Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giao thông - Vận tải trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp và lộ trình để giải quyết dứt điểm trạm T2

Ngày đăng 05/08/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 30/7/2019, Bộ Giao thông vận tải có công văn số 7067/BGTVT-KHĐT về việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội An Giang tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV như sau:

Việc mở rộng QL91 là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vị trí đặt trạm thu phí T2 chưa hợp lý, gây phản ứng của người tham gia giao thông. Đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ quan tổ chức nào chịu trách nhiệm, Bộ trưởng có giải pháp gì và lộ trình giải quyết dứt điểm.

Bộ GTVT trả lời như sau:

* Về vị trí đặt trạm thu phí T2 QL91:

Do trạm thu phí khoảng cách giữa trạm thu phí T1 (tại km16+905,83) và  trạm thu phí T2 (tại km50+050) nhỏ hơn 70km, nhưng vị trí các trạm thu phí này đều nằm trong phạm vi Dự án đã được phê duyệt, đồng thời đã nhận được sự đồng thuận của Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ và Bộ Tài chính. Theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính, việc đặt trạm thu phí T1, T2 trước đây đã thực hiện đúng quy định.

* Về giải pháp và lộ trình giải quyết dứt điểm bất cập tại trạm thu phí T2 QL91:

Trong quá trình tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ trước đây (năm 2017) đã có phản ứng của một số tài xế tại trạm thu phí “mức giá thu phí quá cao và vị trí đặt trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ” có nguyên nhân là do bất cập chính sách phí quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Hình thức thu lượt (thu hở) tại các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ hiện nay không thể đảm bảo được sự công bằng tuyệt đối đối với người dân xung quanh các trạm thu phí (người dân ở gần trạm thu phí đi quảng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí trong khi đó nhiều người đi trong dự án nhưng không phải trả phí vì xe không đi qua trạm). Để xử lý vấn đề bất cập nêu trên, Bộ Giao thông vận tải  đã giao Tổng cục đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí cho 10.075 phương tiện gần trạm và các phương tiện lưu thông theo hướng từ tỉnh Kiên Giang (QL80) về tỉnh An Giang (QL91) và ngược lại, cụ thể như sau:

- Giảm giá vé 100% cho: 590 phương tiện trên địa bàn thành phố Cần Thơ; 530 phương tiện trên địa bàn tỉnh An Giang và 233 phương tiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (xe buýt và xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ tỉnh Kiên Giang QL80 về tỉnh An Giang QL91 và ngược lại).

- Giảm giá vé 50% cho: 6.171 phương tiện trên trên địa bàn tỉnh An Giang và 2.561 phương tiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (gồm xe khách và xe vận tải hàng hóa có hợp đồng vận chuyển sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ tỉnh Kiên Giang QL80 về tỉnh An Giang QL91 và ngược lại (các đối tượng giảm này không thuộc đối tượng đã nêu trên).

- Ngoài ra, còn giảm giá cho các loại vé tháng, vé quý theo tỷ lệ tương ứng.

Tuy nhiên, sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành, đưa vào khai thác luồng phương tiện qua trạm T2 theo hướng Kiên Giang – An Giang và Đồng Tháp – An Giang – Cầu Vàm Cống và ngược lại, mặc dù chỉ phải qua một đoạn đường ngắn, nhưng phương tiện cũng phải trả mức phí cho cả tuyến đường, nên đã gây phản ứng của người tham gia giao thông. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Nhà đầu tư BOT đã tạm dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25/5/2019 để giải quyết dứt điểm các tồn tại, bất cập nêu trên theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư BOT, các cơ quan chức năng liên quan của địa phương khẩn trương đề xuất các phương án xử lý các bất cập tại trạm thu phí T2.

Ngày 11/7/2019, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và UBND thành phố Cần Thơ; UBND tỉnh Kiên Giang; Nhà đầu tư, Ngân hàng và Hiệp hội ô tô các tỉnh nêu trên đang đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn ra phương án xử lý tối ưu do Tổng cục đường bộ Việt Nam đề xuất:

- Phương án 1: Di dời trạm thu phí T2 về phía Cần Thơ qua Ngã 3 lộ tẻ (giao QL80 với QL91), vị trí khoảng km49+200 QL91.

- Phương án 2: Giữ nguyên trạm T2, rà soát các phương án giảm giá vé cho dòng phương tiện lưu thông theo hai hướng Kiên Giang - An Giang và An Giang – Cầu Vàm Cống và ngược lại.

Về giải pháp lâu dài, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phê duyệt Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên thuộc thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi Dự án này hoàn thành, đưa vào khai thác, các phương tiện muốn qua khu vực các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang sẽ được quyền lựa chọn, không phải qua trạm thu phí T2 hiện tại, nên các vấn đề bất cập sẽ được giải quyết triệt để./.

Kim Yến