại điện tử: 21 tỷ USD và còn hơn thế…

Đối với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chúng tôi chú ý theo dõi các vấn đề về thương mại điện tử vì các vấn đề về công nghiệp, điện hay xuất nhập khẩu thì Bộ Công Thương đã trả lời nhiều trong các phiên chất vấn trước đây tại Quốc hội.

Hơn nữa, trong sáng 5/6, thương mại điện tử cũng là một trong hai vấn đề chính mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra trong phần tổng kết nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Theo ông, thương mại điện tử là xu hướng thương mại toàn cầu, đó cũng là xu hướng giúp nước ta giảm bớt các chợ truyền thống, tăng cường hiệu quả cho thương mại nội địa. Phó Thủ tướng cũng đưa ra hệ quy chiếu là tỉ lệ tăng trưởng thương mại điện tử Hoa Kỳ là 35%, trong khi đó con số này cho Việt Nam là 25%.

Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên  đúng trọng tâm, nhất là vấn đề về công nghiệp và xuất nhập khẩu, thương mại điện tử.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra con số cụ thể cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm qua là 21 tỷ USD và còn tăng nhiều hơn trong những năm sau. Chúng tôi đồng tình với Bộ trưởng khi ông trả lời các đại biểu về các biến tướng tiêu cực của thương mại điện tử, nhấn mạnh: "Đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới, do đó, bên cạnh xử lý tiêu cực trước mắt, cần sửa đổi các cơ chế, chính sách cho hoàn thiện".

Nhân đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng kêu gọi người dân và chính quyền địa phương cùng phát hiện tiêu cực trong giao dịch mua bán trên mạng: "Cùng với đó, phải phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Nói vậy thôi, chứ mua bán, giao dịch thì cuối cùng cũng không thể qua được 'lưới trời' - đó là sự phát hiện của người dân, cũng như vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương".

Lĩnh vực này cũng được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời bổ sung. Theo dõi phiên chất vấn thì thấy các câu hỏi của đại biểu hầu hết tập trung vào các vấn đề tiêu cực của thương mại điện tử, như: Lừa đảo, thao túng dữ liệu, trốn thuế, bán hàng bất hợp pháp… Khi nghe trả lời khái quát của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi cho rằng đó là hướng đi tất yếu: Không thể quản lý thương mại điện tử một cách thủ công (sức người), mà phải dùng công nghệ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian qua chúng ta chưa đầu tư nhiều để phát triển các công nghệ số để thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng. "Chúng ta phải coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Như một số đại biểu đã nêu, phải dùng công nghệ để quản lý công nghệ". Có hàng triệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử thì không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số để quản lý toàn diện, giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Trước câu hỏi của đại biểu về thu thuế, trốn thuế trên thương mại điện tử, chúng tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời khá thuyết phục. Theo ông, 5 tháng đầu năm đã thu 50.000 tỷ đồng thuế từ sàn thương mại điện tử. Bộ trưởng cũng nói trước Quốc hội rằng, Bộ Tài chính đã thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an và chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử và kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện quản lý.

Cuối cùng, cảm giác chung của chúng tôi đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn là các bộ trưởng, cũng như đại biểu Quốc hội đã đặt các vấn đề vĩ mô và vi mô sát với cuộc sống thực tế, các khuynh hướng phát triển tương lai, cũng như các mối quan tâm thường nhật của người dân. Giải pháp chung chính là cải thiện hành lang pháp lý và đầu tư phát triển công nghệ hiện đại nhất có thể.

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ